Xuất khẩu thủy sản đối mặt với nhiều thách thức

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Vượt qua những khó khăn trong sản xuất như phải đối mặt với nắng nóng, hạn mặn, cá chết do ô nhiễm môi trường, tôm bị bệnh, xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm vẫn tăng 3,65 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn tiềm ẩn nhiều mối lo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu (XK) thủy sản. 6 tháng đầu năm 2016, các thị trường có giá trị XK thủy sản tăng mạnh là Hoa Kỳ (11%), Trung Quốc (55,1%), Thái Lan (7,7%) và Hà Lan (7,3%).

Giá xuống thấp nhất trong 5 năm

Mặc dù giá trị XK tăng, nhưng XK thủy sản vẫn tiềm ẩn nhiều mối nguy, khiến XK thiếu bền vững. 1 trong 3 mặt hàng chủ lực của thủy sản là cá tra đang gặp khó, khi giá cá tra nguyên liệu sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Tại TP. Cần Thơ và nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long , như An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre… giá cá tra nguyên liệu loại thịt trắng đang ở mức từ 17.500 - 18.500 đồng/kg, giảm hơn 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Với mức giá thu mua cá tra nguyên liệu như hiện nay, nhiều người nuôi cá đã lỗ trên dưới 3.000 đồng/kg.

Thông tin từ hộ nuôi cho thấy, nhiều cá tra quá lứa nằm trong ao không có người mua do thị trường Trung Quốc giảm mua, chỉ bán được ở mức giá 16.000 - 17.000 đồng/kg. Vì thua lỗ nên nhiều hộ đã “treo ao”, diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL đã giảm mạnh.

Bà Võ Thị Thanh Hương - Phó Tổng thư ký Việt Nam Pangasius, cho biết tính đến ngày 29/6, diện tích nuôi mới cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long là 1.445 ha (giảm 26% so với cùng kỳ 2015), diện tích thu hoạch là 1.558 ha (giảm 16%), sản lượng đạt 493.402 tấn (giảm 4%). Trong 10 tỉnh có vùng nuôi cá tra, trừ Trà Vinh, có tới 9 tỉnh diện tích nuôi mới giảm, gồm Kiên Giang (100 ha), Sóc Trăng (100 ha), Đồng Tháp (27 ha), Cần Thơ (31 ha)…

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra giảm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thị trường châu Âu đã giảm nhu cầu mua khiến cầu yếu đi. Ông Hòe nhận định, từ nay đến cuối năm, rất khó để hy vọng giá cá tra phục hồi cao.

Bên cạnh việc giảm nhu cầu từ các thị trường NK, tiêu thụ cá tra gặp khó bởi chính những thông tin thiếu tính chính xác về sản lượng cá tra trong nước, khi mà người nói thiếu, người nói thừa, kết cục là chúng ta không tiêu thụ nổi.

Tháo gỡ những rào cản

Với ngành tôm, thiếu hụt nguồn cung vẫn là căn bệnh lâu năm, sản xuất gặp bất lợi do tình hình thời tiết, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ môi trường ao nuôi biến động khiến tôm bị bệnh, sản lượng thu hoạch tôm nước lợ giảm dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, nhiều nhà máy chế biến chỉ hoạt động cầm chừng 50 - 60% công suất.

Để duy trì đơn hàng, doanh nghiệp (DN) XK tôm trong nước chỉ còn cách xoay sở nhập khẩu tôm nguyên liệu từ nước ngoài. Đây chính là lý do năm 2015, Ấn Độ là quốc gia XK tôm nhiều nhất vào Việt Nam, chiếm gần 75% tổng lượng tôm nguyên liệu nhập khẩu.

Ông Hòe nhận định, thị trường XK tôm từ nay đến cuối năm được nhận định khởi sắc, nhu cầu các thị trường sẽ phục hồi. Các chuyên gia dự báo, có khả năng XK tôm năm 2016 sẽ đạt khoảng trên 3 tỷ USD.

XK thủy sản dù vẫn tăng trưởng dương nhưng nội tại ngành còn nhiều bất cập. Với việc phải đối mặt, đưa ra giải pháp ứng phó với những rào cản thị trường như kiện chống bán phá giá tôm, luật Farm bill, quy định an toàn cá heo của tổ chức quốc tế, rào cản công nhận quốc gia sạch bệnh trên tôm của Australia, những rào cản đến từ thị trường Trung Quốc…

Sự cố về môi trường biển ở các tỉnh miền Trung vừa qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động XK của các DN. Các thị trường nhập khẩu đặc biệt là thị trường EU đã đưa thêm nhiều rào cản kỹ thuật đối với mặt hàng thủy sản, nhất là chỉ tiêu về kim loại nặng và thành phần Asen trong sản phẩm.

Theo dự báo của VASEP, tổng kim ngạch XK thủy sản Việt Nam cả năm 2016 sẽ đạt trên 7 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2015. Để XK thủy sản trở nên bền vững, các chuyên gia khuyến nghị Nhà nước cần vào cuộc, bắt tay cùng DN tháo gỡ từng nút thắt, rào cản của thị trường.

Riêng với ngành hàng cá tra, VASEP đề nghị Bộ NN&PTNT nhanh chóng thống kê chính xác về sản lượng cá tra thực tế để có cơ sở đánh giá, giúp tăng trưởng XK.