Xúc tiến xuất khẩu: Tăng cường vị thế quốc gia

Theo daibieunhandan.vn

Trao đổi với Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân bên lề Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2016, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Bùi Huy Sơn khẳng định, trong tiến trình hội nhập, các chính sách xúc tiến xuất khẩu có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam thành một trong những quốc gia xuất khẩu có năng lực, bền vững và đáng tin cậy.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chủ động thâm nhập thị trường

Tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) được xem là cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, tuy nhiên cũng tạo ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp. Là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đã có những giải pháp, kế hoạch như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã được Cục Xúc tiến thương mại triển khai trong nhiều năm qua, đặc biệt được đẩy mạnh trong 2015. Sang năm 2016, khi một loạt các FTAs đi vào thực thi, chúng tôi sẽ tập trung hơn nữa việc thực hiện các hoạt động trợ giúp cho doanh nghiệp. Trước hết là chia sẻ cung cấp thông tin về các nhóm ngành hàng với từng lợi thế cụ thể có được nhờ các FTAs. Cùng với đó là tăng cường cung cấp thông tin về thị trường. Công tác phân tích thị trường đã được Cục thực hiện và thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục tích cực thúc đẩy vào các thị trường trọng điểm.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, quan trọng hơn cả là nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện, chúng tôi triển khai các hoạt động như hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu; hỗ trợ nghiên cứu, nâng cao năng lực thiết kế cho các doanh nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn khi xuất khẩu sang các thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ có kế hoạch hỗ trợ cho doanh nghiệp chúng ta tham gia hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, đặc biệt là xúc tiến xuất khẩu chuyên ngành để có thể tiếp cận với các doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia, có điều kiện để tham gia vào các chuỗi cung ứng, từ đó hướng tới mục tiêu xuất khẩu một cách bền vững.

Cụ thể, Cục Xúc tiến thương mại đã có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như thế nào trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu để đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào hệ thống siêu thị cũng như hệ thống phân phối nước ngoài?

Trong thời gian qua, chúng tôi phối hợp với các đơn vị hữu quan của Bộ Công thương làm việc rất cụ thể và tích cực với hệ thống các đơn vị phân phối, các doanh nghiệp phân phối lớn của nước ngoài như LOTTEMART, METRO…; đề nghị các doanh nghiệp này tăng cường nhập, phân phối các sản phẩm của Việt Nam. Kết quả là, đến nay, mức độ phân phối của các kênh phân phối ngoại với các hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tăng khá cao. Ví dụ như hệ thống của METRO và đặc biệt là của LOTTE, lượng hàng Việt Nam bán có thể đạt đến 60 - 70%, một số nhóm hàng là gần 100%.

Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ Công thương tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, tiếp cận trực tiếp với hệ thống phân phối của các doanh nghiệp bản địa để tổ chức các tuần hàng Việt Nam. Điển hình như tại Hàn Quốc, hệ thống LOTTE sẽ có khu gian hàng dành riêng cho sản phẩm Việt Nam trong thời gian 1 tuần hoặc 2 tuần kèm theo những ưu đãi riêng, với những chương trình quảng bá, giới thiệu riêng. Tương tự như vậy với thị trường các nước khác như ở châu Âu, châu Mỹ… Tôi cho rằng đó sẽ là cơ hội để quảng bá sản phẩm của Việt Nam một cách trọng tâm hơn và hiệu quả hơn.

Tập trung hơn vào các thị trường có FTAs

Trong tiến trình hội nhập, bên cạnh vai trò định hướng của Chính phủ, sự chủ động, sáng tạo, năng động của các doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Theo ông, doanh nghiệp cần tập trung vào vấn đề gì?

Theo tôi, trước hết các doanh nghiệp phải tìm hiểu để nắm rất chắc các cơ hội thị trường mới mà các FTAs mang lại. Đây chính là các lợi thế để chúng ta cạnh tranh tốt hơn, thuận lợi hơn so với các đối thủ khác trong khu vực. Đó cũng là mong muốn hàng đầu của các cơ quan quản lý nhà nước để từ đó có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Trong năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung xúc tiến các mặt hàng trọng tâm, trọng điểm như thế nào?

Năm 2016, Việt Nam sẽ tiến tới thực thi một loạt các Hiệp định thương mại tự do đã được đàm phán ký kết như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Chile... Dự kiến trong thời gian ngắn tới đây, một số FTAs đã được chính thức ký kết và sẽ sớm đi vào thực thi kể đến như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương… Đó là những Hiệp định thương mại tự do với những đối tác có sức mua lớn, có tiềm năng lớn là những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đây là thời cơ để chúng ta tranh thủ cơ hội có được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác trong ASEAN và những đối thủ khác cùng xuất khẩu nhóm ngành hàng với Việt Nam. Thiết nghĩ các doanh nghiệp nên tranh thủ cơ hội này thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu tại những thị trường chúng ta có FTAs. Trong đó lớn nhất là thị trường Nga, EU và thị trường các nước TPP.

Xin cảm ơn ông!

Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương BÙI HUY SƠN: Việc đàm phán, ký kết và thực hiện các FTAs có ý nghĩa rất quan trọng, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tại các thị trường quy mô lớn và nhiều tiềm năng. Dựa vào hoạt động xúc tiến xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội để khai thác lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do này nhằm mục tiêu phát triển thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại chính các thị trường mà chúng ta có FTAs.