Những trụ cột xây dựng, phát triển Phú Yên

Theo KTS Hoàng Xuân Thưởng/Báo Phú Yên

Phú Yên có dân số hơn 96 vạn người, diện tích tự nhiên 5.060km2, có đồi núi, đồng bằng, biển cả. Để góp phần vào quy hoạch tỉnh Phú Yên đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 dưới góc nhìn đô thị học, tác giả luận bàn vài nét về một số trong các trụ cột nhằm xây dựng và phát triển Phú Yên.

Bờ biển Phú Yên hoang sơ, thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: Trần Thanh
Bờ biển Phú Yên hoang sơ, thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: Trần Thanh

Yếu tố biển

Là trụ cột mang tính bao quát, biển được định hình nên không gian cho Phú Yên từ xưa đến nay và trong tương lai. Bờ biển Phú Yên dài 189km từ Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) vào đến đảo Hòn Nưa giáp tỉnh Khánh Hòa.

Dãy Trường Sơn hùng vĩ khi đến Phú Yên, phía bắc là dãy núi Cù Mông như con rồng khổng lồ trườn ra biển; phía nam là núi Đá Bia hùng vĩ thuộc khối núi Đại Lãnh, như dấu chấm của dãy Trường Sơn hiên ngang vươn ra biển và là cực đông trên đất liền Tổ quốc, làm cho bờ biển Phú Yên càng thêm xinh đẹp và hấp dẫn.

Bờ biển Phú Yên còn hoang sơ, nhiều đảo nhỏ, với bờ cát trắng trải dài, đôi khi lại cong như vầng trăng khuyết, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như gành Đá Đĩa, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan; vịnh Xuân Đài và vịnh Vũng Rô…

Biển Phú Yên có ngư trường rộng, nằm trong vùng đa dạng về thủy hải sản, tại các cửa biển, cửa sông có nhiều làng biển lâu đời với nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản xa bờ như câu cá ngừ đại dương; gắn với văn hóa lễ hội cầu ngư, hò bá trạo mang đậm nét văn hóa làng biển Nam Trung Bộ. Thế kỷ XXI, con người và đô thị hướng về biển, khai thác tiềm năng kinh tế biển.

 Giao thông đối ngoại và liên hệ vùng

Về đường bộ, Phú Yên có quốc lộ 1 chạy qua, với hầm Đèo Cả, hầm đèo Cù Mông, phá thế cô lập ngăn cách bởi hai đèo. Hầm Đèo Cả là cầu nối giữa hai khu kinh tế lớn Nam Phú Yên với Bắc Khánh Hòa; hầm đèo Cù Mông cùng với quốc lộ 1D là nhịp cầu, sự giao thoa về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa đô thị Sông Cầu và Quy Nhơn. Quốc lộ 19C (trục dọc miền Tây) từ Vân Canh (Bình Định) chạy vào Đồng Xuân, đi cao nguyên Vân Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh, đấu nối với quốc lộ 25 đi Gia Lai và quốc lộ 29 đi Đắk Lắk, tất cả các huyện thị trong tỉnh đều có quốc lộ đi qua.

Về đường sắt Bắc - Nam với chiều dài gần 150km, qua 4 huyện, thị xã, thành phố, với các ga Hảo Sơn, Phú Hiệp, Đông Tác, Tuy Hòa, Hòa Đa, Chí Thạnh, La Hai. Mỗi ga là cửa ngõ của đô thị, nơi giao lưu về kinh tế, văn hóa với mọi miền đất nước. Tương lai có tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam chạy qua Phú Yên và tuyến đường sắt từ ga Phú Hiệp (TX Đông Hòa) đi Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dài 169km.

Về đường hàng không, sân bay Tuy Hòa được xây dựng từ năm 1960, là sân bay hiện đại, đang khai thác đường bay Tuy Hòa - Hà Nội, Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Sân bay Tuy Hòa có đủ điều kiện để mở các đường bay quốc tế phục vụ trong tỉnh, Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) và các tỉnh Tây Nguyên.

Về đường thủy có cảng Vũng Rô là cảng nước sâu hơn 20m, kín gió cho tàu có trọng tải lớn hơn 10.000 DVT ra vào dễ dàng. Cảng Vũng Rô còn có kho xăng dầu với sức chứa 15.000m3, tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 DVT ra vào và làm hàng, cung cấp cho các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

 Cánh đồng lúa Tuy Hòa nổi tiếng

Cánh đồng lớn nhất khu vực miền Trung, có hệ thống thủy nông Đồng Cam tự chảy, cung cấp nước tưới cho 21.500ha lúa, năng suất bình quân hàng năm 60 tạ/ha, tổng sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm. Phú Yên có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 27 độ C, lượng mưa bình quân từ 1.600-1.700mm/năm, thích nghi phát triển cây trồng và vật nuôi. Đây là cánh đồng lúa cao sản, khu công nghệ cao.

Hệ thống sông ngòi, đô thị

Phú Yên có 4 con sông lớn, phân bổ đều trước khi đổ ra biển Đông. Sông Bàn Thạch ở TX Đông Hòa, sông Đà Rằng ở TP Tuy Hòa, sông Cái ở huyện Tuy An và sông Tam Giang ở TX Sông Cầu. Các sông ở Phú Yên đem lại sự trù phú cho các buôn làng, khu đô thị. Các sông còn có trữ lượng cát và nước ngọt lớn, là nguồn tài nguyên quý giá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đối với đô thị, hệ thống đô thị của Phú Yên được phân bổ đều, theo trục động lực Bắc - Nam đến năm 2025 có 4 đô thị biển: Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa và Đông Hòa; trục dọc miền Tây (quốc lộ 19), có 3 đô thị La Hai, Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), Vân Hòa (huyện Sơn Hòa). Theo hành lang đông - tây bờ tả sông Ba có đô thị Phú Hòa, Hòa Hội, Củng Sơn; bờ hữu có đô thị Phú Thứ, Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa), Hai Riêng và Tân Lập (huyện Sông Hinh).

Đến năm 2030, Phú Yên có 13 đô thị, trong đó có 4 đô thị biển, 2 đô thị đồng bằng và 7 đô thị trung du miền núi; dân số đô thị tăng lên 55-60% (hiện tại 30%), làm thay đổi cơ cấu về lao động, từ nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp.

Văn hóa và con người

Tháp Nhạn ở giữa lòng TP Tuy Hòa, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2018.  Ảnh: Vân Nguyên
Tháp Nhạn ở giữa lòng TP Tuy Hòa, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2018.  Ảnh: Vân Nguyên

Phú Yên có hơn 20 di sản văn hóa cấp quốc gia, hàng trăm các di sản văn hóa cấp tỉnh, được phân bố đều; có nhiều di sản nổi tiếng như tháp Nhạn, gành Đá Đĩa, núi Đá Bia.

Đặc biệt, với bộ đàn đá và kèn đá, gành Đá Đĩa, làng đá Phú Hạnh (huyện Tuy An), tỉnh đang xúc tiến lập hồ sơ, đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu.

Về văn hóa phi vật thể, Phú Yên có lễ hội đua thuyền đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, lễ hội cầu ngư, hò bá trạo, đêm thơ Nguyên tiêu, lễ hội cồng chiêng, bài chòi và rất nhiều các lễ hội khác của đồng bào các dân tộc.

Bên cạnh đó, Phú Yên có 2 trường đại học, 3 trường cao đẳng và học viện ngân hàng. Đây là những cơ sở rất quan trọng, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tỉnh.

Từ các trụ cột nêu trên, Phú Yên là miền đất thiên thời - địa lợi - nhân hòa, có đủ điều kiện phát triển mạnh bên bờ biển Đông.