Quản lý, điều hành giá năm 2024 và một số vấn đề đặt ra

Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính

Trong năm 2023, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các kịch bản điều hành giá phù hợp theo từng thời điểm, diễn biến của thị trường. Nhờ đó, lạm phát trong năm qua được kiểm soát tốt, dưới ngưỡng cho phép. Phát huy kết quả đạt được, năm 2024, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo điều hành giá thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý giá nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống của người dân.

Một số thách thức trong quản lý, điều hành giá năm 2024

2024 là năm thứ tư thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Dự báo, năm 2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và tốc độ phục hồi chậm, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, xung đột chính trị có khả năng kéo dài, tác động mạnh và đa chiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Trong nước, tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục xu hướng hồi phục tích cực; các chính sách hỗ trợ trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn đối với nền kinh tế, các động lực về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách kéo dài đang được tập trung tháo gỡ…

Hình 1: Tốc độ tăng/giảm cpi 2 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước

Nguồn: Tổng cục Thống kê 2023
Nguồn: Tổng cục Thống kê 2023

Lường trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước, có thể nhận diện một số thách thức trong công tác quản lý, điều hành giá đối với một số mặt hàng trong năm 2024, như sau:

Thứ nhất, giá nhiên liệu (xăng dầu, LPG): Giá xăng dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường. Theo dự báo, thặng dư cung dầu thô thế giới nửa đầu năm 2024 sẽ dịch chuyển sang tình trạng thiếu hụt trong nửa cuối năm 2024. Giá dầu thô Brent dự kiến sẽ ở mức thấp nhất là 81 USD/thùng vào tháng 3/2024, đến tháng 6 dự kiến tăng lên 86 USD/thùng và bình quân 6 tháng cuối năm 2024, giá dầu thô dự kiến trong khoảng từ trên 80 USD/thùng đến dưới 90 USD/thùng. Giá xăng dầu trong nước hiện đã được điều chỉnh rút ngắn kỳ điều hành nên sẽ bám sát biến động giá thế giới.

Thứ hai, giá vật liệu xây dựng: Dự báo, năm 2024, một số loại vật liệu như thép, xi măng khả năng có biến động do ảnh hưởng các yếu tố sản xuất được nhập khẩu từ bên ngoài như xăng, dầu, than cốc... Tuy nhiên, xi măng khó xảy ra tình trạng biến động giá lớn vì trữ lượng sản xuất hiện nay của xi măng đã vượt so với cầu. Đối với các vật liệu khai thác như: Cát và đất đắp là loại vật liệu có khả năng tăng giá khi các dự án lớn ngành Giao thông triển khai đồng bộ và nguồn cung còn hạn chế, do việc phát triển các nguồn vật liệu thay thế cát chưa phổ biến nên khi hoạt động xây dựng có nhu cầu lớn có thể đẩy giá tăng cục bộ.

Thứ ba, giá lương thực: Năm 2024, dự báo thời tiết cực đoan không thuận lợi cho trồng trọt vẫn tiếp diễn trong nửa đầu năm do hiện tượng El Nino kéo dài từ 2023 gây khô hạn ở nhiều nước khiến nguồn cung lương thực bị hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của một số quốc gia dự báo tiếp tục tăng cao (gồm: Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, UAE…), vì vậy xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể tiếp tục thuận lợi khi duy trì chính sách vừa đảm bảo sản xuất, cung ứng lúa gạo trong nước, vừa đảm bảo xuất khẩu, từ đó tác động đến giá gạo.

Thứ tư, giá vật tư nông nghiệp: Giá phân bón dự báo tăng trong quý I/2024 theo xu hướng giá thế giới, vụ Đông Xuân năm 2023 muộn hơn những năm trước, nên nhu cầu phân bón cũng tăng trong những tháng đầu năm 2024, do đó giá phân u rê có thể tăng.

Thứ năm, một số mặt hàng tăng theo quy luật mùa vụ vào thời điểm lễ, Tết: Giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc thường có xu hướng tăng vào thời điểm đầu năm và cuối năm, do nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội tăng cao.

Ngoài các yếu tố trên, việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng, tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét, đánh giá sau khi đã được thực hiện bước đầu trong năm 2023 để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

- Giá dịch vụ giáo dục: Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định, học phí năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên tiếp tục giữ ổn định như mức thu năm học 2021-2022, do đó trong năm 2024 cơ bản không tác động tới Chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Đối với khối giáo dục đại học công lập và giáo dục nghề nghiệp, mức trần học phí được điều chỉnh tăng theo lộ trình từ năm học 2023 - 2024 đến năm học 2026 - 2027 (mức tăng lùi 01 năm so với lộ trình học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP). Cụ thể, năm học 2023 - 2024, mức trần học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên tăng từ mức 980.000 - 1.430.000 đồng/sinh viên/tháng lên 1.200.000 - 2.450.000 đồng/sinh viên/tháng (tăng từ 3 - 71%), trong đó tăng cao nhất là khối ngành Y Dược; mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng từ mức 780.000 - 1.140.000 đồng/sinh viên/tháng lên 1.248.000 - 2.184.000 đồng/sinh viên/tháng (tăng 33 - 99%) tùy nhóm ngành, nghề đào tạo; trong đó, tăng cao nhất là nhóm ngành Kỹ thuật và công nghệ thông tin, sức khỏe. Mặc dù, mức trần học phí điều chỉnh tăng, nhưng mức tác động đến CPI thực tế phụ thuộc vào mức học phí cụ thể, do các cơ sở giáo dục quyết định.

- Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Thuộc nhóm dịch vụ sự nghiệp công thực hiện lộ trình thị trường, năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành các thông tư kết cấu thêm chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, trong năm 2024, theo lộ trình sẽ tiếp tục xem xét, đánh giá việc tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

- Giá một số dịch vụ thuộc nhóm giao thông vận tải được điều chỉnh tăng trong năm 2024: Giá dịch vụ vận chuyển hàng không tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành (theo quy định tại Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2024), khung giá một số dịch vụ tại cảng biển, giá vé của 44 dự án BOT được điều chỉnh tăng từ ngày 29/12/2023.

Một số yếu tố khác như: (i) Thực hiện cải cách tiền lương của khu vực công theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW và tăng lương tối thiểu vùng (6%) kể từ ngày 01/7/2024 có thể là yếu tố tạo kỳ vọng lạm phát gia tăng; (ii) Các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công một mặt giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, mặt khác có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý; (iii) Rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi: những rủi ro về tình hình thiên tai bão lũ có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng thiết yếu tại những địa phương bị ảnh hưởng.

Ngoài các thách thức trên, trong năm nay, công tác quản lý, điều hành giá cả cũng có một số yếu tố tích cực giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá có thể kể tới như:

- Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đây là lợi thế của nước ta, giúp giảm bớt áp lực lạm phát.

- Một số chính sách hỗ trợ về thuế tiếp tục được áp dụng như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng..., góp phần giảm chi phí hình thành giá xăng, dầu và các hàng hóa dịch vụ.

- Lạm phát toàn cầu hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát; các ngân hàng trung ương ngừng tăng lãi suất giúp giảm áp lực về tỷ giá.

- Chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong những năm qua giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.

Tăng cường quản lý, điều hành giá hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát và linh hoạt trong điều hành giá là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động về địa chính trị, xu hướng bảo hộ kinh tế nội địa lan rộng.

Tiếp tục phát huy kết quả trong công tác quản lý, điều hành giá, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý giá nhằm kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá năm 2023 sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất cho công tác quản lý, điều hành giá.

Hai là, theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp. Giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường trong nước để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá, đặc biệt vào các thời điểm có biến động giá như lễ tết, điều chỉnh chính sách tiền lương...

Ba là, điều hành chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bốn là, chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Năm là, theo dõi, rà soát chặt chẽ việc kê khai giá; triển khai tốt công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội, hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nghị quyết số 27/NQ-TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới;
  2. Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo;
  3. Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo;
  4. Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT ngày 30/11/2023 của Bộ Giao thông vận tải Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 3/5/2019 của Bộ Giao thông vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa;
  5. Báo cáo “Tầm nhìn ngắn hạn về thị trường dầu thô toàn cầu” của S&P Global Commodity Insights.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2024