Yếu tố tác động tới thu hút vốn ODA vào thực hiện mục tiêu an sinh xã hội

ThS. Nguyễn Tuấn Vũ

Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức - ODA đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh những đóng góp to lớn của nguồn vốn ODA nhằm đảm bảo an sinh xã hội, vẫn còn tồn tại những hạn chế, thiếu hiệu quả trong việc thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA làm ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn vốn này trong tương lai. Do đó, việc xác định và xây dựng được các nhân tố ảnh hưởng tới thu hút vốn ODA cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thực hiện các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội nói riêng là việc làm vô cùng quan trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan trong việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội (ASXH), cụ thể: Tổng nguồn tài chính dành cho ASXH từ năm 2000 đến nay là trên 830 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 500 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 50%; tổng chi cho ASXH tăng bình quân 23,8%/năm, trong đó, NSNN tăng bình quân 21,6%. Trong đó, số vốn ODA đã giải ngân cho lĩnh vực ASXH từ năm 2000 đến nay đạt khoảng 160 nghìn tỷ đồng, chiếm 20% tổng đầu tư cho lĩnh vực ASXH.

Bên cạnh những đóng góp to lớn của nguồn vốn ODA cho phát triển ASXH, vẫn còn tồn tại những hạn chế, thiếu hiệu quả trong việc thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA làm ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn vốn này trong tương lai. Do đó, việc xác định và xây dựng được các nhân tố ảnh hưởng tới thu hút vốn ODA cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thực hiện các mục tiêu đảm bảo ASXH nói riêng là vô cùng quan trọng.

Những tác động khách quan

Thực tế cho thấy, việc cung cấp vốn ODA của nước giàu dành cho nước nghèo đều đi kèm với những điều kiện ràng buộc về mặt kinh tế, chính trị nhất định nào đó, do đó, hiệu quả thu hút vốn ODA nhằm đảm bảo ASXH cũng chịu sự chi phối và tác động của các nhân tố kinh tế, chính trị từ phía các nhà tài trợ.

Yếu tố tác động tới thu hút vốn ODA vào thực hiện mục tiêu an sinh xã hội - Ảnh 1

Tại Việt Nam, thông qua nhiều hình thức thu hút vốn ODA như đối thoại trực tiếp đã tổ chức các hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ đã thu hút các nhà tài trợ đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước và cam kết dành hỗ trợ vốn ODA cho ASXH. Sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ rõ ràng và có mối quan hệ 2 chiều, đãgóp phần tạo niềm tin và khuyến khích các nhà tài trợ tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư ở Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy, cam kết cung cấp vốn ODA năm sau luôn cao hơn năm trước cùng với đội ngũ đông đảo các nhà tài trợ. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ ở các cấp, kể cả cán bộ lãnh đạo chưa hiểu rõ vai trò và bản chất của ODA cho mục tiêu đảm bảo ASXH, dẫn đến việc không chú ý yêu cầu về hiệu quả sử dụng vốn ODA, chưa xác định được các ưu tiên đầu tư và ưu tiên thu hút vốn ODA đối với mục tiêu đảm bảo ASXH, kéo theo thiết kế của một số chương trình, dự án ODA chưa phù hợp với thực tế.

Đồng thời, trong cùng một lĩnh vực ASXH, việc thiếu hiểu biết về nhà tài trợ dẫn đến đầu tư trùng lắp và áp dụng các mô hình khác nhau, dẫn đến kém hiệu quả và lãng phí nguồn lực của địa phương cũng như của các nhà tài trợ.

Những tác động chủ quan

Thứ nhất, về chính sách, chiến lược thu hút vốn ODA cho lĩnh vực ASXH có căn cứ rõ ràng, khả thi, gắn kết với chiến lược, chương trình phát triển kinh tế -xã hội, ASXH. Sau năm 2000, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều có cơ cấu nguồn lực tài chính hết sức rõ ràng, trong đó vốn ODA luôn được coi là nguồn lực quan trọng. Đi kèm với chiến lược truyền thông, sự phối hợp với các nhà đầu tư, việc xây dựng và ban hành các chính sách, chiến lược thu hút vốn ODA cũng bám sát yêu cầu của các nhà tài trợ và đảm bảo gắn kết với chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình bảo đảm ASXH.

Kết quả cho thấy, các nhà tài trợ đánh giá cao định hướng của Chính phủ Việt Nam là rất rõ ràng, chặt chẽ, hiệu quả trong thu hút vốn ODA hàng năm và cho cả giai đoạn 5 năm, 10 năm. Trong đó, đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay vốn ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016-2020” của Chính phủ, được các nhà tài trợ rất quan tâm vì phù hợp với yêu cầu của các nhà tài trợ, rõ ràng, minh bạch và gắn kết với các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế, các giải pháp được xác định rõ ràng, cụ thể được cho là sẽ mang lại thuận lợi cho công tác thu hút vốn ODA của các nhà tài trợ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc lồng ghép các chương trình và dự án của Chính phủ với các chương trình, dự án ODA có những nội dung gần nhau như: xóa đói giảm nghèo, giao thông nông thôn, nước sạch nông thôn... gây ra hiện tượng trùng lặp, hạn chế về công tác triển khai và hiệu quả. Thực tế, trên cùng một địa bàn có nhiều công trình cùng một lĩnh vực do nhiều nguồn vốn tài trợ, song chính quyền địa phương không đủ năng lực quản lý và duy trì hoạt động của các công trình này một cách có hiệu quả để phục vụ người dân.

Thứ hai, hiệu quả việc sử dụng vốn ODA. Các khoản vốn ODA mà Việt Nam đã ký kết trong hơn 20 năm qua, bình quân khoảng 3,5 tỷ USD/năm là một nguồn tài chính đáng kể, đã được sử dụng có hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực ASXH như: Giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động/năm; đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn/năm; tăng tính bền vững của việc làm; bảo trợ xã hội;bảo hiểm xã hội... Tuy nhiên, trong thời gian sử dụng vốn ODA đảm bảo ASXH vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là:

- Tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức cam kết với các nhà tài trợ và thấp hơn rất nhiều so với mức giải ngân trung bình của khu vực. Các chương trình, dự án đầu tư ODA thường bị kéo dài tiến độ xây dựng, tỷ lệ giải ngân thấp, nên hiệu quả đầu tư không đảm bảo và uy tín tiếp nhận vốn ODA giảm sút. Đến nay, tổng số vốn ODA chưa giải ngân của các chương trình, dự án đã ký kết chuyển tiếp từ thời kỳ 2011– 2015 sang thời kỳ 2016 – 2020 còn khá lớn, gần 22 tỷ USD.

- Công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá, báo cáo sử dụng vốn ODA đôi lúc chưa được thực hiện nghiêm túc, còn để xảy ra một số trường hợp lãng phí, tham nhũng, tiêu cực như vụ PMU 18, sập cầu Cần Thơ...

- Tổ chức quản lý dự án thiếu tính chuyên nghiệp. Năng lực và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ tham gia quản lý dự án còn hạn chế, nhất là ở các địa phương. Nhân sự các ban quản lý dự án thường không ổn định và kiêm nhiệm. Công tác đào tạo quản lý dự án chưa thực hiện thường xuyên, có hệ thống và bài bản.

- Các chỉ số đo lường về hiệu quả viện trợ đạt đến mốc cần phải lưu ý: Hệ số ICOR thường vượt ngưỡng 5, trong khi đó, hệ số ICOR của các nước đang phát triển thường dao động từ 3 – 4. Rõ ràng, với hệ ICOR tương đối cao như vậy, việc tạo nguồn trả nợ trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, hầu hết các dự án đều kéo dài thời gian thực hiện từ 2 đến 3 năm hoặc một vài dự án không có khả năng trả nợ.

Thứ ba, hệ thống thể chế luật pháp, và chính sách liên quan đến quản lý và sử dụng hiệu quả vốn ODA. Có thể khẳng định, thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng vốn ODA ngày một đồng bộ, đảm bảo tính minh bạch, thống nhất; đảm bảo tôn trọng nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa bên đi vay và bên cho vay, giữa Chính phủ với người dân và doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho việc thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn ODA, nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo ASXH ở Việt Nam đến năm 2020.