Những điểm đáng chú ý trong dự thảo Thông tư về quy định cơ cấu thời hạn trả nợ

Tuấn Thủy

Ngoài các điều kiện thời gian được cơ cấu lại nợ, khách hàng không trả nợ đúng hợp đồng phải được ngân hàng xác nhận nguyên nhân chậm nợ là khách quan, đồng thời có khả năng trả nợ đầy đủ sau cơ cấu. Ngân hàng cũng “dễ thở” hơn khi được giữ nguyên nhóm nợ, lãi dự thu được hạch toán theo dõi ngoại bảng.

Ngân hàng Nhà nước đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Theo đó, một số điểm mới trong Dự thảo là khoản nợ phát sinh trước ngày 8/4/2023 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023. Thời gian cơ cấu nợ là 12 tháng kể từ ngày được cơ cấu.

Đối tượng áp dụng là các khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lại theo hợp đồng do nguyên nhân khách quan của nền kinh tế, thị trường. Việc xác định nguyên nhân khách quan này do TCTD xem xét và quyết định.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, đây là một việc khó cho cả hai bên, khách hàng và TCTD. Bởi, việc đánh giá khách quan này có thể phụ thuộc vào quyết định chủ quan của TCTD.

Ngoài ra, khách hàng được cơ cấu là khách hàng được đánh giá là có khả năng trả nợ đầy đủ sau thời gian cơ cấu. Điều kiên này giống như việc thẩm định 2 lần đối với khoản nợ của khách hàng.

Đối với TCTD, nợ cơ cấu thì được giữ nguyên nhóm nợ, nếu nợ vẫn trong thời gian cơ cấu. Sau khi hết thời gian cơ cấu sẽ trích lập và phân loại nợ theo quy định. Còn lãi dự thu sẽ không hạch toán nội bảng mà theo dõi ngoại bảng.

Như vậy, Dự thảo Thông tư này là sự tiếp nối, điều hành linh động để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng theo thẩm quyền của NHNN.

Nội dung của Thông tư cơ bản là sự kế thừa của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021, để hỗ trợ miễn phải phí và cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ trong thời gian COVID-19.

Nhìn chung, nếu Thông tư trên được ban hành, ngân hàng sẽ có thêm cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp bất động sản) không bị chuyển nhóm nợ xấu, có thêm thời gian duy trì và xoay xở dòng tiền trả nợ trái phiếu, đồng thời giúp chất lượng tài sản trên báo cáo tài chính của các ngân hàng duy trì ổn định dù chất lượng nợ thực tế đã suy giảm.

Mặc dù vậy, các ngân hàng sẽ phải chọn lọc kỹ đối tượng doanh nghiệp có khả năng phục hồi để cơ cấu nợ bởi dù nợ cơ cấu được giữ nguyên nhóm nợ (tức không làm giảm chất lượng tài sản) song ngân hàng lại phải trích lập dự phòng, do đó lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng. 

Do chính sách được thực hiện từ nguồn lực của chính TCTD, không sử dụng nguồn chi từ ngân sách nhà nước nên không ảnh hưởng tới cân đối ngân sách cũng như không tác động tới sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.

Theo VFIN, đây cũng là một thông tin tích cực, kết hợp với các biện pháp giảm thuế và gia hạn nộp thuế sẽ mang lại kỳ vọng lớn cho nền kinh tế và cả thị trường chứng khoán.