Xuất khẩu thủy sản: Doanh nghiệp và cơ quan quản lý đồng hành vượt khó

Theo baohaiquan.vn

Sau khi giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản bắt đầu hồi phục. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đạt 2,88 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong năm 2013 có thể đạt 6,5 tỉ USD, tăng khoảng 300 triệu USD so với năm 2012. Các doanh nghiệp thủy sản trong đó có hai ngành chủ lực là cá tra và tôm đang nỗ lực vượt khó cùng với sự hỗ trợ nhiều mặt từ các cơ quan quản lý như tài chính, nông nghiệp, ngân hàng.

Xuất khẩu thủy sản: Doanh nghiệp và cơ quan quản lý đồng hành vượt khó
Giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản bắt đầu hồi phục. Nguồn: internet

Hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực: cá tra và tôm

Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu mặt hàng cá tra 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt khoảng 800 triệu USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2012. Nguyên nhân là do thị trường EU chưa có khả năng phục hồi như mong muốn vì vấn đề nợ công tại EU vẫn chưa được khắc phục hiệu quả, trong khi tình hình tài chính, tiêu dùng chưa có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, VASEP dự báo xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ 6 tháng cuối năm 2013 sẽ tốt hơn và có thể tương đương với cùng kỳ năm 2012. Tại thị trường Mỹ, ngành cá tra vừa có thông tin tích cực là Ủy ban Nông nghiệp thuộc Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nông nghiệp 2013. Dự luật có nhiều sửa đổi, trong đó có việc hủy bỏ chương trình thanh tra cá da trơn vốn bị chỉ trích là gây tốn kém ngân sách và gây khó khăn cho các nhà nhập khẩu cá da trơn từ các nước châu Á.

Theo VASEP, tuy mức thuế chống bán phá giá mặt hàng cá tra philê (POR8) tăng cao nhưng dường như không làm giảm tốc độ xuất khẩu cá tra vào Mỹ như dự báo, trong đó 8 doanh nghiệp có thuế suất 0% cũng đang tăng xuất khẩu sản phẩm cá tra vào thị trường này. Đáng chú ý là xuất khẩu cá tra vào Mỹ tăng nhưng giá cá tra tại thị trường Mỹ lại không có xu hướng sụt giảm. Cá tra philê đông lạnh cỡ 5-7 oz tại thị trường Mỹ trong tháng 6 có giá trung bình 1,8 USD/pound, tăng so với 1,7 USD/pound của tháng đầu năm nay.

Một tin đáng mừng nữa là vừa qua, tại buổi họp báo Trao đổi kết quả chuyến công tác chương trình quảng bá thủy sản Việt Nam trên các kênh truyền thông Australia, ông Norman Grant - Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu thủy sản Australia đã khẳng định chất lượng thủy sản Việt Nam rất tốt, với tiêu chuẩn chất lượng cao. Theo ông Norman Grant, ở Australia, người tiêu dùng chưa quen với cá nước ngọt, vì vậy tỷ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường này sẽ có tiềm năng phát triển, vì lượng xuất khẩu hiện nay mới ở mức 15.000 tấn/năm.

Đối với xuất khẩu tôm, VASEP cho biết xuất khẩu tôm của Việt Nam trong nửa đầu năm ước đạt trên 1,031 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng 3,6%, mức tăng còn khá khiêm tốn nhưng cho thấy dấu hiệu khả quan trong xuất khẩu tôm sang thị trường này sau hơn một năm giảm sút do ảnh hưởng của quy định kiểm tra chất chống ôxy hoá Ethoxyquin được sử dụng trong sản xuất thức ăn nuôi tôm. Mới đây, Nhật Bản đã nâng mức kiểm tra dư lượng Trifluralin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam từ mức 0,001 ppm lên mức 0,5 ppm. Quyết định này phần nào giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam thấy “dễ thở” hơn trong bối cảnh quá nhiều rào cản và khó khăn trong xuất khẩu tôm sang thị truờng này như hiện nay.

5 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng trưởng tới 19,1% và thị trường này đã vượt qua EU để trở thành thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 3 của Việt Nam. Năm 2013, Trung Quốc được đánh giá là một trong những “đầu ra” quan trọng cho tôm Việt Nam bởi xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản hay EU gặp khó khăn. Sản lượng tôm nuôi của Trung Quốc giảm do nước này cũng phải đối mặt với dịch bệnh và Hội chứng tôm chết sớm (EMS). Nguồn nguyên liệu trong nuớc thiếu hụt khiến nước này gia tăng nhập khẩu để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như nguồn nguyên liệu cho chế biến.

“Mặc dù hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực là cá tra và tôm gặp nhiều khó khăn với thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp ở thị trường Mỹ, cơ hội cho xuất khẩu thủy sản gia tăng trị giá so với năm trước vẫn khá cao. Cơ hội của xuất khẩu thủy sản nằm ở các yếu tố lãi suất giảm, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận được với dòng vốn rẻ”, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư kí VASEP nhận định.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, các cơ quan quản lý đã có những động thái được đánh giá khá tích cực.

Cụ thể, Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về việc cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mua thức ăn nuôi thuỷ sản theo cơ chế tín dụng xuất khẩu. Dự kiến, mức cho vay tối đa lên đến 85% tổng nhu cầu mua thức ăn theo phương án đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thẩm định và chấp thuận cho vay, đồng thời phải đảm bảo mức vốn cho vay tối đa không vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Ngân hàng. Dự thảo cũng dự kiến sẽ gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng với điều kiện doanh nghiệp bị lỗ trong năm 2011 và 2012.

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người nông dân trong ngành thủy sản, ngày 27/6 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 16/2013/TT-NHNN quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế là 9%/năm. Mức lãi suất này nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn của 5 lĩnh vực ưu tiên trong đó có lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và thực hiện phương án, dự án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ NN & PTNN cho biết, hiện cơ quan này đang sửa đổi dự thảo thay thế Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT ngày 3/8/2011 Quy định việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng thực phẩm thủy sản theo hướng sẽ phân loại chương trình thẩm tra sản phẩm theo 4 mức giống như mô hình Thái Lan đang áp dụng: mức 3-4 sẽ kiểm tra từng lô hàng, mức 1-2 là mức ưu đãi đặc biệt (doanh nghiệp phải đạt điều kiện là trong 3 tháng liên tiếp không có lô hàng nào bị vi phạm)… Ngoài ra, để tránh tăng chi phí do chờ đợi kết quả kiểm nghiệm, cơ quan kiểm nghiệm sẽ không yêu cầu lô hàng đủ 70% khối lượng thành phẩm mới được đăng ký kiểm tra, chứng nhận chất lượng ATTP. Khi doanh nghiệp đề nghị, cơ quan kiểm tra có thể cấp ngay chứng thư, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Các cơ quan quản lý nhà nước đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thuỷ sản vượt khó nhằm đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chủ lực này tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra cả năm là 6,5 tỷ USD.

Ngày 12/6 vừa qua Tổng cục Hải quan cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với VASEP nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của cộng đồng DN; thực hiện nguyên tắc đồng quản lý để hỗ trợ các DN đẩy mạnh XNK, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa.

Nội dung hợp tác chính giữa 2 cơ quan bao gồm: Phối hợp trong việc thu thập, phản ánh nhanh các thông tin và ý kiến có liên quan của các DN XNK thủy sản góp ý với cơ quan Hải quan. Phối hợp thực hiện trong việc hỗ trợ DN thực hiện thủ tục hải quan điện tử, DN ưu tiên, đánh giá tính tuân thủ của DN trong việc thực thi pháp luật về hải quan. Phối hợp xây dựng tiêu chí và thủ tục đánh giá yêu cầu an ninh dây chuyền sản xuất để đảm bảo DN đáp ứng các điều kiện XNK giúp DN tạo dựng uy tín trong cộng đồng DN quốc tế và hải quan các nước.

“Một khâu quan trọng trong thỏa thuận hợp tác lần này là phối hợp cung cấp các thông tin theo quy định của pháp luật trên cơ sở tạo thuận lợi cho DN; so sánh, đối chiếu số liệu thống kê XNK thủy sản với các nước/vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế/khu vực trong lĩnh vực thủy sản khi có sự chênh lệch số liệu theo các nguồn khác nhau. Việc này sẽ hỗ trợ VASEP và DN XK thủy sản trong các vụ kiện chống bán phá giá”, ông Trần Thiện Hải - Chủ tịch VASEP đánh giá.

Bà Trương Thị Lệ Khanh - TGĐ Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn:

Doanh nghiệp cần bình tĩnh trong vụ kiện chống bán phá giá

Hiện nay, VASEP và các DN XK cá tra sang Mỹ được sự hỗ trợ từ Bộ NN và PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương… đang tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ ngành cá tra thông qua các hoạt động pháp lý cần thiết để yêu cầu DOC sửa lại quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần 8 của vụ kiện chống bán phá giá theo luật pháp Mỹ cũng như các thỏa thuận của WTO. Do đó, các DN XK cá tra cần hết sức bình tĩnh để có được thành công. Nếu thành công trong việc xây dựng chiến lược dài hạn tại Mỹ, sẽ áp dụng sang các thị trường khác.

Ông Nguyễn Văn Kịch - GĐ Công ty CP thủy sản Cafatex:

Cần đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng

Công ty đang đẩy mạnh chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng để xuất khẩu, đặc biệt là cho thị trường Nhật Bản. Yêu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn các sản phẩm thô nên doanh nghiệp vừa phải nắm được công nghệ sản xuất, vừa phải có trong tay đội ngũ công nhân lâu năm, lành nghề thì mới đáp ứng được yêu cầu khách hàng. Mặc dù thị trường khó khăn, chúng tôi đặt mục tiêu doanh số bằng hoặc cao hơn năm trước.