Nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu

Bảo Thương

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về Dự án Luật Giá (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Giá (sửa đổi) diễn ra chiều 5/4/2023, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, có nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu tại Hội nghị.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu tại Hội nghị.

Nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu

Theo nhiều ý kiến, trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu, vì đây là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

Đồng thời, trong bối cảnh thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước; quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở…

Đáng chú ý, thực tế cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò điều tiết, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách và Cơ quan soạn thảo cho rằng chưa phải lúc phù hợp bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh, trường hợp vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị trong quản lý, điều hành, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ cần cần nghiên cứu để có phương án quản lý phù hợp hơn bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả.

Cần quy định giá trần với dịch vụ cảng biển và vận chuyển hành khách nội địa

Liên quan đến một số kiến nghị không quy định giá trần đối với dịch vụ tại cảng biển và dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, bà Nguyễn Thị Phú Hà cho hay, lý do đưa ra cho rằng không nên áp dụng giá trần với các dịch vụ này là vì danh mục các hàng hóa, dịch vụ này không thuộc tiêu chí hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá quy định. Bên cạnh đó, cũng chưa phù hợp với nguyên tắc thị trường khi đã có nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này; giá trần trong một số trường hợp thấp hơn chi phí; việc điều chỉnh giá trần thường chưa kịp thời; có giá trần nhưng không có giá tối thiểu…

Tuy nhiên, một số ý kiến khác và Bộ Giao thông vận tải thì đề nghị cần quy định giá trần với các dịch vụ này vì thực tế hiện nay các dịch vụ này vẫn là một trong những dịch vụ thiết yếu, có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc không quy định giá trần đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá cung cấp dịch vụ.

Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, đời sống người dân, doanh nghiệp, ngân sách nhà nước. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá tác động cụ thể trong trường hợp bỏ giá trần theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có căn cứ cho Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời, đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về nội dung này trong Hội nghị đại biểu Quốc hộichuyên trách diễn ra vào sáng hôm nay, ngày 6/4/2023 và xin ý kiến các vị ĐBQH tại Kỳ họp thứ 5.

Ngoài ra, liên quan đến thẩm định giá của Nhà nước, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu rõ, Dự thảo Luật đã quy định chi tiết nguyên tắc và cơ chế thực hiện thẩm định giá nhà nước. Đối với các trường hợp cụ thể phải thẩm định giá của Nhà nước, để bảo đảm tính hợp lý, đầy đủ, do đó, các đạo luật chuyên ngành sẽ xác định cụ thể; đồng thời quy định tăng cường phân cấp, phân quyền cho các Bộ, ngành, địa phương. Về việc xác định trách nhiệm, Dự thảo Luật xây dựng theo nguyên tắc từng cá nhân, tổ chức, cơ quan sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với công việc mà mình thực hiện.

Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đã rà soát, chỉnh lý, quy định cụ thể nhiều nội dung về hoạt động thẩm định giá của Nhà nước, theo đó đã bổ sung 02 Điều bao gồm quy định về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập Hội đồng thẩm định giá và quy định về quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá; chỉnh lý làm rõ quy định về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước; bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định giá tại khoản 3 Điều 60 Dự thảo Luật; bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thẩm định giá...