Nông nghiệp và yêu cầu chuyển đổi số

Theo Lê Dung/Báo Đăk Nông

Nông nghiệp là lĩnh vực nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế. Nhằm nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, thời gian qua, Đắk Nông đã và đang đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực này.

Công ty TNHH MTV Sản xuất, thương mại, dịch vụ Vương Anh (Gia Nghĩa) chú trọng đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa. Ảnh: LD
Công ty TNHH MTV Sản xuất, thương mại, dịch vụ Vương Anh (Gia Nghĩa) chú trọng đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa. Ảnh: LD

Những kết quả bước đầu

Đến nay, chuyển đổi số trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã và đang được triển khai đồng loạt ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Về lĩnh vực nông nghiệp, một trong những hướng mà ngành Nông nghiệp đang tập trung thực hiện đó là thúc đẩy được các sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử. Việc làm này chính là cơ hội để nông sản được nhiều người biết đến.

Thông qua đó giúp người dân có quyền bán sản phẩm của mình dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng; đồng thời, họ sẽ nhận thức được giá trị để có trách nhiệm đối với sản phẩm làm ra.

Đặc biệt, ngành đã đề xuất ứng dụng phần mềm AutoAgri để quản lý một số ngành hàng có tiềm năng của tỉnh như sầu riêng, bơ; đồng thời, đề xuất ứng dụng thêm phần mềm này vào trong việc quản lý diện tích rừng thông dọc quốc lộ 14 và quốc lộ 28. Các quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp đang được đơn vị phối hợp rà soát, để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, việc thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số sẽ góp phần đặt nền tảng xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cho ngành nông nghiệp như: quản lý, bảo vệ rừng, sản xuất, tưới tiêu cây trồng, vật nuôi, thủy sản, mã vùng trồng…

Tất cả được tích hợp trong một hệ thống chung. Có như vậy, các cơ quan nhà nước và người nông dân, doanh nghiệp có thể chia sẻ thông tin một cách minh bạch và nhanh nhất.

Ngoài ra, trong lĩnh vực thủy lợi, trên địa bàn tỉnh hiện đã ứng dụng hệ thống đo mưa tự động chuyên dùng - Vrain, với 40 trạm đo. Các hồ chứa thủy lợi và thủy điện của tỉnh đang được sử dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu GIS, để giám sát số liệu vận hành công trình thủy lợi trực tuyến.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, ngành tiếp tục sử dụng phần mềm quản lý tài nguyên rừng và cảnh báo cháy rừng, cung cấp thông tin dự báo cháy rừng. Phương pháp viễn thám và công nghệ phần mềm GIS cũng được ứng dụng rộng rãi trong việc theo dõi, cập nhật diễn biến về rừng…

Hoàn thiện các cơ sở pháp lý

Mặc dù đạt được những kết quả ban đầu, nhưng hiện nay, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa. Trình độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp còn thấp. Nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp có đầy đủ kỹ năng trong sử dụng, vận hành các thiết bị rất hạn chế...

Theo Quyết định số 479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cũng phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Điều này cho thấy quyết tâm của Bộ trong việc đưa số hóa vào trong từng lĩnh vực.

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, thời gian tới, để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu hoàn thiện cơ sở pháp lý về chuyển đổi số. Tất cả các lĩnh vực phải có hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và chia sẻ dữ liệu dùng chung. Việc xây dựng và có chính sách đột phá thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được hoàn thiện, nhất là trong chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

Các hoạt động hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử tiếp tục được ngành đẩy mạnh, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Ngành sẽ tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống ứng dụng công nghệ mới…

Toàn tỉnh hiện có 15 nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu hàng hóa được các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký để bảo hộ sản phẩm; 97 đơn vị được hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; 14 doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ cải tiến, nhằm nâng cao năng suất chất lượng; 3 doanh nghiệp được hỗ trợ đăng ký, sử dụng mã vạch; hỗ trợ xác minh Google Map cho 11 đơn vị; 42 sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử…