Người dân gửi hơn 415 nghìn tỉ đồng vào ngân hàng chỉ trong 3 tháng


Thay vì đầu tư và kinh doanh, người dân vẫn có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng. Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm, tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng lên tới 415.058 tỉ đồng - mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Tính đến cuối tháng 3, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt 6.280.815 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Tính đến cuối tháng 3, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt 6.280.815 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu thống kê mới nhất về tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng.

Theo đó, tiền gửi của dân cư tăng mạnh tới hơn 7%, trong khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại giảm gần 5% so với cuối năm 2022.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 3, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt 6,3 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Như vậy, chỉ tính trong 3 tháng đầu năm, tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng lên tới 415.058 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 806.324 tỷ đồng - mức cao nhất trong hơn 10 năm qua. Bình quân của 7-8 năm gần đây, lượng tiền gửi của dân cư gửi thêm vào hệ thống ngân hàng trong quý đầu năm chỉ khoảng 150.000 tỷ đồng.

Trong đó, tăng mạnh nhất là trong tháng 1/2023, với hơn 177.000 tỷ đồng được gửi thêm vào các ngân hàng so với tháng 12/2022. Tiếp theo là tháng 2 với gần 137.000 tỷ đồng và tháng 3 là hơn 100.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, mặt bằng lãi suất tăng nóng trong khoảng cuối năm 2022. Bước sang đầu năm 2023, lãi suất có giảm nhiệt trước những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, song mặt bằng lãi suất vẫn ở mức rất cao. Nhiều người dân đã tranh thủ gửi tiền trước khi lãi suất giảm mạnh kể từ đầu quý 2 đến nay. Đây cũng là thời điểm hầu hết các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng... đều gặp khó khăn.

Mặc dù hiện nay, lãi suất huy động giảm mạnh so với thời điểm đầu năm, song nhiều người vẫn tiếp tục duy trì tiền gửi trong hệ thống ngân hàng do chưa thấy kinh tế khởi sắc. Kênh đầu tư bất động sản hầu như đứng yên, trong khi chứng khoán chưa phải thời điểm an toàn để đầu tư.

Ngược với đà tăng trưởng của tiền gửi dân cư, tiền gửi của tổ chức kinh tế lại giảm. Tính đến cuối tháng 3, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 5,7 triệu tỷ đồng, giảm gần 290.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.

Nguyên nhân có thể do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên có xu hướng rút tiền về để trang trải các chi phí. 

Xu hướng trái chiều giữa tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp khiến tổng lượng tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng chỉ tăng khoảng 1% kể từ đầu năm, tương đương tăng gần 150.000 tỷ đồng.

Theo Thanh Hoa/Vnbusiness