Xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản: Đòn bẩy cho du lịch

Theo daibieunhandan.vn

43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… hứa hẹn sự chuyển dịch đầu tư mạnh mẽ của Nhật Bản vào Việt Nam thời gian tới. Nhưng không dễ “lọt sàng xuống nia”, du lịch có thể lép vế so với các ngành khác nếu không có chiến lược thu hút hiệu quả.

Hiện tại, Nhật Bản xếp thứ 2/105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Hiện tại, Nhật Bản xếp thứ 2/105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Hứa hẹn làn sóng mới

“23 năm trước, chúng tôi sang tìm hiểu về hệ thống khách sạn Việt Nam và gặp phải rào cản, khó khăn, thậm chí còn bị hiểu lầm là sang chiếm thị trường du lịch. Nhưng giờ đây, chúng tôi đã đường đường chính chính đến với tư cách đại diện cho ngành du lịch Nhật Bản, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, thúc đẩy đầu tư phát triển du lịch tại Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội các Khách sạn Nhật Bản, nguyên Nghị sĩ Thượng nghị viện Nhật Bản Kimitaka Fujino nhận định tại tọa đàm xúc tiến đầu tư và du lịch Nhật Bản ở Hà Nội mới đây.

Thời gian qua, hoạt động hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Nhật Bản có bước tiến mạnh mẽ, khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam tăng mạnh. Thống kê năm 2014 là 650.000 người, năm 2015 tăng lên 670.000 người, được xếp thứ ba (sau Trung Quốc, Hàn Quốc) có lượng khách du lịch đến Việt Nam đông nhất. Công bố của Bộ Ngoại giao Nhật Bản năm 2015, số lượng doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam đạt gần 1.500 doanh nghiệp, đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng các quốc gia có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động đầu tư.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, với những chuyển biến sau TPP và môi trường đầu tư hấp dẫn của Việt Nam, thời gian tới chắc chắn sẽ có làn sóng đầu tư mạnh từ Nhật Bản. “Tham gia TPP, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phải tái cấu trúc chuỗi giá trị, chuyển hướng một số cơ sở sản xuất kinh doanh vào các nước nội khối, các nước trong khối ASEAN mà từ trước đến nay Nhật Bản tập trung nhiều như: Indonesia, Thái Lan, Philippines lại không nằm trong TPP. Do vậy, vì lợi ích của mình, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có xu hướng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam”. Tuy nhiên, Việt Nam có khả năng đón nhận xu hướng chuyển dịch đó hay không, tùy thuộc vào nội lực của chúng ta.

Xúc tiến hai chiều

Hiện tại, Nhật Bản xếp thứ 2/105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với khoảng 30% lượng dự án được cấp phép, chủ yếu thuộc các ngành: Xây dựng, bán lẻ, dịch vụ, trong khi đầu tư cho ngành du lịch còn hạn chế. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Ando Kengo, để doanh nghiệp Nhật Bản mặn mà với ngành du lịch, Việt Nam phải nhanh chóng tháo gỡ rào cản. “Chúng tôi mong muốn Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về thuế, minh bạch trong hợp tác, thủ tục hành chính, nhất là cấp visa cho khách Nhật… Đây là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp so sánh và lựa chọn đầu tư cho du lịch Việt Nam hay các thị trường khác trong khu vực ASEAN” - Tổng thư ký Ando Kengo bày tỏ.

Cố vấn đặc biệt Cục Du lịch Nhật Bản Shigeto Kubo dẫn chứng thành công của Nhật Bản khi đưa du lịch thành một trong 3 ngành trụ cột (Công nghiệp, Thương mại, Du lịch): Tháng 2.2003, nguyên Thủ tướng Nhật Bản Koizumi đã thông qua chương trình xúc tiến du lịch Visit Japan Campaign (Chương trình tới thăm Nhật Bản) đánh dấu bước chuyển lớn trong phát triển du lịch. “Chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm này cho Việt Nam. Phải xác định du lịch là ngành trụ cột và hoạch định chính sách xúc tiến phù hợp trên mạng lưới toàn quốc, từ đó hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư…

Đặc biệt, việc hợp tác xúc tiến du lịch giữa Nhật Bản và Việt Nam, tôi thấy còn khoảng cách. Du khách từ Việt Nam sang Nhật Bản những năm gần đây tăng nhưng số lượng vẫn ít. Chúng tôi mong đợi sắp tới sẽ có nhiều hoạt động giao lưu, hội đàm nhằm thúc đẩy hợp tác, phát triển du lịch hai bên”.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, muốn kéo nhà đầu tư Nhật Bản sang lĩnh vực du lịch, cần có chính sách thu hút dựa trên đặc trưng của Nhật Bản so với các quốc gia khác về địa lý, văn hóa, con người… Để làm được điều này, bên cạnh các hội nghị, hội thảo du lịch, cần mời chuyên gia Nhật Bản tư vấn và cùng xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch với Nhật Bản.

GS. YAMADA YOSHIHIKO: Đại học Tokai, Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản: Hiện nay, Nhật Bản có nhiều chính sách xúc tiến phát triển du lịch với Việt Nam. Đây là thời điểm các doanh nghiệp Nhật Bản hướng mục tiêu đầu tư ra nước ngoài, nhưng liệu Việt Nam với vị trí địa lý trung tâm ASEAN có trở thành trung tâm kinh tế mới của khu vực hay không, còn phụ thuộc vào việc cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là hoàn thiện hạ tầng giao thông. Với các nhà đầu tư thì môi trường đầu tư là đặc biệt quan trọng, với riêng nhà đầu tư Nhật Bản thì còn coi trọng mối quan hệ con người.