Phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2030

TS. Phùng Thế Đông, Học viện Chính sách và Phát triển ThS. Nguyễn Thành Đồng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh ThS. Phan Thị Thu Trang, Văn phòng Trung ương Đảng/Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2021.

Ở Việt Nam, phát triển kinh tế bền vững là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm cùng quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu gắn với năng suất lao động, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bài viết tập trung phân tích thực trạng của một số chỉ tiêu phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam, trên cơ sở đó làm rõ một số hạn chế, nguyên nhân và đề xuất, khuyến nghị nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam thời gian qua

- Về tốc độ tăng trưởng: Một trong những thành tựu kinh tế nổi bật của Việt Nam kể từ khi thực hiện “Đổi mới” đến nay là tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Quy mô nền kinh tế Việt Nam luôn duy trì mức tăng cao, năm 2019 đạt 258,7 tỷ USD. Bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 5,9%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 6%; tính chung 10 năm (2011-2020) đạt 5,95%/năm, tỷ lệ này đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, các quốc gia trên thế giới đều sụt giảm nghiêm trọng tăng trưởng GDP, thậm chí tăng trưởng âm ở những quốc gia Top đầu kinh tế, thì tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam vẫn đạt 2,91% được xếp vào Top cao nhất thế giới. Nếu Chính phủ kiểm soát tốt được dịch bệnh Covid- 19, khả năng tăng trưởng GDP trong năm 2021 và các năm tiếp theo sẽ phục hồi nhanh hơn.

- Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Giai đoạn từ 2011- 2019, tỷ trọng ngành Dịch vụ đã chiếm vị trí đứng đầu trong GDP, ngành công nghiệp đã không còn có tầm quan trọng như giai đoạn trước kia. Sự chuyển dịch này cho thấy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng và hiệu quả hơn bởi chỉ có công nghiệp và dịch vụ mới đem lại giá trị gia tăng lớn và hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Thực tế, các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới thường có ngành Dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong GDP. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam so với dịch chuyển cơ cấu kinh tế của các nước phát triển vẫn còn khoảng cách lớn. Đối với các nước đang phát triển trong khu vực, tỷ trọng ngành Dịch vụ trong GDP của Việt Nam là tương đương; tuy nhiên, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GDP vẫn cao hơn khoảng trên dưới 10%.

Kết quả chuyển dịch cơ cấu lao động tỷ lệ thuận với chuyển dịch cơ cấu sản lượng trong GDP. Đó là lực lượng lao động trong nền kinh tế Việt Nam đang chuyển dần từ nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Tiến trình chuyển đổi cơ cấu lao động trên đây là một bước tiến bộ trong phân bổ nguồn lực lao động xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, xây dựng, mở rộng và phát triển dịch vụ, đa dạng hoá ngành nghề trong nông lâm, thuỷ sản đã tạo thêm nhiều vị trí việc làm mới và tăng thêm thu nhập cho người lao động.

- Về thu nhập của người dân và xóa đói giảm nghèo: Cùng với tăng trưởng GDP, tốc độ tăng GDP bình quân đầu người cũng có xu hướng tăng. Nếu như giai đoạn 2010-2014, GDP bình quân đầu người chỉ tăng trung bình 4,93%/năm, thì trong 3 năm (2016-2019), GDP bình quân đầu người đã tăng trung bình 5,6%, cao hơn mức tăng 4-4,5% đặt ra cho cả thời kỳ 2016- 2030. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 2717 USD, tăng 619 USD so với năm Về xóa đói, giảm nghèo, năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015)...

- Về tạo việc làm: Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây, từ mức gần 59% năm 2014 xuống còn khoảng 55% lực lượng lao động vào năm 2019. Đặc điểm của lực lượng lao động phi chính thức thường là không có hợp đồng, không được đóng bảo hiểm xã  hội, bảo hiểm y tế, hay hưởng lương cố định và do vậy pháp luật hiện hành vẫn chưa quy định cụ thể, điều chỉnh nhóm này. Nhìn chung, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, đây là một lợi thế cạnh tranh quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Lực lượng lao động ở nước ta chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, chiếm khoảng gần 70%. Con số này có xu hướng giảm qua các năm nhưng vẫn ở mức cao. Cả nước hiện có khoảng 17 triệu thanh niên nông thôn có độ tuổi từ 15-30, chiếm 70% số thanh niên và 60% lao động nông thôn. Tuy nhiên, với 80% trong số này chưa qua đào tạo chuyên môn, đang trở thành trở ngại lớn cho lao động nông thôn trong tìm kiếm việc làm...

Phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 - Ảnh 1

- Về năng suất lao động: Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.166 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm. Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tính chung giai đoạn 2007-2017, năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2011 của Việt Nam tăng trung bình 4,2%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (1,5%/năm); Malaysia (1,9%/năm); Thái Lan (2,5%/năm)... Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn gia tăng. Điều này cho thấy, khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Một số hạn chế và nguyên nhân cản trở phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam

Bên cạnh những kết quả khích lệ trong phát triển kinh tế bền vững, kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế, yếu kém như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số lĩnh vực còn chưa được phát huy, trình độ khoa học, công nghệ quốc gia nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực; việc thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng còn chậm; khoảng cách phát triển chênh lệch thu nhập giữa các vùng có xu hướng gia tăng, chậm thu hẹp.

Phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 - Ảnh 2

Bên cạnh đó, một số rào cản phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam thể hiện ở một số khía cạnh như sau:

Thứ nhất, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Môi trường kinh doanh được cải thiện chủ yếu về điều kiện gia nhập thị trường. Hệ sinh thái hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, chưa có nhiều tiến bộ. Những bất cập thể chế về đất đai, quyền tài sản bao gồm giao dịch đảm bảo, xử lý tài sản thế chấp, thủ tục phá sản... vẫn chậm được giải quyết, trở thành trở ngại lớn cản trở lực lượng sản xuất phát triển.

Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm. Sự dịch chuyển cơ cấu tăng trưởng theo ngành, từ khai thác tài nguyên chuyển sang phát triển công nghiệp chế tạo, dịch vụ mặc dù đã diễn ra, song vẫn chưa đậm nét và chưa đạt được nhiều thành tựu. Chuyển dịch cơ cấu lao động cũng tương tự khi tỷ lệ lao động chất lượng cao còn chiếm tỷ lệ thấp. Công nghiệp và xây dựng là động lực chính của tăng trưởng trong thời gian qua.

Thứ ba, các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy được vai trò đầu tàu tăng trưởng trong khu vực; thậm chí đang bị suy giảm dần. Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long khó khăn trong thu hút đầu tư nước ngoài, nên tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại. Vai trò động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ đang giảm khá nhanh. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là sức hấp dẫn thu hút đầu tư thâm dụng lao động đang giảm mạnh, dư địa tăng trưởng theo chiều rộng thu hẹp dần, nhưng chưa có nhân tố tăng trưởng mới để bù đắp (CIEM, 2019).

Thứ tư, về cơ cấu thành phần kinh tế, sự dịch chuyển theo hướng kém lành mạnh, kém cân bằng  và dễ bị tổn thương hơn. Khu vực kinh tế tư nhân chính thức trong nước còn quá nhỏ; tăng trưởng với tốc độ chưa đủ lớn để nhanh chóng khẳng định vai trò của mình; khu vực kinh tế hộ kinh doanh cá thể, phi chính thức còn lớn. Khu vực kinh tế nhà nước nắm giữ các nguồn lực quốc gia, giữ vai trò chủ đạo nhưng đóng góp cho tăng trưởng chưa tương xứng. Khu vực FDI tiếp tục mở rộng với tốc độ nhanh, nhưng nếu có những cú sốc đối với khu vực FDI, chắc chắn nền kinh tế Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương...

Kết luận và khuyến nghị

Theo Báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), nếu đặt tiêu chí GDP bình quân đầu người vào năm 2035 đạt 18.000 USD, thì trong vòng 20 năm tới, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam phải đạt tối thiểu 6,0%/năm. Cũng theo Báo cáo này, nếu tốc độ tăng trưởng ở mức 5%/năm (là tốc độ tăng tưởng bình quân của Việt Nam 10 năm qua), GDP theo đầu người sẽ đạt 15.000 USD vào năm 2035, tương đương với Brazil năm 2014 và đạt 18.000 USD vào năm 2040. Nếu tăng trưởng ở mức trên 7%/năm (theo kịch bản kỳ vọng của Việt Nam), thì GDP theo đầu người sẽ đạt gần 22.200 USD, tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013. Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam, trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nhóm tác giả đưa ra một số khuyến nghị như sau:

Một là, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, tác động mạnh đến mọi mặt, các lĩnh vực kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn thế giới, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục chuyển đổi từ phát triển kinh tế chủ yếu theo chiều rộng (các ngành có giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động giản đơn như: dệt may, da giày, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm...) sang phát triển theo chiều sâu, (các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng lao động chất lượng cao, có kỹ năng như: công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, điện tử tin học, sản xuất vật liệu mới thay thế nhập khẩu...). Trước hết, cần ưu tiên tập trung vào một số ngành công nghệ cao mà Việt Nam có thế mạnh như công nghệ thông tin, công nghệ y - sinh, công nghệ sinh học…

Hai là, trong từng giai đoạn phát triển, cần lựa chọn một số lĩnh vực tập trung ưu tiên đầu tư, để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao có khả năng cạnh tranh; một số ngành, sản phẩm chủ yếu mà Việt Nam có thế mạnh nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh, xây dựng thương hiệu mạnh và chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Ba là, rà soát lại chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, trên cơ sở đó điều chỉnh kế hoạch phân bổ không gian kinh tế hợp lý, gắn với thế mạnh của từng vùng; tạo sự liên kết các vùng lãnh thổ phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn FDI, theo hướng ưu tiên cho những doanh nghiệp ứng dụng  và chuyển giao công nghệ mới thân thiện môi trường; chuyển giao công nghệ quản lý hiện đại. Có chính sách ưu tiên thu hút những nhà đầu tư chiến lược, những dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, công nghệ sạch, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ.

Năm là, phát huy sức mạnh tổng thể của các thành phần kinh tế, khai thác mọi nguồn lực cho phát triển. Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, giữa các ngành để khai thác tối đa lợi thế của nhau cùng phát triển. Trước mắt thực hiện tốt Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, huy động cao nhất tiềm lực trong xã hội đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế.

Sáu là, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Để giải phóng nguồn lực cho các khu vực khác của nền kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước cần phải được tái cơ cấu một cách toàn diện về mô hình quản trị, chiến lược kinh doanh và quản lý tài chính. Đồng thời, Nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại một số    ít doanh nghiệp thật sự quan trọng có tính chất dẫn dắt nền kinh tế, hoặc những doanh nghiệp công ích không để thị trường can thiệp; doanh nghiệp phục vụ cho quốc phòng an ninh.

Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu, hội nhập sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước tiến lên những bậc thang giá trị cao hơn. Hiện nay, nước ta vẫn đang là một quốc gia hội nhập thụ động, tham gia chưa có hiệu quả cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, chủ yếu thông qua xuất khẩu nguyên liệu thô và gia công đơn giản cho nước ngoài, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Để duy trì được tốc độ phát triển của nền kinh     tế ở mức cao, Việt Nam cần thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược: (i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (ii) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; (iii) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Tám là, huy động nguồn lực cho phát triển bền vững, trong đó chú trọng việc huy động nguồn vốn tư nhân trong nước cho phát triển bền vững, chuyển trọng tâm thu hút vốn đầu tư FDI từ số lượng sang chất lượng và chuẩn bị tốt các điều kiện để chuyển tiếp thành công sang giai đoạn “hậu ODA”.

Chín là, sử dụng nguồn lực huy động được một cách tập trung và hiệu quả, hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững đặt ra; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đi đôi với lồng ghép các chính sách phát triển bền vững, nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững và các mục tiêu cần đạt trong Chiến lược; tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện các các mục tiêu phát triển bền vững. Cần bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững không chỉ là công việc của Chính phủ mà của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.  

Tài liệu tham khảo:

  1. Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), Báo cáo Việt Nam 2035;
  2. Nguyễn Bích Lâm, Năng suất lao động của Việt Nam và giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng năng suất lao động, Tham luận tại Diễn đàn CEO 2018, Hà Nội, ngày 13/4/2018);
  3. Nguyễn Đắc Hưng, Phùng Thế Đông (2018), Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, NXB Quân đội Nhân dân Việt Nam, 2018;
  4. Lê Anh Văn, Đổi mới chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để nâng cao năng lực cạnh tranh. Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, 2017.