Phát triển tài chính xanh tại Việt Nam

Thế Bính

Phát triển tài chính xanh là phát triển các công cụ huy động vốn xanh, các trung gian tài chính xanh và các hoạt động đầu tư và tiêu dùng xanh. Tại Việt nam, tài chính xanh đang trong giai đoạn đầu phát triển với một số hoạt động, sản phẩm...

 03 nhiệm vụ trọng tâm của tăng trưởng xanh tại Việt Nam  gồm: Giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
03 nhiệm vụ trọng tâm của tăng trưởng xanh tại Việt Nam gồm: Giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng trong các chính sách phát triển bền vững của Việt Nam nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt ngày 25/9/2012, theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg với 03 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Chiến lược, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014–2020 với 4 chủ đề chính gồm: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Ngày 01/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Trong đó, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Trong lĩnh vực ngân hàng, ngày 06/8/2015 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1552/QĐ-NHNN về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng với mục tiêu là thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của ngành Ngân hàng trong việc thực hiện cấp tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, phát triển các sản phẩm và dịch vụ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.

Ngày 07/8/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và các chương trình tín dụng góp phần sử dụng tài nguyên hiệu quả, tạo sinh kế và nâng cao mức sống của người dân, giải quyết từng bước các vấn đề môi trường và xã hội; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực theo hướng đầu tư theo chiều sâu, sử dụng công nghệ cao.

Mục tiêu đối với ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 là 100% ngân hàng xây dựng được bộ quy tắc về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng.

Ngoài ra, ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị, bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

Trong hệ thống ngân hàng thương mại, tín dụng xanh đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ hơn 71 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015, lên đến 340 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2020.

Tỷ trọng tín dụng xanh so với tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng đều từ 1,55% năm 2015 lên 3,7% vào năm 2020. Tính đến cuối tháng 10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 9,99 triệu tỷ đồng, kéo theo đó dư nợ tín dụng xanh tiếp tục gia tăng, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp xanh và năng lượng tái tạo.

Các ngân hàng thương mại đi đầu trong tín dụng xanh thời gian qua có thể kể đến như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A bank), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDbank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A bank)...