Nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại cổ phần khu vực Tây Nam Bộ

Lý Thị Ngọc Sương - Khoa Kinh tế Luật, Đại học Tiền Giang

Trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng trong khu vực Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung không ngừng nâng cao chất luợng dịch vụ, sản phẩm để gia tăng thị phần hoạt động, dần khẳng định thương hiệu, hướng đến nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Nghiên cứu này phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nhóm các ngân hàng thương mại thông qua việc xác định các thành phần năng lực cạnh tranh và đo lường sự ảnh hưởng của khía cạnh này đến khả năng thu hút khách hàng thực hiện giao dịch với các ngân hàng trong khu vực. Từ kết quả đề xuất mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại trên địa bàn, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho nhóm ngân hàng thuộc đối tượng nghiên cứu thuộc khu vực Tây Nam Bộ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Hệ thống ngân hàng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới. Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch tích cực, kịp thời, hiệu quả của nền kinh tế; là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân.

Ở bất cứ quốc gia, khi hệ thống ngân hàng không phát triển chứng tỏ tiềm lực kinh tế của quốc gia đó chưa được khai thác triệt để. Việc tìm giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh luôn là ưu tiên hàng đầu trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần. Bài viết này sẽ trình bày phương pháp đo lường sự ảnh hưởng của các thành phần năng lực cạnh tranh đến khả năng thu hút khách hàng nhằm mở rộng thị phần, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần, trên cơ sở đó làm căn cứ đề xuất giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho hệ thống các ngân hàng bán lẻ thuộc khu vực Tây Nam Bộ.

Phương pháp nghiên cứu

Số liệu được thu thập theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng thông qua khảo sát ý kiến xác suất của tệp khách hàng đến giao dịch tại nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần thuộc khu vực Tây Nam Bộ. Nội dung thiết kế theo thang đo Likert với 5 mức độ đánh giá của khách hàng về năng lực cạnh tranh của ngân hàng tăng dần từ 1 đến 5 (Hoàn toàn không đồng ý – Không đồng ý – Bình thường – Đồng ý – Hoàn toàn đồng ý).

Tác giả đề xuất sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính bội để xác định các thành phần của năng lực cạnh tranh ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách hàng đến giao dịch, từ đó dựa trên kết quả nghiên cứu định lượng để đưa ra giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần thuộc khu vực Tây Nam Bộ trong giai đoạn hiện nay.

Tổng quan nghiên cứu

Các lý thuyết đánh giá năng lực cạnh tranh của một ngân hàng

Xét về góc độ kinh tế cạnh tranh là một hiện tượng gắn liền với kinh tế thị trường, khái niệm cạnh tranh đã xuất hiện trong quá trình hình thành và phát triển sản xuất. Cạnh tranh giữa hai hay nhiều chủ thể trong nền kinh tế nhằm tìm kiếm thị phần và nâng cao hiệu quả kinh doanh của chính chủ thể đó. Dù không thể phủ nhận mặt tiêu cực từ việc cạnh tranh không lành mạnh nhưng cạnh tranh vẫn luôn giữ vai trò quan trọng làm động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển vững mạnh và đồng thời cũng giúp phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả hơn.

Theo Lý thuyết về cạnh tranh ở các ngân hàng thương mại của Victor Smith (2002), các yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh gồm: Nhãn hiệu; Sản phẩm; Dịch vụ; Vốn trí tuệ; Chi phí và hạ tầng.

Trong khi đó, theo The Asian Banker journal, các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của một ngân hàng thương mại gồm: Giá trị thương hiệu; Hiệu quả tài chính; Tính bền vững của nguồn thu; Tính rõ ràng trong chiến lược; Năng lực bán hàng; Năng lực quản lý rủi ro; Khả năng tạo sản phẩm; Thâm nhập thị trường; Đầu tư vào nguồn nhân lực, và Định hướng phát triển bền vững.

Các nghiên cứu đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của một ngân hàng

Nghiên cứu của Đinh Phi Hổ (2009) với đề tài “Đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng ứng dụng cho hệ thống ngân hàng thương mại” đã sử dụng thang đo với 5 nhân tố gồm: Sự tin cậy, khả năng đáp ứng, sự cảm thông, sự đảm bảo và phương tiện hữu hình để đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng. Tác giả sử dụng mô hình phân tích nhân tố để kiểm định các nhân tố ảnh hưởng, nhận diện các yếu tố theo khách hàng và sử dụng mô hình hồi quy bội để nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng. Kết quả nghiên cứu rút ra có 2 nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng khi giao dịch với ngân hàng là: (1) Sự đáp ứng và đảm bảo, (2) Phương tiện hữu hình. Trong đó, biến đảm bảo và đáp ứng ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng nhiều hơn biến phương tiện hữu hình.

Nghiên cứu của Đặng Hữu Mẫn (2010) với đề tài “Năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại Việt Nam – Thực trạng và những giải pháp” tập trung đánh giá năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam dựa trên việc phân tích các yếu tố cạnh tranh như năng lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ, thị phần, hệ thống kênh phân phối, phát triển sản phẩm mới và công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp khắc phục.

Nghiên của Lee J. Krajewski và Larry P. Ritzman (1996) đánh giá năng lực cạnh tranh dựa vào: i) lực lượng lao động được đào tạo tốt và linh hoạt là một lợi thế mà cho phép các tổ chức đáp ứng các đòi hỏi của thị trường, và ii) các phương tiện: việc có các phương tiện có vị trí tốt như các văn phòng, các cửa hiệu, các nhà máy là lợi thế, sự hiểu biết về thị trường tài chính, hệ thống và công nghệ hiện đại.

Dựa trên các nghiên cứu đã thực hiện về năng lực cạnh tranh của ngân hàng cho thấy một ngân hàng muốn cạnh tranh tốt và hoạt động hiệu quả phải có tiềm lực tài chính mạnh để xây dựng được lá chắn rủi ro tốt và xây dựng thương hiệu mạnh, nguồn lực con người chất lượng cao, chiến lược kinh doanh và sản phẩm mang tính khác biệt.

Quy trình nghiên cứu đo lường nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh

Hình 1: Mô tả quy trình nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh

 Nguồn: Tác giả tổng hợp
 Nguồn: Tác giả tổng hợp

Từ những nghiên cứu tổng quan, tác giả xác định có 5 yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại cổ phần là: thương hiệu, sản phẩm, chất lượng dịch vụ, công nghệ ngân hàng và mạng lưới hoạt động. Đồng thời, kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach Alpha và xác định các thành phần năng lực cạnh tranh của ngân hàng theo phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA).

Thực hiện phân tích hồi quy đánh giá mức độ ảnh hưởng của các thành phần năng lực cạnh tranh thông qua hàm hồi quy tuyến tính bội để xác định nhân tố ảnh hưởng các thành phần năng lực cạnh tranh đến mức độ đồng ý giao dịch với ngân hàng của khách hàng mô hình sau:

Y = α0 + β1X1 + β2X2 + β3X3 + β4X4 + ui

Trong đó:

Y: Mức độ đồng ý giao dịch của khách hàng;

X1: Thương hiệu; X2 : Sản phẩm; X3 : Chất lượng dịch vụ; X4 : Mạng lưới;

Hệ số xác định R2 được sử dung để xác định độ phù hợp của mô hình và đánh giá độ phù hợp của mô hình sẽ hợp lý hơn vì nó không thổi phồng mức độ phù hợp của mô hình. Với hệ số R2 hiệu chỉnh lớn hơn 0,5 thì độ chính xác của mô hình lớn và sự thay đổi trong mức độ đồng ý giao dịch của khách hàng sẽ được giải thích bởi các nhân tố năng lực cạnh tranh.

Thực hiện kiểm định F để kiểm định độ phù hợp của mô hình với sig < 0,05; p-value nằm trong khoảng tin cậy, cho thấy sẽ an toàn khi bác bỏ giả thuyết H0 = β1 = β2 = β3 = β4 = 0. Vậy sự kết hợp các biến độc lập (các thành phần năng lực cạnh tranh) có trong mô hình có thể giải thích được thay đổi trong mức độ đồng ý giao dịch của khách hàng. Mô hình hồi quy tuyến tính này xây dựng phù hợp và có thể sử dụng được trong thực tế.

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại cổ phần khu vực Tây Nam Bộ

Kết quả phân tích là căn cứ để hàm ý đưa ra giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần khu vực Tây Nam Bộ ở các khía cạnh như: Nâng cao năng lực tài chính, xây dựng thương hiệu vững mạnh, tạo sự khác biệt cho sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực quản lý và kiểm soát rủi ro.

- Nâng cao năng lực tài chính: Theo đó, cần tăng cường hoạt động cho vay và kiểm soát chất lượng tín dụng và hạn chế nợ quá hạn nhằm nâng cao chất lượng nguồn vốn và kiểm soát việc sử dụng vốn hiệu quả, cân bằng giữa hoạt động cho vay và hoạt động huy động vốn.

- Xây dựng thương hiệu vững mạnh: Xây dựng thương hiệu nổi tiếng thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng những tiện ích đi kèm và khai thác thêm tính độc đáo trong từng sản phẩm triển khai cho khách hàng. Giải pháp xây dựng thương hiệu vững mạnh cần phải có quá trình thực hiện lâu dài với kế hoạch và mục tiêu cụ thể.

- Nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự khác biệt để cạnh tranh hiệu quả: Phải thực hiện các giải pháp đồng bộ hóa các khía cạnh về thị trường, kênh phân phối, và chi phí. Tạo sự khác biệt cho sản phẩm không chỉ ở chính giá trị thực của sản phẩm mà bằng thái độ, cung cách giao dịch, văn hoá doanh nghiệp.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ: Đối với lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, chất lượng dịch vụ như một công cụ cạnh tranh hình thành nên nền tảng phát triển bền vững.

Mục tiêu hoạt động quan trọng nhất trong giai đoạn tới của hệ thống ngân hàng nói chung và ngân hàng thương mại trong khu vực Tây Nam Bộ nói riêng là phát triển bền vững. Do vậy, các ngân hàng cần đảm bảo các nguyên tắc quản lý trong giám sát hoạt động kinh doanh, chấp hành nghiêm túc các yêu cầu pháp định về an toàn vốn, hoàn thiện công tác kiểm toán nội bộ, góp phần ngăn ngừa khắc phục các rủi ro trong kinh doanh...

- Nâng cao năng lực quản lý và kiểm soát rủi ro: Mục tiêu hoạt động quan trọng nhất trong giai đoạn tiếp theo của hệ thống ngân hàng nói chung và ngân hàng thương mại trong khu vực Tây Nam Bộ nói riêng là phát triển bền vững. Do vậy, các ngân hàng cần đảm bảo các nguyên tắc quản lý trong giám sát hoạt động kinh doanh, chấp hành nghiêm túc các yêu cầu pháp định về an toàn vốn, hoàn thiện công tác kiểm toán nội bộ, góp phần ngăn ngừa khắc phục các rủi ro trong kinh doanh...

Tài liệu tham khảo:

  1. Đinh Phi Hổ (2009), Đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng ứng dụng cho hệ thống ngân hàng thương mại. Tạp chí quản lý kinh tế - CIEM số 26;
  2. Đặng Hữu Mẫn (2010), Năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại Việt Nam – Thực trạng và những đề xuất. Tạp chí Khoa học công nghệ Đại học Đà Nẵng;
  3. Lee J. Krajewski, Larry P. Ritzman (1996), Operations management strategy and Analysis, Fourth Edition, Addison-Wesley Publishing Company, Inc;
  4. Victor Smith (2002), Core competencies in the retail sector of the financial service industry;
  5. Warren Cammack (2015), “A vision to be the most innovative and customer-centric bank in Viet Nam”. Vietnam Retail Banking Forum 2015.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023