Xuất khẩu tăng trưởng hơn 2 lần sau 7 năm

Theo Đức Quỳnh/ndh.vn

So với quy mô xuất khẩu năm 2011 (96,9 tỷ USD), thời điểm đầu thực hiện Chiến lược xuất khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng năm 2030, xuất khẩu năm 2017 lần đầu tiên đạt mốc 200 tỷ USD.

Xuất khẩu năm 2017 lần đầu tiên đạt mốc 200 tỷ USD. Nguồn: Internet
Xuất khẩu năm 2017 lần đầu tiên đạt mốc 200 tỷ USD. Nguồn: Internet

Sau 7 năm, quy mô xuất khẩu tăng 2,21 lần. Tốc độ tăng xuất khẩu trung bình đạt 12%/năm. Tính riêng năm 2017, tốc độ tăng trưởng đạt 21,2%.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch sang nhóm hàng công nghiệp chế biến với tỷ trọng năm 2017 đạt 81,3%, tăng mạnh so với mức 61% năm 2011. Tỷ trọng hàng nông, thủy sản giảm còn 12,1% (năm 2011 là 20,4%). Nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 11,6% năm 2011 xuống chỉ còn khoảng 2% năm 2017.

Xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do tăng trưởng mạnh trong năm 2017 với ASEAN tăng 24,2%, Trung Quốc 61,5% và Nhật Bản 14,8%.

Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu dần được cải thiện. Đặc biệt với mặt hàng điện thoại với số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho Samsung tăng lên 200.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuần Anh, việc chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu từ dầu thô sang hàng điện tử đang là một vấn đề lớn. Nếu không tính 2 mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 chỉ đạt 15,8%. Bên cạnh đó, xuất khẩu dựa nhiều vào khối doanh nghiệp FDI, chiếm tới 70% tổng kim ngạch.

“Điều này dẫn đến xuất khẩu Việt Nam sẽ chịu tác lớn trong trường hợp chiến tranh thương mại xảy ra”, Bộ trưởng nói.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng nhiều chi phí còn cao như lãi suất, vận tải, các loại phí cảng…làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Năm 2018, xuất khẩu Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ chiến tranh thương mại, dẫn đến tâm lý nhà doanh nghiệp và nhà đầu tư bị lung lay.

Chủ nghĩa bảo hộ thể hiện rõ ràng hơn trong năm 2018. Lần đầu tiên trong nhiều năm, Mỹ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với máy giặt. Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới còn thay đổi quy tắc xuất xứ để “chống lẩn tránh” vào tôn xuất khẩu của Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá cá tra- basa cũng cao một cách bất thường. Đối với nông sản, Bộ trưởng nhận định giá mặt hàng này tăng khá tốt trong năm qua nên khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhờ yếu tố giá không còn nhiều.

Cơ hội cho xuất khẩu

Nhu cầu thế giới sẽ tiếp tục phục hồi do tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 được dự báo khả quan. Tăng trưởng GDP của Mỹ được dự báo đạt 2,7% dù Fed có xu hướng thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ. Việc Trung Quốc thực thi chiến lược cải cách kinh tế với mục tiêu cắt giảm sản lượng công nghiệp, làm sạch môi trường, được ự báo sẽ có tác động tích cực lên nguồn cung toàn cầu, làm tăng giá hàng hóa xuất khẩu.

Tại Liên minh châu Âu, các nền kinh tế Đức, Italy và Hà Lan được dự báo tăng trưởng cao với nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.

Theo lộ trình cam kết tại các FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Hiệp định CPTPP và EVFTA dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 tạo sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam tăng năng lực sản xuất.