ThS. Võ Lê Phương - Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính):

Phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, tạo cầu đầu tư bền vững trái phiếu doanh nghiệp


Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng. Nhằm phát huy những kết quả đạt được và khắc phục được những tồn tại, hạn chế như thời gian qua, cần phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp, tạo cầu đầu tư bền vững TPDN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thị trường TPDN Việt Nam có sự phát triển khá nhanh trong giai đoạn 2016-2020, đã hình thành đầy đủ các cấu phần gồm thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp TPDN phát hành ra công chúng và TPDN phát hành riêng lẻ.

Hạ tầng và dịch vụ thị trường ngày càng được hoàn thiện, với hệ thống TPDN niêm yết, chuyên trang thông tin về TPDN tại Sở GDCK, các tổ chức cung cấp dịch vụ (tư vấn hồ sơ phát hành, đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, đăng ký, lưu ký, đại diện chủ sở hữu trái phiếu, đại lý quản lý tài sản đảm bảo, tổ chức xếp hạng tín nhiệm...).

Tuy nhiên, thị trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế tương tự như thị trường TPDN của Malaysia và Thái Lan trong giai đoạn trước, cụ thể là: Cơ sở NĐT chưa phát triển, phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng; Thông tin trên thị trường còn hạn chế, thiếu các công cụ đánh giá rủi ro cho NĐT…

Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển thị trường TPDN của các nước trong khu vực, có thể rút ra một số kinh nghiệm nhằm phát triển bền vững thị trường TPDN Việt Nam trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khuôn khổ pháp lý đến tổ chức thị trường, phát triển cơ sở NĐT, phát triển sản phẩm hàng hóa, phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường và các định chế tài chính trung gian: Thị trường TPDN chỉ được vận hành và phát triển tốt khi kinh tế vĩ mô ổn định, nhu cầu huy động vốn của các DN ổn định và có xu hướng tăng, tỷ lệ tích lũy, tiết kiệm trong nền kinh tế ở mức khá. Hoạt động của thị trường TPDN có sự liên thông với các cấu phần khác của thị trường tài chính như thị trường cổ phiếu, thị trường tín dụng ngân hàng, đặc biệt là thị trường tín dụng ngân hàng. Theo đó, thị trường TPDN đóng vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn và thị trường tín dụng ngân hàng là kênh huy động vốn ngắn hạn cho DN.

Thứ hai, phát triển hệ thống NĐT tổ chức để tạo cầu đầu tư bền vững trên thị trường: NĐT trên thị trường TPDN hầu hết là NĐT có tổ chức như: Công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán. Đây là những tổ chức có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm về đầu tư. Do vậy, để phát triển thị trường TPDN bền vững, ổn định cần phát triển hệ thống NĐT tổ chức để tạo cầu đầu tư bền vững trên thị trường.

Thứ ba, hình thành Trung tâm thông tin tập trung về phát hành TPDN: Hình thức giao dịch TPDN phổ biến trên thế giới là giao dịch thỏa thuận. Tuy nhiên, dù cho hệ thống giao dịch trái phiếu được tổ chức dưới hình thức nào thì đều cần phải có một trung tâm thông tin tập trung về phát hành TPDN. Điều này vừa giúp cho DN phát hành hiệu quả, vừa giúp cho các NĐT tư có đầy đủ thông tin để tham gia thị trường TPDN.

Thứ tư, nâng cao năng lực tài chính và chất lượng hoạt động của các tổ chức tài chính trung gian như: Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Trong đó, hình thành và thiết lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là một trong những tiền đề quan trọng đối với phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững.