Nhiều doanh nghiệp chỉ tăng trưởng nhờ quy mô, không dựa trên năng suất

Phạm Nga

Theo Báo cáo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Konrad-Adenaeur-Stiftung Vietnam (KAS) công bố, trong giai đoạn 2016-2020, nhiều doanh nghiệp tăng trưởng chỉ dựa vào quy mô chứ không phải là năng suất.

Cụ thể, trong đó 500 doanh nghiệp này, có 237 giữ vị trí ổn định suốt 5 năm, chiếm 47,4%; khoảng 18-20% số doanh nghiệp có mặt trong VPE500 của năm trước không có mặt trong năm sau đó.

Kết quả nghiên cứu trên nhóm 500 doanh nghiệp này cho thấy, 70% số doanh nghiệp tập trung ở Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, cũng là khu vực có nhiều doanh nghiệp chế biến, chế tạo. Ở các tỉnh xa, vẫn có một số VPE 500 gắn với thế mạnh địa phương như các doanh nghiệp kinh doanh cà phê, gỗ ở Tây Nguyên, lĩnh vực chế biến thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long hay các doanh nghiệp có phạm vi hoạt động trên cả nước có xuất xứ khi thành lập tại một địa phương.

Đi sâu vào bức tranh hoạt động của VPE 500, nhóm nghiên cứu nhận thấy tài sản và doanh thu của nhóm VPE 500 đang tăng nhanh nhất so với nhóm doanh nghiệp nhà nước (SOE), doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như nhóm doanh nghiệp tư nhân (VPEs). 

Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động của VPE 500 không cao hơn nhiều của VPE. Năng suất lao động không có sự vượt trội rõ rệt ở nhóm VPE 500 cho thấy, tăng trưởng nhóm này vẫn dựa trên mở rộng nguồn lực, tăng quy mô hơn là tăng năng suất lao động.