Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh tuyên truyền về hàng Việt

Theo vietnamplus.vn

(Tài chính) Phát biểu tại hội nghị sơ kết 5 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày 12/11, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh đã yêu cầu các ngành chức năng trong tỉnh tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2015 và những năm tiếp theo. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, tăng cường phối hợp giữa các ngành, địa phương để cuộc vận động này thực sự đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.

Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh tuyên truyền về hàng Việt
Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nguồn: internet
Trong 5 năm qua (2009-2014), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 60 đợt đưa hàng Việt về nông thôn tại 232 điểm bán hàng trên địa bàn tất cả các huyện, thành phố với tổng doanh thu đạt gần 47 tỷ đồng, giá trị khuyến mãi cho người tiêu dùng khoảng 7,6 tỷ đồng, thu hút gần 680.000 lượt khách tham quan, mua sắm. Trong đó, có 9 phiên chợ cho công nhân tại các khu công nghiệp, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng, thu hút khoảng 23.000 lượt khách tham quan và mua sắm. Không chỉ vậy, thông qua cuộc vận động này, chương trình bình ổn giá đã được triển khai trên khắp địa bàn tỉnh, góp phần vào việc điều tiết giá cả thị trường, giúp người tiêu dùng có cơ hội mua hàng hóa thiết yếu với giá thấp hơn thị trường 10-15%, nhất là những đối tượng người có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Mặc dù vậy, tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện cuộc vận động như: Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý hàng giả, háng nhái, hàng kém chất lượng còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn quản lý rộng, trong khi lực lượng kiểm tra thị trường thiếu. Những mặt hàng này trôi nổi trên thị trường, trà trộn vào các mặt hàng chất lượng cao làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng cũng như uy tín của hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có năng lực và hệ thống cung ứng phân phối lớn, đa dạng các mặt hàng sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trong tỉnh chưa nhiều; các chuyến hàng về nông thôn còn khó khăn đường sá và địa điểm…

Để giải quyết tình trạng trên, Ban Chỉ đạo cuộc vận động đã đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp thức hiện trong thời gian tới. Đó là, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân để mỗi người dân, doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ vai trò, ý nghĩa to lớn của cuộc vận động. Đồng thời vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức… sử dụng hàng hóa nội địa khi mua sắm công. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan phải công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm hàng hóa Việt Nam sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt là tăng cường kiểm soát hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, giả nhãn mác và công bố rộng rãi trên phương tiên thông tin đại chúng để người dân nhận biết…