Nhiều yếu tố đang đẩy giá trị đồng USD lên cao nhất nhiều năm

Theo Nhật Đăng/bizlive.vn

Một yếu tố quan trọng đang đẩy tăng giá đồng USD ở hiện tại: Kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ cao hơn so với tốc độ phục hồi tại nhiều nơi khác.

Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Đồng USD lên mức cao nhất trong gần 2 năm nhờ vào triển vọng lãi suất tăng lên từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tăng trưởng kinh tế Mỹ lên cao và những bất ổn địa chính trị ở bên ngoài nước Mỹ.

Chỉ số USD của Wall Street Journal, chỉ số đo biến động của đồng USD so với 16 loại tiền tệ lớn khác, đã tăng 13/15 phiên gần đây lên ngưỡng cao nhất tính từ tháng 5/2020. Chỉ số đồng USD đã tăng hơn 10% so với đồng yên trong năm nay và hơn 5% so với đồng euro. Chỉ số này giảm 0,6% trong phiên ngày thứ Tư.

Việc tăng giá mạnh trong năm nay đẩy đồng USD lên ngưỡng cao nhất tính từ thời kỳ khủng hoảng tháng 3/2020, khi đó nhà đầu tư đổ tiền vào đồng tiền này, gây ra tình trạng thiếu hụt USD và Fed buộc phải can thiệp. Đồng USD tăng giúp cho lợi nhuận tại các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài và sức mua của người tiêu dùng mua hàng từ ngoài nước Mỹ.

Tuy nhiên, nó lại khiến cho nhiều doanh nghiệp đa quốc gia chịu tổn hại bởi sản phẩm của họ trở nên có khả năng cạnh tranh kém ở nước ngoài, cùng lúc đó làm tăng chi phí khi chuyển doanh thu từ nước ngoài về lại Mỹ.

Một yếu tố quan trọng đang đẩy tăng giá đồng USD ở hiện tại: Kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ cao hơn so với tốc độ phục hồi tại nhiều nơi khác, Fed phát đi tín hiệu của đợt nâng lãi suất sắp tới nhằm kiềm chế lạm phát.

Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng lên ngưỡng cao nhất trong nhiều năm khi mà nhà đầu tư chuẩn bị sẵn sàng cho đợt nâng lãi suất mạnh tay nhất trong 15 năm. Các chỉ số thị trường cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất liên bang lên 3% trước thời điểm cuối năm nay, lãi suất cao thường thu hút những nhà đầu tư tìm kiếm lợi suất đồng tiền.

“Đồng USD thường giao dịch với 2 thái cực: trong kịch bản tránh rủi ro hoặc trong kịch bản Mỹ là nước đi trước hẳn so với các nước khác. Cái chúng ta từng chứng kiến trong vài tháng gần đây, từ khi khủng hoảng Nga – Ukraine leo thang, chính là đồng USD hưởng lợi từ cả hai xu thế này”, đồng trưởng bộ phận kinh doanh ngoại hối của ngân hàng Barclays – bà Kristen Macleod phân tích.

Căng thẳng Nga – Ukraine đang đẩy đồng USD tăng giá, chính vì vậy nó khiến cho nhà đầu tư quan tâm đến đồng USD trở lại trong cương vị đồng tiền an toàn, cùng lúc đó đe dọa đến tăng trưởng kinh tế tại châu Âu. Căng thẳng Nga – Ukraine đang đẩy cao giá cả tại khu vực vốn phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga, làm khó chiến lược kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong khi ECB đang cần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong tuần trước, ECB cũng phát đi thông điệp sẽ chậm nâng lãi suất cơ bản đồng USD.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đồng USD sẽ mất đi trợ lực trong năm tới. Họ tin rằng sự suy yếu của thị trường chứng khoán và căng thẳng nhất thời tại châu Âu đã đẩy tăng giá trị đồng USD trong thời gian qua, các yếu tố đó sẽ không kéo dài mãi.

Không ít nhà đầu tư đang mua phái sinh liên quan đến đồng yên Nhật.

Tuy nhiên, trừ khi số liệu kinh tế công bố cho thấy kinh tế Mỹ đi xuống hoặc Fed sẽ giảm đi tần suất nâng lãi suất, các chuyên gia phân tích khẳng định đồng USD sẽ vẫn còn khả năng tăng giá tiếp.

Phân tích và dữ liệu của Morgan Stanley cho hay rằng đã có thêm nhiều khách hàng, chuyên gia quản lý tài sản và nhiều đối tượng khác mua thêm đồng USD so với nhiều đồng tiền khác, thực tế này tạo ra tâm lý lạc quan với đồng USD và triển vọng kinh tế Mỹ.

Trưởng bộ phận kinh doanh ngoại hối tại Morgan Stanley, ông David Adam, chỉ ra: “Chúng tôi đã chứng kiến thêm nhiều nhà đầu tư mua USD. Câu hỏi quan trọng chính là triển vọng của tăng trưởng toàn cầu sẽ ra sao tính trong tương quan với triển vọng của Mỹ trong vòng 6 đến 12 tháng tới”.