Xuất siêu và bất ổn cần khắc phục

Theo Đại biểu Nhân dân

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2012 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 114,6 tỷ USD, tăng hơn 18%; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 114,3 tỷ USD, tăng hơn 7% so với năm 2011. Như vậy năm nay cả nước xuất siêu 284 triệu USD, vượt xa so với chỉ tiêu giữ nhập siêu ở mức 11 - 12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây thực sự là kết quả đáng mừng trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của một số doanh nghiệp, ngành hàng trong năm 2012 cũng gặp không ít thách thức do nhân tố khách quan và nội tại.

Xuất siêu và bất ổn cần khắc phục
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nguyên nhân quan trọng đầu tiên khiến năm 2012 cả nước xuất siêu đó là xuất khẩu tiếp tục tăng cao. Thành công của xuất khẩu năm nay có sự đóng góp hết sức quan trọng của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng gần 35% so với năm trước. Đáng chú ý hơn là các doanh nghiệp FDI đã xuất siêu gần 12 tỷ USD, tạo nên thành tích xuất siêu của cả nước, trong khi doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 11,7 tỷ USD.

Xuất khẩu đạt kết quả tích cực ở hầu hết các mặt hàng chủ lực, với 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 11 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD, 7 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, tiêu biểu như hàng dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, dầu thô, giày dép, điện tử, máy tính và linh kiện… Xuất khẩu sang một số thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN vẫn duy trì được mức tăng cao từ 17 đến 28%.

Đại diện cho ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, năm 2012 ngành dệt may dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 17 tỷ USD, trong đó xuất khẩu xơ sợi đạt khoảng 1,8 tỷ USD, còn lại là hàng dệt may, tăng trưởng khoảng 8% so với năm 2011. Tuy nhiên, do mức giá trung bình trên thị trường thế giới giảm nên để đạt tốc độ tăng về kim ngạch, sản lượng đã phải tăng từ 14 đến 15%. Mức tăng này cũng chưa được như mong muốn do chỉ tăng một con số, trong khi mục tiêu phấn đấu của toàn ngành là tăng ở mức hai con số và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng hơn 30% trong năm 2011.

Cùng với đóng góp quan trọng của nhóm hàng công nghiệp chế biến, phải kể đến nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Năm 2012, nhiều mặt hàng tăng về lượng nhưng giảm về giá trị do giá bán giảm. Trong đó, với mặt hàng gạo, dự kiến cả năm có thể đạt sản lượng 7,7 triệu tấn, nhưng giá trị kim ngạch giảm khoảng 1% so với năm ngoái. Riêng mặt hàng cà phê xuất khẩu đạt 1,5 triệu tấn, trị giá hơn 3,3 tỷ USD. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam Nguyễn Viết Vinh, năm nay là một năm thắng lợi đối với ngành cà phê do tăng mạnh về số lượng, giá bán và được cả phần chất lượng.

Trong sự đan xen tăng, giảm về lượng và giá bán của nhóm hàng nông lâm thủy sản, thì năm nay mặt hàng thủy sản xuất khẩu dự kiến đạt kim ngạch 6,2 tỷ USD, tăng hơn 1% so với năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra là 6,5 tỷ USD.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe, công tác xuất khẩu của toàn ngành chịu tác động bởi ba yếu tố. Cụ thể là sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu; dịch bệnh khiến nguyên liệu chế biến vừa thiếu, vừa có giá mua vào cao; và lãi suất cho vay cao khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất.

Như vậy, xét tổng thể tạo nên thành tích xuất siêu trong năm 2012 của nước ta thì thấy, ngoài sự đóng góp lớn của khối doanh nghiệp FDI, các biện pháp kiểm soát nhập khẩu cũng đã phát huy tác dụng. Theo số liệu nhập khẩu 11 tháng thì các nhóm hàng cần nhập khẩu tăng khoảng 10%, nhóm cần kiểm soát nhập khẩu giảm 35% và nhóm hàng hạn chế nhập khẩu giảm 5,5%.

Cùng với đó, nhiều ngành hàng chủ lực khác đã duy trì được sự tăng trưởng xuất khẩu về số lượng, trong khi giá bán giảm, để có kết quả xuất khẩu cao hơn nhập khẩu. Nhưng bất cập lớn ở đây là dù nước ta chiếm giữ những vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê... thì vẫn không quyết định được giá bán mà vẫn phụ thuộc vào nhà nhập khẩu.

Mặt khác, trong khi kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng 24% và chiếm tỷ trọng 53% tổng kim ngạch nhập khẩu, thì nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy doanh nghiệp trong nước còn gặp không ít khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu. Dự báo năm 2013 kinh tế thế giới chưa có gì sáng sủa hơn, doanh nghiệp Việt Nam có lẽ sẽ tiếp tục phải lo lắng về thị trường và đơn hàng xuất khẩu.