Hợp tác tiêu thụ sản phẩm: Rộng cửa thị trường cho hàng Việt

Nguyễn Sơn

(Tài chính) Thoả thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau có ý nghĩa lớn trong việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho. Tuy nhiên, những hạn chế về chính sách và năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm đang khiến cho hàng Việt vẫn chưa là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp (DN).

Hợp tác tiêu thụ sản phẩm: Rộng cửa thị trường cho hàng Việt
Việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau có ý nghĩa lớn trong việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho. Nguồn: internet

Ngoài việc đảm bảo cung cấp than cho điện, sản xuất phân bón, hoá chất, xi măng, giấy… Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt nam (Vinacomin) còn ký hợp tác để tiêu thụ sản phẩm với nhiều DN khác như mua nhiên liệu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, lốp cao su của Tập đoàn Hoá chất, nguyên liệu vải của Tập đoàn Dệt may Việt Nam….

Còn mang tính hình thức

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Vinacomin, do hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chưa đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng chưa đảm bảo nên chưa cạnh tranh được với các mặt nhập ngoại. Nhiều DN không đáp ứng được yêu cầu số lượng, chất lượng hàng hoá và tiến độ giao hàng, khiến cho hoạt động ưu tiên sử dụng sản phẩm bị hạn chế. Đặc biệt, với năng lực sản xuất còn hạn chế, đặc biệt là các sản phẩm máy móc, thiết bị có yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và công nghệ cao, DN nội chưa sản xuất được nên buộc các DN phải nhập khẩu ở nước ngoài.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết các DN đã triển khai thoả thuận ưu tiên sản phẩm thông qua nhiều hợp đồng ký kết, mua bán hàng hoá, với trị giá gần 71.000 tỷ đồng (chưa kể giá trị các hợp đồng mua bán xăng dầu, điện). Tuy nhiên, các quy định của về hoạt động đấu thầu còn hạn chế, khiến cho các DN không được tham gia đấu thầu cung cấp vật tư, thiết bị. Việc thu xếp nguồn vốn trong nước cũng khó khăn, nguồn vốn nhà nước lại hạn hẹp nên một số DN phải vay vốn ở nước ngoài, dẫn đến một số trường hợp các tổ chức cho vay yêu cầu nhà thầu hoặc thiết bị hàng hoá phải cung cấp từ bên ngoài.

"Các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ có tính chất nêu chủ trương, động viên, kêu gọi nhưng không có các tiêu chí cụ thể về ức độ ưu tiên sử dụng hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ, dẫn đến việc triển khai thoả thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau chưa cao", ông Quyền nhấn mạnh.

Hỗ trợ nâng chất hàng Việt

Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong số 71.000 tỷ đồng được các DN ký kết, có nhiều mặt hàng được tiêu thụ lớn như quần áo bảo hộ lao động có giá trị khoảng 55,6 tỷ đồng; giấy in ram và giấy copy 165 tỷ đồng, máy thiết bị điện 4.164,4 tỷ đồng, thép xây dựng 5.200 tỷ đồng...

Thoả thuận hợp tác được hiện thực hoá bằng những hợp đồng này đã mang giúp cho tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước của các tập đoàn, tổng công ty ngày càng tăng cao. Đồng thời, sự hợp tác của các DN cũng góp phần làm giảm tồn kho của các ngành công nghệ chế biến. Nếu như trước thời điểm ký thoả thuận, lượng tồn kho sản phẩm tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước, thì đến thời điểm 1/12/2013, chỉ số tồn kho còn 10,2%.

Trong bối cảnh tiêu thụ hàng hoá trong nước khó khăn, rất cần những cái "bắt tay" hợp tác của các DN. Tuy nhiên, để tăng tính bền chặt của hoạt động, nâng cao hiệu quả sử dụng hàng Việt, các DN cho rằng Chính phủ cần có những hỗ trợ thiết thực để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của hàng Việt.

Theo đại diện của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cùng với các chính sách ưu đãi cụ thể về vốn, định hướng công nghệ, chất lượng sản phẩm, chương trình xúc tiến thương mại, cần tạo ra môi trường kinh doanh thích hợp để các DN trong nước có thể phát triển sản xuất, sáng tạo sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm có tính kỹ thuật cao, cải tiến chất lượng cũng như mẫu mã nhằm đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đồng thời, các cơ chế chính sách hiện hành, đặc biệt là Luật Đấu thầu cần tạo cơ chế thuận lợi cho hàng Việt "rộng cửa" ra thị trường.

Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng để Thoả thuận phát huy hiệu quả, các DN Nhà nước không những phải chú trọng đầu tư, cải tiến chất lượng nguyên liệu và sản phẩm, giảm giá thành, chi phí đầu vào, mà còn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, thói quen sử dụng hàng trong nước, hạn chế tâm lý "sính" hàng ngoại để ưu tiên sử dụng hàng Việt.