Xuất nhập khẩu 2019: Kỳ vọng gì trong những tháng cuối năm?
Đối diện với rất nhiều khó khăn do tình hình ảm đạm chung của kinh tế thế giới nhưng xuất nhập khẩu 7 tháng qua vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan.
Ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tính đến hết tháng 7/2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. 7 tháng đầu năm 2019, đã có 24 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD và 33/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Mức tăng trưởng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 (7 tháng năm 2018 tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017) nhưng vẫn có thể đạt chỉ tiêu của Quốc hội là tăng trưởng xuất khẩu từ 7%-8% trong năm 2019.
“Đáng chú ý, kết quả xuất khẩu của Việt Nam cũng là tích cực nếu so sánh với kết quả xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới” – ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh. Cụ thể, theo số liệu từ WTO, xuất khẩu của Brazil đạt 109,8 tỷ USD, giảm 3,5%; Singapore 5 tháng đạt 162 tỷ USD, giảm 3,3%; Malaysia 4 tháng đạt 78,4 tỷ USD, giảm 4,7%; Indonesia 4 tháng đạt 53,7 tỷ USD, giảm 8,7%....
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước trong 7 tháng năm 2019 ước đạt 44 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn tốc độ tăng của khối doanh nghiệp FDI (tăng 5,6% so với cùng kỳ). Kết quả này đã giúp mức thặng dư cán cân thương mại 7 tháng đầu năm được duy trì ở mức 1,79 tỷ USD.
Với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin, tình trạng đơn hàng của các doanh nghiệp không khả quan so với năm 2018 và khan hiếm đơn hàng đang diễn ra khá phổ biến, không chỉ ở những doanh nghiệp nhỏ mà cả doanh nghiệp lớn trong ngành như: May 10, May Việt Tiến cũng bị sụt giảm. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, tiêu thụ sợi và phụ liệu cũng gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực lớn, cùng việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 7 tháng qua vẫn tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt, như: xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 9,66 tỷ USD, tăng 8,9%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 9,12 tỷ USD, tăng 4,7%; xuất khẩu sang ASEAN đạt 12,92 tỷ USD, tăng 5,6%. Một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt như Canada tăng 32,9% (đạt 1,83 tỷ USD); Mexico tăng 23,43% (đạt 1,31 tỷ USD).
Xuất khẩu năm 2019 được đánh giá tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các Bộ, ngành, tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, những đổi mới hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu. Đặc biệt, những cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu đã tiết giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Việc Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới. Đầu tư trong nước, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.
Trong bối cảnh đó, xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 145,1 tỷ USD, thấp hơn khoảng 1 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng đề ra. Dự báo cả năm 2019, xuất khẩu đạt khoảng 261-262 tỷ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018.
Như vậy, từ nay tới cuối năm, bình quân mỗi tháng xuất khẩu phải đạt khoảng 23,2-23,4 tỷ USD. “Với những nỗ lực trong việc mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu của Chính phủ, các Bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu hàng hóa được kỳ vọng có thể hoàn thành mục tiêu đề ra” – ông Phan Văn Chinh cho hay.
Khẳng định không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào, quyết tâm để có giải pháp hữu hiệu nhất đạt tăng trưởng xuất khẩu như đã đề ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu, những tháng cuối năm, Cục Xuất nhập khẩu phải làm tốt công tác nghiên cứu, xây dựng kịch bản xuất nhập khẩu cho các thị trường, ngành hàng, đề ra các nhóm giải pháp phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp, địa phương ngành hàng xuất khẩu.
"Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại đánh giá lại các nhóm hàng có nguy cơ liên quan đến các tranh chấp thương mại, từ đó có giải pháp phối hợp với các đối tác để chủ động với các vụ việc phòng vệ thương mại. Đồng thời, phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng rà soát, đánh giá lại các thị trường có sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu, tìm ra nguyên nhân, kể cả là nguyên nhân khách quan, từ đó tìm cách tháo gỡ, vạch mục tiêu rõ ràng với từng thị trường, tránh lối mòn trong tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại quốc gia" - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.