Yêu cầu cải cách quyết liệt, toàn diện

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam được dự báo có nhiều tác động đến việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế năm nay. Tuy nhiên, với việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế tháng 5 và 5 tháng, cũng như các giải pháp mạnh mẽ của Chính phủ, kỳ vọng những ảnh hưởng tiêu cực sẽ giảm thiểu.

Yêu cầu cải cách quyết liệt, toàn diện
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm tương đối ổn định. Nguồn: internet

Chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm ổn định: lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, chỉ tăng 1,08% so với tháng 12-2013 và là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 9,6%, trong đó xuất khẩu tăng 15,4%, xuất siêu 1,65 tỷ USD; tổng thu ngân sách đạt 41,7% dự toán năm; 5 tháng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế khác cũng đạt được những điểm tích cực.

Một số thống kê về kinh tế, du lịch, giao thương… với Trung Quốc có giảm, nhưng không đáng kể, tình hình kinh tế trong nước vẫn ổn định. Vì vậy, Chính phủ cũng không bàn đến chuyện phải điều chỉnh các mục tiêu về kinh tế - xã hội đã đặt ra từ đầu năm. Việt Nam luôn sẵn sàng có phương án thị trường khác thay thế để thị trường này khó khăn thì chuyển đổi thị trường khác.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Sản xuất công nghiệp tiếp tục có nhiều chuyển biến, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 5,6% (cùng kỳ tăng 4,9%); sản xuất nông nghiệp phát triển khá; tổng lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11% so với cùng kỳ…

Về tác động thương mại từ sự kiện giàn khoan của Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho hay hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường; các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu hoặc tham gia đầu tư, xây dựng, tiến độ vẫn đảm bảo, không bị ảnh hưởng bởi các vụ việc vừa qua. Theo ông Hoàng, bên cạnh công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, cần tiếp tục duy trì bình thường hoạt động hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, đầu tư giữa 2 nước.

Về các nhiệm vụ trong tháng 6 và những tháng cuối năm, tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các ngành, các cấp phát huy kết quả đạt được, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong đó, tập trung vào đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư, huy động mọi nguồn lực và khuyến khích đầu tư xã hội; xử lý nợ xấu và khơi thông, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; tăng cường quản lý giá cả, thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; kiểm soát tốt các thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán; chú ý công tác quản lý giá sữa; tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, tái cơ cấu từng ngành, lĩnh vực; thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch.

Đánh giá chính xác, sẵn sàng ứng phó

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, kinh tế - xã hội những tháng đầu năm dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng đang bộc lộ những hạn chế: các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng nhưng đột phá được hay không là khó. Về những diễn biến xung quanh tình hình biển Đông, ông Kiêm băn khoăn nếu tình hình vẫn diễn biến theo chiều hướng phức tạp, mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng, lạm phát có thể tăng lên.

Do vậy, rất cần những đánh giá chính xác tình hình để có giải pháp ứng phó kịp thời. Thượng tướng Lê Hữu Đức, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng đề nghị Chính phủ có các giải pháp về việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, bởi thực tế kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào Trung Quốc. Đơn cử như Hà Tĩnh, có thể sẽ có nhiều tác động bởi đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách ở Hà Tĩnh, khi năm 2014, địa phương này dự kiến thu ngân sách 8.500 tỷ đồng (năm 2013 hơn 4.200 tỷ đồng - PV) với đóng góp lớn từ khu kinh tế Vũng Áng.

Chúng ta cần chú trọng phân bổ nguồn lực, tạo dựng cơ chế khơi thông đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt với kinh tế biển, cần hỗ trợ trực tiếp (sửa chữa, nguyên liệu) để người dân bám biển. Bổ sung các tàu lớn của quốc gia để hỗ trợ về hậu cần cho các đội tàu cá.

Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VERP

Đồng tình với việc kinh tế vĩ mô 4 tháng đã ổn định hơn so với trước, mức độ rủi ro giảm cũng như những hạn chế Chính phủ đã nêu, nhưng Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng vẫn còn đó những lo ngại, đó là tác động từ tình hình biển Đông. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 10% tổng kim ngạch cả nước, trong đó 30% là xuất khẩu nông sản mà “nếu không bán sang Trung Quốc sẽ khó bán chỗ khác”.

Còn nhập khẩu của Việt Nam, bên cạnh máy móc là nguyên liệu để phục vụ sản xuất da giày, dệt may, nếu thay thế bằng thị trường khác giá thành sẽ bị đội lên nhiều. Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh), cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất khi buộc phải tự vệ, tiềm lực ngân sách quốc phòng như thế nào? Phải dự báo cho được sự ảnh hưởng của vấn đề biển Đông đến kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu, nợ công, công ăn việc làm trong năm 2014 và những năm tiếp theo.

Tại buổi công bố báo cáo thường niên kinh tế năm 2014 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VERP, cho rằng do những ảnh hưởng của tình hình biển Đông, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 chỉ đạt 4,15-4,88% - thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (5,8%).

Nếu Trung Quốc có ý đồ thực sự, gây ảnh hưởng tiêu cực kinh tế trong nước sẽ ảnh hưởng lớn. Còn trong trường hợp Trung Quốc chỉ gây áp lực về chính trị, kinh tế giữa 2 nước vẫn bình thường, tăng trưởng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, trong cả 2 trường hợp tăng trưởng kinh tế đều chỉ dưới 5%, bởi doanh nghiệp lo ngại, sẽ khiến hoạt động đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh suy giảm.

Cơ hội thoát xác yếu kém cũ

Theo Thượng tướng Lê Hữu Đức, tuy đầu tư nhiều vào Việt Nam nhưng quy mô đầu tư ngoài một số dự án lớn, còn lại cơ bản dự án nhỏ, công nghệ kém, hàng hóa, vật tư, máy móc sử dụng chủ yếu từ Trung Quốc, kể cả nhân công nên nhiều dự án không tạo ra công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam. Mức độ ảnh hưởng có thể nhiều là hoạt động thương mại khi nguyên liệu đầu vào, máy móc…

Việt Nam phải nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi đang xuất khẩu nhiều là than đá, cao su, nông lâm thủy sản, nên nếu dừng nhập khẩu sẽ có nhiều ảnh hưởng. Do vậy, để giảm thiểu phụ thuộc vào Trung Quốc cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kích cầu dùng hàng Việt, khuyến khích sản xuất trong nước; tiếp tục có chính sách khuyến khích thu hút dòng vốn FDI mới...

Mặt khác, để tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra, giải pháp quan trọng là tăng năng suất lao động. Bởi theo tính toán của nhiều chuyên gia, năng suất phải tăng 50% mới bù giảm đầu tư. Tuy nhiên, điều này “dường như không tưởng” trong giai đoạn hiện nay.

Thực tế Việt Nam đang trong thế khó: Không tăng trưởng 6% sẽ không giải quyết được việc làm, còn nếu kéo dài tăng trưởng dưới 6% sẽ không kích hoạt phát triển. Còn nếu đẩy nhanh tăng trưởng bằng đẩy mạnh đầu tư vốn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Vì vậy, không còn cách nào khác phải đẩy nhanh tái cơ cấu, thông qua việc hàng loạt luật ra đời, như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước… sẽ góp phần thay đổi thể chế, thúc đẩy tăng trưởng.

Theo VERP, trong giai đoạn đứng trước thử thách, Việt Nam càng cần quyết tâm thay đổi mô hình kinh tế, con đường phát triển và thay đổi tư duy điều hành nền kinh tế. Giai đoạn kinh tế suy giảm vừa qua cho thấy nhiều bài học lớn, cùng với những tranh chấp với Trung Quốc hiện nay nhu cầu cải cách, giảm phụ thuộc càng rõ ràng hơn.

Song song với quá trình này, cần xác định các đối tác kinh tế và chiến lược với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và ASEAN để xây dựng cơ sở hợp tác dài hạn, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngoài ra, cần thúc đẩy tăng năng suất của nền kinh tế thông qua quyết tâm cải cách thể chế, tạo động lực phân bổ nguồn lực hữu hiệu hơn; chủ động tái cơ cấu thị trường lao động theo hướng nâng cao chất lượng, khuyến khích lao động kỹ năng cao.