Nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế của RCEP

Nguyễn Linh

Các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực đổi mới, nâng cao năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Thời gian tới, Việt Nam sẽ hoàn thiện khung pháp lý, ưu tiên sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, sửa đổi Luật Chất lượng SPHH...
Thời gian tới, Việt Nam sẽ hoàn thiện khung pháp lý, ưu tiên sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, sửa đổi Luật Chất lượng SPHH...

Hiệp định RCEP chính thức được ký kết vào tháng 11/2020 giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 đối tác của khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Hiệp định RCEP giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường tiêu dùng lớn, gấp đôi quy mô của các thị trường trong CPTPP. Khi Việt Nam trở thành nhà sản xuất công nghệ cao, RCEP có thể giúp doanh nghiệp trong nước tăng cường xuất khẩu và thu hút hàng hóa chất lượng cao cho người tiêu dùng.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với hơn 13500 TCVN, tỷ lệ 61% hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đã bao trùm hầu hết lĩnh vực, góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội, trở thành công cụ hỗ trợ cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam hội nhập dễ dàng vào các thị trường lớn, yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

Trong khi đó, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của các nước thành viên RCEP nhìn chung theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC, ITU, CODEX… tương tự hệ thống TCVN. Nhờ vậy, cơ bản tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên.

Mặt khác, RCEP cũng mở cửa cho các dịch vụ logistics, thương mại điện tử, khiến hàng hoá đến tay người tiêu dùng giữa các nước dễ dàng. Đặc biệt, các quốc gia ASEAN yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng gần tương đương Việt Nam. Điều này cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường trên.

Sản phẩm, hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu vào các nước RCEP còn phải đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn, quy cách mẫu mã… Quy định của thị trường nhập khẩu ngày càng nâng cao và chặt chẽ hơn.

Hiện các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực để đổi mới, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường RCEP.

Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nhà nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu cao của thị trường. Đặc biệt, hiện nay, ngoài áp dụng về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, còn phải đáp ứng tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, môi trường, phát triển bền vững…

Thời gian tới, Việt Nam sẽ về hoàn thiện khung pháp lý, ưu tiên sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, các văn bản hướng dẫn liên quan theo hướng phù hợp với cam kết trong Hiệp định RCEP nói riêng, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nói chung.

Đồng thời, chủ động xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Đề án phát triển Hạ tầng Chất lượng quốc gia (NQI) để tạo cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện, tăng cường năng lực kỹ thuật trong toàn hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Việt Nam, góp phần thuận lợi giao thương với thị trường RCEP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kiểm soát tốt hơn hàng nhập khẩu, bảo vệ thị trường trong nước hiệu quả hơn.

Song song với đó là phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo hướng đẩy mạnh hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực mà thị trường RCEP đang áp dụng (ISO, IEC, CODEX EN, ASTM…). Tập trung soát xét, sửa đổi, xây dựng mới TCVN trong các lĩnh vực có thế mạnh sản xuất như sản phẩm điện-điện tử, nông nghiệp, dệt may, gia dày, viễn thông, công nghệ thông tin, đồ tiêu dùng gia dụng, đồ gỗ…