Điểm sáng xuất khẩu

Dù phải đối mặt với những tác động xấu từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong các năm từ 2011-1013, nhưng Việt Nam vẫn là một trong số ít nền kinh tế giữ mức tăng trưởng trên 5% mỗi năm. Mức tăng trưởng trên có phần quan trọng từ những thành tựu của hoạt động xuất khẩu. Cụ thể qua các năm như sau:

Năm 2011

Trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, kinh tế thế giới suy giảm và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Mặc dù vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2011 đạt 96,91 tỷ USD, gấp 122,8 lần năm 1986 và 6,7 lần năm 2000.

Khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đạt kết quả cao (cả quy mô và tốc độ tăng trưởng kim ngạch). Khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2011 đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD (không kể dầu thô) chiếm tỷ trọng 46,3% tổng kim ngạch của cả nước và tăng 28,9% so với năm 2010. Năm 2011, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều hoàn thành so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, năm 2011 nước ta xuất khẩu gạo đạt 7,105 triệu tấn, thu về 3,651 tỷ USD, thị trường xuất khẩu nông sản được mở rộng và giá cả thế giới tăng cao.

Năm 2012

Xuất khẩu năm 2012 tiếp tục phát huy đà tăng trưởng của năm 2011 với nhiều điểm nhấn được ghi nhận tích cực hơn, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy và là “lực đỡ” cho đà suy giảm kinh tế đất nước. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả năm 2012 đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011. Cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2012 chuyển dịch khá mạnh. Khu vực FDI là "đầu tàu" xuất khẩu nhưng việc xuất khẩu chủ yếu thuộc nhóm các mặt hàng gia công, thực thu ít ngoại tệ: Điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép...

Trong năm 2012, nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như: Điện tử máy tính đạt 7,9 tỷ USD, tăng 69,1%; điện thoại và linh kiện 12,6 tỷ USD, tăng 97,7%; máy móc, thiết bị phụ tùng 5,5 tỷ USD, tăng 26,9%... Đáng chú ý là Liên minh châu Âu (EU) vươn lên là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Tiếp đến là Mỹ 19,6 tỷ USD, tăng 15,6% và chiếm 17,1%; ASEAN 17,3 tỷ USD, tăng 27,2%...

Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2012 đạt 114,57 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2011. Các nhóm mặt hàng lớn nhất năm 2012 so với 2011 đều tăng (xem hình 1).

Năm 2013

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Quốc hội đặt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu là 10%, nhập siêu bằng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng trên 129 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu: Điểm sáng giai đoạn 2011-2013 - Ảnh 1

Ở góc nhìn lạc quan, một số dự báo cho rằng, năm 2013, các nền kinh tế châu Âu và Mỹ đang trên đà khôi phục là thuận lợi quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam. Thêm vào đó, sự sụt giảm tăng trưởng của hai nền kinh tế là Ấn Độ và Trung Quốc cũng tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam khi nhân công và chi phí đầu vào của Việt Nam được đánh giá là thấp hơn từ 2 - 2,5 lần so với hai quốc gia này.

Hơn nữa, các nguồn vốn FDI, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào Việt Nam trong năm 2013 có nhiều triển vọng tăng cao hơn năm 2012 sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam khởi sắc. Năng lực sản xuất của các DN xuất khẩu sẽ được cải thiện trong năm 2013 nhờ các ưu tiên cứu trợ trong chính sách trợ giúp DN của Chính phủ. Thêm vào đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chủ yếu là hàng tiêu dùng như gạo, cà phê, chè… và giá các mặt hàng này trên thị trường thế giới đang có chiều hướng tăng, do đó tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục ổn định trong năm 2013.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động xuất khẩu năm 2013 được dự báo gặp phải không ít khó khăn và chứa đựng nhiều rủi ro. Trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa hồi phục bền vững, còn nhiều rủi ro thì đầu ra cho hàng hóa Việt Nam vẫn chưa chắc chắn.

Xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên vật liệu, phụ kiện nhập khẩu nên tình hình nhập khẩu sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tình hình xuất khẩu. Một số dự báo cho rằng, những yếu tố rủi ro của kinh tế thế giới cũng như khó khăn của kinh tế Việt Nam sẽ gây tác động tiêu cực đến hoạt động nhập khẩu năm 2013.

Nhìn về triển vọng của các thị trường lớn, xuất khẩu của Việt Nam vào EU trong năm 2013 được dự báo tăng khoảng 10%, song phải cố gắng mới có thể đạt được mức tăng này. Dù hiện nay kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục, các đơn hàng xuất khẩu giảm sút nhưng một số dự báo cho rằng, trong năm 2013, Mỹ sẽ là thị trường xuất khẩu lý tưởng cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 31/10/2013, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 108,723 tỷ USD, tăng gần 16% về số tương đối so với kết quả thực hiện của 10 tháng năm 2012, tăng tương ứng gần 15 tỷ USD về số tuyệt đối.

Theo sốliệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các DN FDI trong kỳ này đạt 4,39 tỷ USD, tăng 19,02% so với kết quả thực hiện của 15 ngày đầu tháng 10/2013, qua đónâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng tính đầu năm 2013 của nhóm các DN FDI lên 66,71 tỷ USD (không tính dầu thô xuất khẩu), tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 61% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Chuyển biến nhập khẩu

Năm 2011

Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2011 đạt 106,75 tỷ USD, tăng 25,8% so với năm 2010 và vượt kế hoạch 14,2%. Trong đó: nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 15,34 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2010 (khu vực FDI nhập khẩu 6,59 tỷ USD, tăng 28,1% và các DN trong nước nhập khẩu 8,75 tỷ USD, tăng 2,4% so với năm 2010); xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước là gần 10,7 triệu tấn, tăng 11,4% so với năm 2010 với trị giá gần 9,9 tỷ USD, tăng 61,6%; Ô tô nguyên chiếc, tổng lượng xe nhập khẩu trong năm 2011 là 54,6 nghìn chiếc, trị giá là hơn 1 tỷ USD, tăng 1,4% về lượng và tăng 5,1% về trị giá so với năm 2010.

Như vậy, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước năm 2011 đạt 203,66 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá hàng hoá xuất khẩu đạt 96,91 tỷ USD, tăng 34,2% và thực hiện vượt 22% mức kế hoạch của cả năm 2011; trong khi đó, trị giá hàng hóa nhập khẩu là 106,75 tỷ USD, tăng 25,8% và vượt 14,2% kế hoạch của cả năm. Với kết quả trên thì cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam trong năm 2011 thâm hụt 9,84 tỷ USD, bằng 10,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Năm 2012

Năm 2012 kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 113,79 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2011. Trong đó, nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 16,04 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2011, trong đó khối các DN FDI đạt 8,57 tỷ USD, tăng 30% và khối các DN trong nước đạt 7,47 tỷ USD, giảm 14,6%; nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng 67% về số tương đối và tăng 5,26 tỷ USD về số tuyệt đối so với năm 2011.

Xuất nhập khẩu: Điểm sáng giai đoạn 2011-2013 - Ảnh 2

Khối các DN FDI nhập khẩu gần 11,58 tỷ USD, tăng 78% và khối các DN trong nước nhập khẩu 1,53 tỷ USD, tăng 4,1%; nhóm điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,04 tỷ USD, tăng 85,3% so với năm 2011; nhóm xăng dầu các loại, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 9,2 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2011 với trị giá gần 8,96 tỷ USD, giảm 9,3%; nhóm ô tô nguyên chiếc, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của cả nước là 27,4 nghìn chiếc, giảm mạnh 49,8% so với năm 2011. Nhóm hàng nguyên liệu, phụ liệu ngành dệt may, da, giày: trong năm 2012 đạt gần 12,49 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2011.

Như vậy, năm 2012 tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 113,79 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2011. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2012 đạt gần 228,37 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2011, trong đó xuất khẩu đạt 114,57 tỷ USD, tăng 18,2% và nhập khẩu là 113,79 tỷ USD, tăng 6,6%. Như vậy, năm 2012 Việt Nam xuất siêu 780 triệu USD với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu là -0,7%.

Năm 2013

Trong 10 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 108,869 tỷ USD, tăng 15,92% so với kết quả thực hiện của 10 tháng đầu năm 2012, tương ứng tăng gần 15 tỷ USD về số tuyệt đối. Trị giá hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 3,86 tỷ USD, tăng 17% so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 10/2013, qua đónâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các DN này trong 10 tháng đầu năm 2013 lên 61,94 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 56,9% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 10 tháng tính từ đầu năm 2013.

Trong 10 tháng đầu năm 2013 xuất khẩu đạt 108.723 triệu USD và nhập khẩu đạt 108.869 triệu USD, cán cân thương mại là - 146 triệu USD (thâm hụt 146 triệuUSD)

Một số khuyến nghị

Để góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra và phát triển bền vững xuất nhập khẩu và những năm tiếp theo, tác giả xin đưa ra một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, cần xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển ngành logistics (Để thực hiện được việc này cần lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên, nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ) của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Thứ hai, thực hiện triệt để, mạnh mẽ tái cấu trúc lại các DN xuất nhập khẩu của Việt Nam hoạt động theo đúng quy tắc thị trường, nhất là đối với các DN xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh; thiết lập lại trật tự, kỷ cương, trách nhiệm của DN và các cơ quan quản lý nhà nước, tránh tư tưởng cục bộ, hình thành lợi ích nhóm làm tổn hại đến lợi ích quốc gia.

Thứ ba, cải thiện cán cân thương mại trong những năm tới, một mặt đòi hỏi các ngành các địa phương và DN phải nâng cao trách nhiệm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng các công trình hạ tầng logistics, các cơ sở sản xuất các sản phẩm trung gian, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Mặt khác, thực hiện khẩn trương và có trách nhiệm các biện pháp nhằm nâng cao vai trò của quy luật cạnh tranh trong việc thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, nhất là đối với các hàng hóa chiến lược như xăng dầu, điện và nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên các mặt giá cả, chất lượng, dịch vụ và độ an toàn cao.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo Tổng cục Thống kê năm 2011, 2012, 10 tháng đầu năm 2013;

2. Tạp chí Tài chính các số:1/2012; 7/2012; 1/2013; số 7/2013;

3. Tapchitaichinh.vn; Baohaiquan.vn.

Xuất nhập khẩu: Điểm sáng giai đoạn 2011-2013

TS. NGUYỄN ĐÌNH LUẬN - TP. Hồ Chí Minh

(Tài chính) Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra cho giai đoạn 2011-2015 là giữ vững tăng trưởng kinh tế. Một nửa chặng đường của kế hoạch đã đi qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sáng tăng trưởng, trong đó có xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa những đóng góp từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều tồn tại cần vượt qua.

Xem thêm

Video nổi bật