Những đề xuất ưu tiên hợp tác của Việt Nam tại Hội nghị GMS

PV. (T/h)

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 7 theo hình thức trực tuyến, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất một số nội dung ưu tiên hợp tác GMS trong giai đoạn tới.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 7 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 7 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đang trải qua những biến động chưa từng có; đại dịch COVID-19 và các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số... đã và đang tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội và ở tất cả các quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị và đề xuất một số đề nghị hợp tác GMS trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, ưu tiên đầu tiên là ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh. Trước dịch bệnh đang lây lan toàn cầu, có thể nói, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc bệnh COVID-19; không có quốc gia nào an toàn khi còn các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới vẫn còn phải chống dịch COVID-19. Do vậy, ưu tiên lúc này cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh COVID-19; đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp để ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai có thể xuất hiện.

Trước mắt, Thủ tướng Phạm Chính cho rằng, cần hỗ trợ tiếp cận vắc xin và dược phẩm điều trị COVID-19 một cách cởi mở, bình đẳng và minh bạch; tăng cường chia sẻ vắc xin qua các cơ chế đa phương và song phương; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để xây dựng và tự chủ sản xuất vắc xin, thuốc chữa các loại dịch bệnh tại khu vực.

Việt Nam hiện cũng đang nỗ lực phấn đấu tiêm chủng vắc xin bao phủ toàn dân nhanh nhất, sớm nhất có thể với tinh thần luôn đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị ADB nghiên cứu triển khai cơ chế tài chính linh hoạt hơn, ưu đãi hỗ trợ khẩn cấp các nước mua vắc xin, thuốc phòng, chống dịch và vật tư y tế; giúp doanh nghiệp các nước GMS thiết lập dây chuyền sản xuất vắc xin và thuốc điều trị...

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị, cần bảo đảm để chuỗi cung ứng khu vực không bị đứt gãy trong bối cảnh dịch bệnh. Điều hết sức cần thiết hiện nay là cần hài hòa, đơn giản hóa quy trình, thủ tục thông quan, mở “hành lang xanh” tại các cửa khẩu để vừa tạo thuận lợi cho lưu thông người và hàng hóa qua biên giới, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng dịch an toàn. Do vậy, các nước cần hạn chế áp dụng các rào cản thương mại; tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới như chúng ta đã cam kết trong GMS.

Ưu tiên thứ ba chính là việc tạo đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, đồng bộ, đặc biệt là giao thông và năng lượng để nâng cao tính liên kết và sức cạnh tranh của các nền kinh tế. Về giao thông, mục tiêu là hoàn thiện mạng lưới giao thông và các cửa khẩu, cảng biển GMS, ưu tiên là các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, Bắc - Nam, trục đường kết nối các trung tâm kinh tế lớn của khu vực như các vị vừa đề cập; thúc đẩy vận tải đa phương thức, kết nối giữa hệ thống cảng biển/đường thủy với mạng lưới đường bộ và đường sắt trong GMS, điển hình như dự án hợp tác Việt Nam - Lào về sử dụng chung Cảng Vũng Áng của Việt Nam. Về năng lượng, tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo và phát triển thị trường điện khu vực. Các nước GMS cần nghiên cứu mô hình, lộ trình chuyển đổi sang nền năng lượng phát thải thấp một cách hài hòa, hợp lý; nâng cao năng lực mua bán điện năng qua biên giới, vận hành hệ thống lưới điện liên kết, và phát triển cơ sở hạ tầng ngành điện với sự hỗ trợ của ADB và các đối tác phát triển khác.

Về ưu tiên hợp tác thứ tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần đẩy mạnh chuyển đổi số nền kinh tế góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng, phục hồi kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển. Song song với hợp tác về phát triển hạ tầng số, các nước tiểu vùng Mê Kông cần: (1) Tăng cường thương mại điện tử qua biên giới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, qua đó thúc đẩy xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các loại nông sản có tính thời vụ. Tăng cường trao đổi, đối thoại hơn nữa về các chủ thể, chủ đề thương mại điện tử, thương mại số; phát huy vai trò của công nghệ số để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch, nhất là trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ; (2) Nâng cao trình độ và kỹ năng số cho doanh nghiệp và người lao động người dân nói chung; (3) Phối hợp để xây dựng khung pháp lý phù hợp, giúp cho kinh tế số phát triển lành mạnh, nhanh nhưng đúng hướng, sâu rộng, bền vững, hiệu quả và hài hòa với lợi ích chung của toàn xã hội.

Ưu tiên hợp tác tiếp theo là xây dựng một GMS xanh, an toàn và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tình trạng hạn hán, lũ lụt và xâm nhập mặn xảy ra ngày càng nghiêm trọng tại Tiểu vùng Mekong mở rộng. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, GMS cần trở thành hình mẫu hợp tác khu vực về tăng trưởng xanh, an toàn và bền vững, bao trùm, cùng nhau định hình khung hợp tác với một lộ trình hợp tác toàn diện và các biện pháp triển khai sáng tạo, cụ thể, linh hoạt. Trong đó, yêu cầu cấp thiết là nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng cường hợp tác trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các dòng sông ở khu vực, đặc biệt là dòng sông Mekong; phù hợp với các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.

Cuối cùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần tăng cường phối hợp giữa GMS với ASEAN và các cơ chế khu vực khác, các Hiệp định thương mại tự do khu vực như RCEP và các Hiệp định giữa ASEAN với đối tác, trong đó có Trung Quốc; khuyến khích sự tham gia của đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp để hợp tác GMS thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia, cộng đồng khu vực và toàn cầu.

“Trên cơ sở đó, tôi đề xuất tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên phát triển GMS với sự tham gia của các thành viên GMS và các đối tác phát triển khác để đánh giá, rà soát tiến trình hợp tác GMS cũng như mở rộng, thu hút thêm nguồn lực, ý kiến tư vấn từ các đối tác phát triển của GMS”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.