Thị trường thức ăn nhanh Việt Nam: Thế giới tràn vào, doanh nghiệp nội lại thờ ơ

Việt Nguyễn - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Trong khi nhiều người dân Việt Nam vẫn trung thành với đồ ăn nhanh vỉa hè truyền thống như phở, bánh xèo, thịt nướng... thì một bộ phận không nhỏ người dân, trong đó có tầng lớp du học sinh đang chuyển sang các cửa hàng đồ ăn nhanh nước ngoài do chỗ ngồi sạch sẽ, thái độ phục vụ lịch sự của nhân viên và tính đơn giản nhưng đậm đà của thức ăn.

Thị trường thức ăn nhanh Việt Nam: Thế giới tràn vào, doanh nghiệp nội lại thờ ơ
Với hơn 160 cửa hàng, Lotteria (Hàn Quốc) đang làm mưa làm gió trên thị trường Việt Nam. Nguồn: internet

Trong một nghiên cứu công bố tháng 11/2012, hãng tham vấn thị trường Euromonitor International đã thẩm định rất lạc quan về đà tăng trưởng của thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam: lên đến 26% vào năm 2011 với trị giá trên 500 triệu USD và sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ 15% trong năm 2014. Hiện các thương hiệu thức ăn nhanh "ngoại" đã vào và một số đã có chỗ đứng khá tốt tại thị trường Việt Nam, như: KFC, Lotteria, Burger King, Subway, Jollibee, Pizza Hut, Dominos Pizza, McDonalds…

Một thị trường tiềm năng

Trong đó, Lotteria (Hàn Quốc) được coi là "anh cả" với hơn 160 cửa hàng, theo sau là KFC (Mỹ) đã mở 140 cửa hàng và đứng thứ 3 là Jollibee (Philippines) với hơn 30 cửa hàng. Burger King dù chỉ mới vào Việt Nam từ cuối năm 2012, nhưng thương hiệu này đến nay đã có gần 20 cửa hàng tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Sau Burger King, Subway cũng ráo riết đầu tư hệ thống cửa tiệm, định vị thương hiệu bằng sản phẩm sandwich tươi.

Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2014, thị trường thức ăn nhanh sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn. Đáng lo ngại, do tỷ lệ sử dụng nguyên liệu nội trong thức ăn nhanh còn rất thấp nên nếu không có nỗ lực của doanh nghiệp (DN) nội thì DN "ngoại" sẽ lấn sân. Điển hình như McDonalds, các nguyên liệu sử dụng cho sản phẩm đều được nhập khẩu từ hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu với 100% thịt bò nhập khẩu từ Úc, trong khi thịt lợn và khoai tây chiên nhập về từ Mỹ. Với Dunkin Donuts, thời gian đầu, 80% các loại nguyên liệu làm bánh cũng sẽ được nhập khẩu. Còn KFC, tỷ lệ sử dụng nguyên liệu nội địa chỉ khoảng 30%.

Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, việc McDonalds tham gia vào thị trường thức ăn nhanh Việt Nam là dấu hiệu cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam đã bắt đầu cải thiện và đã có rất nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, việc hãng đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới McDonalds có mặt trên thị trường Việt Nam cho thấy, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

"McDonalds mở cửa cho các sản phẩm bên ngoài vào Việt Nam và sân chơi trở nên lớn hơn. Trong khi các món ăn của Việt Nam như phở, chả giò phổ biến trên thế giới Việt Nam cũng phải chấp nhận các sản phẩm trên thế giới vào thị trường Việt Nam", TS. Hiếu nói.

Vẫn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện McDonalds không giúp nhiều lắm cho kinh tế Việt Nam, chỉ giúp giải quyết việc làm cho người lao động vì nguyên vật liệu, trang thiết bị đều được nhập khẩu nên khó đóng góp GDP. Nhưng dù sao qua việc tạo công ăn việc làm cũng là điều tích cực.

Thực tế cho thấy, thị trường thức ăn nhanh của Việt Nam là một thị trường tiềm năng với quy mô dân số thứ 13 thế giới, chủ yếu là dân số trẻ và có sức tiêu thụ lớn. Bằng chứng là khi McDonalds Việt Nam mới hoạt động trong 2 ngày đầu tiên đã có 20.000 khách đến ăn uống. Nếu một khách hàng sử dụng bình quân 75.000 đồng (tương đương giá một phần bugger kèm nước uống) thì doanh thu trung bình 750 triệu đồng/ngày. Con số này quá hấp dẫn nên tập đoàn này đã lên kế hoạch sẽ tiếp tục mở thêm những cửa hàng khác trong năm nay.

DN Việt chậm chân

KFC, Lotteria, Buger King... đã làm mưa làm gió thị trường thức ăn nhanh Việt Nam và mới nhất là "ông lớn" McDonalds trong khi chưa có bất kỳ thương hiệu nội nào tham gia vào thị trường này. Nghịch lý là, nếu như ở nước ngoài, thức ăn nhanh vốn thường dành cho những người ít thời gian và ít… tiền, thì ở Việt Nam ngược lại, xài thức ăn nhanh khá tốn thời gian và tốn tiền.

Tốn thời gian, là bởi các nhà hàng thức ăn nhanh thường được chọn để tụ tập, hẹn hò, tổ chức sinh nhật… Và với thực khách đa phần là trẻ em và giới trẻ (học sinh, sinh viên), mỗi suất ăn thấp nhất 50.000 đồng đến hàng trăm nghìn đồng cũng là một phần chi phí đáng kể!

Trong khi đó, với tiêu chí tiết kiệm cả về thời gian và tiền bạc, đồ ăn nhanh thường được chế biến rất đơn giản, đa phần là chiên, rán, sử dụng thực phẩm rẻ tiền, trong đó phổ biến nhất là gà công nghiệp - vốn vắng bóng trong bữa ăn của nhiều gia đình hiện nay.

Các nghiên cứu trong và ngoài nước đều đã chỉ ra rằng, thức ăn nhanh (bao gồm cả đồ uống là nước ngọt các loại) thường có hàm lượng cholesterol cao, dễ gây các chứng tắc nghẽn động mạch, dẫn đến suy tim, gây hội chứng ruột dễ bị kích thích, táo bón, quá tải chất độc và tăng cân…

Như vậy, với giá trị dinh dưỡng trong mỗi khẩu phần thức ăn nhanh rất thấp, chưa kể những tác hại cho sức khỏe nếu ăn thường xuyên, người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải bỏ ra một chi phí cao gấp hai đến ba lần, thậm chí hơn so với những "món ăn nhanh" kiểu Việt như phở, bún, xôi hay cơm bình dân.

Trong khi các thương hiệu thức ăn nhanh hàng đầu thế giới tràn vào Việt Nam thì các DN trong nước vẫn tỏ ra thờ ơ. Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng nhận xét: DN Việt rất chậm chân trong lĩnh vực phát triển các thương hiệu ăn nhanh của Việt Nam. Có thể các DN coi thị trường ăn nhanh so với thị trường ẩm thực nói chung vẫn còn nhỏ, nhiều người vẫn thích đầu tư vào lĩnh vực ẩm thực nói chung hơn là xoáy sâu vào thị phần thức ăn nhanh. Ví dụ, KFC phải mất tới 7 năm kinh doanh thua lỗ tại Việt Nam rồi mới trụ vững, cho nên hiếm DN nào có thể đủ tiềm lực chạy cuộc đua đường dài như vậy.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thì cho rằng, hệ thống cung ứng thực phẩm ở các nước theo chuẩn công nghiệp hóa hiện đại nên giá thành nguyên liệu thấp. Ngược lại, trong nước, chuỗi cung ứng sản phẩm chưa chuẩn, chưa đồng nhất từ sản xuất đến tiêu thụ nên không thể chen chân vào chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh. Và cuộc chơi nếu có cũng chỉ dành cho các DN nội địa mạnh.

Vẫn còn cơ hội cho DN trong nước
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Bất kể tập đoàn nước ngoài nào khi vào thị trường nội địa đều mong muốn tận dụng nguồn nguyên vật liệu tại chỗ để tiết kiệm chi phí, thuận tiện trong thu mua nhưng thực tế sản phẩm của Việt Nam không đáp ứng được. Vì vậy, vẫn còn cơ hội cho DN trong nước nếu biết tận dụng làn sóng thương hiệu ngoại đổ bộ mạnh mẽ bằng việc chuẩn hóa chất lượng sản phẩm của mình từ sản xuất, chế biến, đóng gói đến việc trau chuốt thương hiệu.

DN "nội" phải thay đổi tư duy
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh

Về lâu dài, các hãng thức ăn nhanh của nước ngoài sẽ tăng sử dụng nguồn nguyên liệu tại Việt Nam. Vì thế, DN "nội" phải thay đổi tư duy, cải tiến công nghệ, đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm… để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các hãng này. DN trong nước vẫn có cơ hội chen chân vào thị trường thức ăn nhanh. Tuy nhiên, điểm yếu của DN "nội" hiện nay là thiếu vốn để đầu tư.

Mô hình không có gì mới lạ, khó ảnh hưởng thương hiệu khác
Bà Đỗ Mỹ Hạnh, Trưởng Phòng Kinh doanh phụ trách phát triển hệ thống nhà hàng BBQ Việt Nam

KFC và Lotteria xuất hiện ở Việt Nam hơn chục năm nay đã tạo ra thói quen tiêu dùng thức ăn nhanh trong người dân. Mỗi thương hiệu cũng nắm được thị phần ổn định, có chiến lược để giữ và mở rộng thị phần. Vì thế, việc xuất hiện thêm các thương hiệu với mô hình không có gì mới lạ thì khó ảnh hưởng lớn đến các thương hiệu khác, có chăng chỉ là cạnh tranh về địa điểm "vàng" đặt cửa hàng.