Ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT

PV. (t/h)

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số  04/2023/TT-BTNMT ngày 06/7/2023 quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 1 điều 7 và khoản 2 điều 75 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Ô nhiễm môi trường đất có xu hướng ngày càng tăng.
Ô nhiễm môi trường đất có xu hướng ngày càng tăng.

Cụ thể, Thông tư số 04/2023/TT-BTNMT nêu rõ, ngưng hiệu lực thi hành khoản 1 Điều 7 và khoản 2 Điều 75 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Theo khoản 1 Điều 7, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT thì cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất thuộc khu vực quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP có trách nhiệm lập báo cáo điều tra, đánh giá sơ bộ chất lượng môi trường đất, điều tra, đánh giá chi tiết khu vực ô nhiễm môi trường đất, phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất theo quy định tại Mẫu số 02, Mẫu số 03 và Mẫu số 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong khi đó, theo khoản 2 Điều 75 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT thì hợp đồng chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên theo hình thức ủy thác qua quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.

Theo hướng dẫn của Thông tư số 04/2023/TT-BTNMT, thời gian ngưng hiệu lực các nội dung quy định tại khoản 1 điều 7 và khoản 2 điều 75 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT được thực hiện kể từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành (ngày 06/7/2023) cho đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các nội dung đó.