Yêu cầu sống còn khi xuất khẩu đồ gỗ sang EU

Theo taichinhdientu.vn

(Tài chính) Xuất khẩu gỗ Việt Nam sang Liên minh Châu Âu (EU) đang đứng trước thách thức to lớn để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật liên quan tới nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Chương trình Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản và quá trình tham gia Hiệp định đối tác tự nguyện (FLEGT - VPA) mà Việt Nam đang đàm phán với EU.

 Yêu cầu sống còn khi xuất khẩu đồ gỗ sang EU
Xuất khẩu gỗ Việt Nam sang Liên minh Châu Âu (EU) đang đứng trước thách thức lớn. Nguồn: internet

Thời điểm ký kết FLEGT - VPA đang tới gần

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam phát triển nhanh chóng trong 10 năm qua, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2007 - 2013 gần 16%. Xuất khẩu gỗ là một trong 5 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam trong năm 2013 với 5,6 tỷ USD, chiếm khoảng 80% tổng giá trị sản xuất của cả ngành. Ngành chế biến gỗ cũng đem lại thu nhập cho gần 300.000 lao động tại 3.500 doanh nghiệp và hàng ngàn hộ gia đình tại các làng nghề, khu vực trồng rừng… Phát triển bền vững và ổn định ngành chế biến gỗ có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế và xã hội của nhiều khu vực.

Hiện nay, 4 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta là Mỹ, Trung Quốc, Nhật và EU. Việt Nam chiếm khoảng gần 4% thương mại đồ nội thất trên thế giới, đứng thứ 6 thế giới và thứ 2 ở Châu Á. Trong đó, riêng thị trường EU chiếm tới 30% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ta đang gặp phải nhiều rào cản khi muốn phát triển tại thị trường này. Kể từ ngày 3/3/2013, quy chế gỗ của EU có hiệu lực nhằm đối phó với vấn đề khai thác và thương mại bất hợp pháp gỗ và sản phẩm gỗ. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu đồ gỗ sang EU nếu đảm bảo rằng gỗ nguyên liệu đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc hợp pháp và bền vững theo quy định của FLEGT - VPA. Vì vậy, đáp ứng các đòi hỏi của FLEGT-VPA được coi là yêu cầu sống còn đối với ngành gỗ Việt Nam ở thị trường EU.

Bà Nguyễn Tường Vân - Phó Chánh văn phòng, Ban chỉ đạo FLEGT và Lacey, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: "Quá trình đàm phán FLEGT - VPA đang ở giai đoạn cuối, hai bên đã tiến hành 20 cuộc họp trực tuyến, 7 phiên họp cấp chuyên viên và 3 phiên đàm phán cấp cao. Dự kiến việc ký kết sẽ thực hiện vào khoảng tháng 10/2014".

Khó chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp

Như vậy, thời điểm ký kết dự kiến đang đến gần. Tuy nhiên, theo rà soát sơ bộ cho thấy không nhiều doanh nghiệp và cơ sở chế biến xuất khẩu gỗ có hiểu biết về FLEGT - VPA, còn số có đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu này càng ít hơn nữa. Hiện trạng này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai xuất khẩu đồ gỗ sang EU của Việt Nam.

Theo kết quả một cuộc khảo sát vào tháng 4/2014 do Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) thực hiện, chỉ có 57% doanh nghiệp biết về FLEGT - VPA, 75% doanh nghiệp chưa biết các nội dung chủ yếu của FLEGT - VPA. Điều đáng nói là 73% các doanh nghiệp này đang xuất khẩu các sản phẩm gỗ nội, ngoại thất sang EU và chiếm 51% thị phần xuất khẩu.

Một vấn đề khác khiến quá trình đàm phán FLEGT - VPA gặp nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách Việt Nam là Quy chế gỗ của EU yêu cầu nhà nhập khẩu gỗ vào EU phải có trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ và phải truy xuất nguồn gốc gỗ trong chuỗi cung ứng. Nhưng đến nay, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều gặp khó khăn khi bị yêu cầu đưa ra các giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp khi thu mua gỗ trong dân.

Một phần nguyên nhân là do nhận thức và thói quen lưu trữ hồ sơ của người dân còn hạn chế và một phần do sự thiếu thống nhất về các yêu cầu giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ. Chẳng hạn như, hiện nước ta có 2 triệu m3 gỗ cao su rất được ưa chuộng sử dụng để sản xuất đồ gỗ nội ngoại thất, nhưng đây lại là loại cây đa mục đích. Doanh nghiệp kinh doanh gỗ cao su không được cấp giấy tờ gì, như vậy sẽ là khó khăn nếu muốn xuất khẩu mặt hàng này sang EU. Một số vấn đề liên quan đến gỗ nhập khẩu từ các nước lân cận và gỗ lậu cũng gây khó khăn khi đàm phán về FLEGT-VPA.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc chúng ta phải làm ngay hiện nay là đẩy mạnh cung cấp thông tin và tuyên truyền về FLEGT - VPA cho các doanh nghiệp ngành gỗ. Các hiệp hội gỗ cũng nên chủ động đóng góp ý kiến tham mưu cho Tổng cục Lâm nghiệp trong quá trình đàm phán đi đến ký kết FLEGT-VPA.