Quản trị nguồn nhân lực xanh: Xu thế tất yếu cho mục tiêu phát triển bền vững

TS. Võ Thị Vân Khánh - Học viện Tài chính

Quản trị nguồn nhân lực là một trong những công việc quan trọng của quản lý tổ chức. Dưới góc độ bền vững, quản trị nguồn nhân lực xanh là yếu tố quan trọng nhất của sự bền vững. Bài viết này khái quát các hoạt động quản trị nguồn nhân lực xanh của các tổ chức, những hạn chế hoặc rào cản trong quản trị nguồn lực xanh, qua đó đề xuất một số sáng kiến tiềm năng cho các tổ chức xanh.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Giới thiệu

Quản trị nguồn nhân lực xanh (NNLX) đề cập đến tất cả các hoạt động liên quan đến phát triển, thực hiện và bảo trì liên tục hệ thống nhằm giúp cho nhân viên của tổ chức trở nên thân thiện với môi trường. Quản trị NNLX đề cập đến các chính sách, thực tiễn và hệ thống làm cho nhân viên của tổ chức trở nên thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường (BVMT) sống.

Cơ sở lý luận của quản trị NNLX là tạo ra, tăng cường và duy trì “sự xanh hóa” trong mỗi nhân viên của tổ chức để tạo nên một DN xanh. Quản trị NNLX có thể định nghĩa là lực kích hoạt nhằm cải thiện tính bền vững cả về kinh tế và môi trường của các nguồn lực kinh doanh bằng cách thay đổi và phát triển các điều kiện môi trường.

Hiểu đơn giản, quản trị NNLX là sử dụng các chính sách quản trị nguồn nhân lực để thúc đẩy việc sử dụng bền vững các nguồn lực trong các tổ chức kinh doanh, thúc đẩy sự bền vững về môi trường. Quản trị NNLX mang lại những thay đổi về kinh tế, nâng cao hiệu quả sinh thái, đồng thời đảm bảo chi phí khai thác tài nguyên thiên nhiên ở phạm vi chấp nhận được trong thực tiễn quản trị nguồn nhân lực. Quản trị NNLX giảm thiểu việc sử dụng giấy tờ và thực hiện các hoạt động như lập kế hoạch, tuyển dụng, lựa chọn, quản lý nhân viên và quan hệ nhân viên. Nó làm cho môi trường xanh ở nơi làm việc. Tất cả các hoạt động liên quan đến quản trị NNLX đều nâng cao giá trị của nhân viên và tổ chức.

Dựa trên tổng quan các nghiên cứu trước, nghiên cứu này tổng hợp lý thuyết cơ bản về quản trị NNLX, ý nghĩa của quản trị NNLX, thách thức trong thực hiện quản trị NNLX, từ đó đề xuất một số giải pháp thực hiện quản trị NNLX trong một tổ chức DN.

Khái niệm quản trị nguồn nhân lực xanh

Quản trị NNLX là sử dụng các chính sách, thực hành và hệ thống trong tổ chức để tạo ra nhân viên xanh vì lợi ích của cá nhân, nhóm, xã hội, môi trường tự nhiên và tổ chức. Các nhà nghiên cứu mô tả quản trị NNLX khác nhau, bằng cách lấy cơ sở của khái niệm xanh khác nhau như: Tiếp thị xanh, kế toán xanh, bán lẻ xanh, việc tuyển dụng, lựa chọn xanh, đào tạo xanh, quản lý hiệu suất xanh, hệ thống trả lương, khen thưởng xanh, quản lý xanh... là các thành phần của quản trị NNLX nhằm nâng cao hành vi hướng tới môi trường xanh của nhân viên, giúp tổ chức hoạt động bền vững (Gerhart và Fang, 2015; Ren và cộng sự, 2017; Masood, 2018).

Ramachandran (2011) định nghĩa, quản trị NNLX là sự tích hợp của quản lý môi trường vào quản trị nhân lực. Prasad (2013) cho rằng, NNLX là sự đóng góp của các chính sách nhân sự để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Mandip (2012) đưa ra khái niệm, quản trị NNLX là việc sử dụng các chính sách quản trị nguồn nhân lực để thúc đẩy việc sử dụng bền vững các nguồn lực trong các tổ chức kinh doanh.

Renwick và cộng sự (2013) định nghĩa, quản trị NNLX là tập hợp các hoạt động lấy con người làm trung tâm hướng tới phát triển và duy trì khả năng của lực lượng lao động, tạo động lực, cơ hội để người lao động đóng góp cho kinh tế và môi trường của một tổ chức hướng tới mục tiêu bền vững tất cả các chức năng và quy mô của một tổ chức. Phương pháp này bao gồm tuyển dụng xanh và lựa chọn, giáo dục, đào tạo xanh, hệ thống khen thưởng, đánh giá và quản lý hiệu suất, sự tham gia, trao quyền cho nhân viên trong các vấn đề môi trường, truyền thông xanh, tinh thần đồng đội xanh.

Nghiên cứu gần đây của Baroudi và cộng sự (2023) tiếp tục nghiên cứu vấn đề quản trị NNLX và hiệu quả làm việc nhóm cụ thể là vai trò của hành vi nhóm xanh.

Các định nghĩa trên không có sự khác biệt hoặc mâu thuẫn đáng kể với nhau mà còn giống nhau về tính bền vững của nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường (BVMT). Vì vậy, có thể thấy, quản trị NNLX là “định hướng môi trường xanh của tất cả các chức năng hoặc hoạt động quản trị nguồn nhân lực của một tổ chức ở tất cả các cấp”. Quản trị NNLX cũng cần xem xét các mục tiêu, chức năng, quy trình, hoạt động và chiến lược theo cách thân thiện với môi trường để đáp ứng nhu cầu bền vững sinh thái.

Mục tiêu của quản trị nguồn nhân lực xanh

Ngày nay, các tổ chức cần quản trị NNLX nhằm hướng tới các mục tiêu (Masood, 2018): BVMT, chống biến đổi khí hậu... để làm cho công việc trở nên có ý nghĩa và nơi làm việc an toàn, lành mạnh. Hướng dẫn, giảng dạy và khuyến khích người lao động cả thực hiện các hoạt động hướng đến BVMT và phát triển các khả năng xanh; Cung cấp các sản phẩm và hoạt động thân thiện với môi trường, quản lý các chương trình môi trường của công ty một cách thành công và vượt qua các thách thức trong việc thực hiện các chương trình môi trường của doanh nghiệp.

Quản trị NNLX có tầm quan trọng hàng đầu trong việc đạt được các mục tiêu khác như (Nguyễn Thị Tú Quyên, 2022): Phát triển lối sống xanh và tạo ra môi trường mới thân thiện, tiết kiệm chi phí do hiệu quả hơn trong việc sử dụng các nguồn năng lượng và nước; Thu nhận và quản lý nhân tài, giúp giữ chân nhân viên và giảm sự luân chuyển lao động, kích thích sự đổi mới của nhân viên, giúp nhân viên đạt được sự hài lòng nhằm nâng cao năng suất; Xây dựng uy tín thương hiệu, tạo các mối quan hệ công chúng tích cực, tăng doanh thu, mang lại lợi thế cạnh tranh cho DN; Tăng cơ hội kinh doanh khi một số chính phủ, DN, tổ chức phi lợi nhuận yêu cầu các DN đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Hiệu suất môi trường sẽ dẫn đến hiệu quả hoạt động và duy trì sự ổn định của DN, nâng cao năng suất cho DN, giúp giảm thiểu các rắc rối về môi trường và tăng hiệu quả tài chính.

Thách thức trong thực hiện quản trị nguồn nhân lực xanh

Có thể kể đến một số thách thức trong việc thực hiện quản trị NNLX nói chung (Masood, 2018) như: Khó thay đổi hiệu suất và hoạt động của nhân viên trong một thời gian ngắn; Để phát triển văn hóa và truyền thống của quản trị NNLX trong toàn bộ tổ chức là một quá trình lâu dài; Tuyển dụng, tìm nguồn cung ứng nhân viên xanh với những tài năng xuất sắc là một công việc đầy thách thức; Nhân viên không có động lực để đóng góp vào việc thúc đẩy các thực hành quản trị NNLX; Rất khó để đo lường hiệu quả của các thực hành nhân sự xanh trong hành vi của nhân viên; Các sáng kiến xanh cần rất nhiều sự hỗ trợ và tâm huyết không chỉ từ ban quản lý của một tổ chức mà còn từ phía các chính phủ; Đòi hỏi đầu tư cao và tỷ lệ hoàn vốn tương đối chậm; Sử dụng vật liệu xanh có thể dẫn đến nguyên liệu thô đắt hơn cho các nhà sản xuất và do đó sản phẩm đắt hơn cho người tiêu dùng; Chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời sẽ cần lắp đặt các tấm pin tại các cơ sở kinh doanh. Việc giảm chi phí tiết kiệm năng lượng đạt được bằng cách chuyển sang màu xanh không phải lúc nào cũng đủ để bù đắp chi phí chuyển đổi ban đầu.

Cùng với đó, việc thực hiện quản trị NNLX trong các DN tại Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế: Phần lớn chưa quan tâm đến việc thực hiện quản trị NNLX; Chưa có một quy trình tuyển dụng nhân lực xanh rõ ràng, đầy đủ; Thiết kế công việc xanh, phỏng vấn trực tuyến để giảm thiểu mọi tác động tới môi trường liên quan đến di chuyển chưa được các DN lựa chọn; Hầu hết các DN, hoạt động đào tạo NNLX chưa được chú trọng, nhất là việc triển khai đào tạo phương pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải, tái chế; Việc sử dụng tiêu chí xanh là tiêu chí đánh giá nhân lực xanh tại các DN hầu như chưa được thực hiện; Đãi ngộ NNLX trong các DN còn ở mức chưa rõ ràng, chưa thực sự đầu tư thích đáng cho các giải pháp môi trường làm việc xanh.

Giải pháp thực hiện quản trị nguồn nhân lực xanh trong doanh nghiệp

Để vượt qua các rào cản trong thực hiện quản trị NNLX, cần thực hiện các giải pháp sau:

Văn phòng không giấy tờ

Nói chung, công việc trong văn phòng được quản lý trên giấy nhưng với sự ra đời của công nghệ thông tin, việc tiêu thụ giấy đã giảm. Đặc biệt, ngày nay, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển khắp các lĩnh vực của kinh tế xã hội cùng với quá trình số hóa DN, việc thực hiện văn phòng không giấy tờ dần được hiện thực hóa. Có thể thấy, kinh doanh điện tử và học tập đã thay đổi các phương pháp và thủ tục tại các văn phòng, biến chúng thành văn phòng không cần giấy tờ.

Văn phòng không giấy tờ là nơi làm việc mà việc sử dụng giấy bị hạn chế hoặc loại bỏ bằng cách chuyển đổi các tài liệu chính thức quan trọng và các giấy tờ khác thành quy trình công việc được cơ giới hóa. Bằng cách giảm sử dụng tài liệu giấy, các nhân viên có thể trực tiếp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ngăn ngừa ô nhiễm và giảm lãng phí nước và năng lượng.

Tiết kiệm năng lượng

Tiết kiệm năng lượng trong văn phòng có tác động lớn đến môi trường. Trong tiết kiệm năng lượng nói chung có hoạt động tiết kiệm điện là hoạt động phổ biến. Trong nỗ lực cung cấp các dịch vụ thân thiện với môi trường và hiệu quả hơn, các văn phòng trên khắp thế giới đã thực hiện một số sáng kiến tiết kiệm năng lượng để giảm tác động đến môi trường.

Nhiều DN, tổ chức đã thực hiện việc yêu cầu nhân viên tắt các thiệt bị điện khi rời khỏi công sở, điều hòa chỉ mở khi thực sự cần thiết, ngay cả những hành động rất nhỏ như đóng các cửa ra vào và cửa sổ khi sử dụng điều hòa. Các tổ chức cũng đang thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi các bóng đèn và đồ đạc được xếp hạng sao năng lượng chắc chắn tiêu thụ năng lượng ít hơn ít nhất 2/3 so với các bóng đèn thông thường, hoặc lắp đặt các tấm pin mặt trời.

In xanh

Giấy in dẫn đến tăng sử dụng giấy, lãng phí mực in và thải khí cacbonic. Một số tổ chức quốc tế hiện đang áp dụng trình tiết kiệm “pre-ton”, một phần mềm có thể giảm 20% nhu cầu giấy và 50% nhu cầu mực in mà không làm giảm chất lượng của hình ảnh đầu ra hoặc bản in.

Công trình xanh

Công trình “xanh” là công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường của chúng ta. Công trình “xanh” bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trên cở sở đó Hội đồng Công trình xanh thế giới (World Green Building Council- viết tắt là WGBC) đã đưa ra một loạt tiêu chí tạo nên ngôi nhà “xanh”: Sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và các tài nguyên khác; Sử dụng năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời; Có giải pháp hạn chế ô nhiễm, phế thải và tái chế, tái sử dụng; Đảm bảo chất lượng không khí của môi trường bên trong công trình; Sử dụng vật liệu không độc hại, có trách nhiệm và bền vững; Tính đến yếu tố môi trường trong thiết kế, thi công và vận hành; Tính đến chất lượng cuộc sống trong thiết kế, thi công và vận hành; Thiết kế đảm bảo phù hợp với biến đổi của môi trường.

Các tổ chức trên thế giới đang lựa chọn công trình xanh làm nơi làm việc và văn phòng để thay thế cho các văn phòng truyền thống. Hiện tượng này đang tạo thành xu hướng khi các công trình xanh đáp ứng một số tiêu chí nhất định để giảm việc khai thác tài nguyên thiên nhiên được sử dụng trong quá trình xây dựng. Hơn nữa, các tòa nhà xanh bao gồm một số tính năng nâng cao liên quan đến các hoạt động xanh như hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo và quản lý nước mưa.

Về phát triển công trình xanh, qua hơn 10 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 200 công trình. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Thực tế đòi hỏi việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh đã và đang là một trong những ưu tiên của ngành xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tiết kiệm nước

Lãng phí nước trong quá trình sản xuất và tưới cỏ của công ty cần được loại bỏ hoàn toàn. Lãng phí nước do rò rỉ trong bồn rửa và nhà vệ sinh phải được theo dõi cẩn thận.

Tái chế và xử lý chất thải

Tái chế là phương pháp xử lý các vật liệu (chất thải) đã sử dụng hết thành các sản phẩm mới và hữu ích. Tái chế làm giảm việc sử dụng các nguyên liệu thô lẽ ra đã được sử dụng để sản xuất các sản phẩm mới. Do đó, kỹ thuật này giúp tiết kiệm năng lượng và giảm lượng rác thải bỏ vào thùng rác, giúp môi trường sạch hơn và không khí trong lành hơn. Là một phần trong các sáng kiến xanh của mình, một số tổ chức đang thực hiện chương trình tái chế để tăng lượng sản phẩm tái chế và giảm lượng chất thải.

Trong quá trình này, nhiều chuyên gia nhân sự đã xác định chắc chắn rằng các sáng kiến xanh là một khía cạnh cần thiết của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp nói chung, giờ đây toàn bộ thế giới doanh nghiệp đang thực hiện ngày càng ráo riết quy tắc 3R: Reduce, Reuse, and Recycle (Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế) để bảo vệ môi trường. Tái chế thủy tinh, giấy, nhựa, rác kim loại và phế liệu sản xuất cũng nên được áp dụng.

Thù lao xanh

Thù lao và phần thưởng là các quy trình quản lý nhân sự chính thông qua đó nhân viên được khen thưởng vì hiệu quả làm việc của họ. Trong môi trường của quản trị NNLX, khởi xướng khen thưởng xanh cho các bộ phận và cá nhân có sáng kiến cải tiến và đóng góp xanh thông qua giảm thiểu chất thải, tài nguyên xanh và năng lượng là một ý tưởng dễ được chấp nhận.

Từ thực trạng nói chung này, các DN Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu nâng cao kết quả sản xuất, kinh doanh, các DN dựa vào quản trị NNLX như: Cần ưu tiên tuyển dụng các ứng viên có kiến thức và kỹ năng về sống xanh; tập trung vào đào tạo kiến thức và kỹ năng xanh hoá cho người lao động, tạo cơ hội để họ áp dụng các kiến thức về bảo vệ môi trường trong công việc; đưa các tiêu chí về tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải, tái chế… vào hệ thống tiêu chí đánh giá sử dụng nhân lực; đồng thời xây dựng chiến lược về môi trường bao trùm mọi hoạt động của DN.

Kết luận

Bộ phận nhân sự luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý nhân viên từ khi vào đến khi ra khỏi DN. Các tổ chức nên đào tạo nhân viên và có tác động phù hợp đến họ để có thể áp dụng quản trị NNLX trong tổc chức. Chắc chắn có những rào cản nhất định trong việc triển khai quản trị NNLX nhưng các tổ chức vẫn nên tập trung vào các phương pháp đổi mới để áp dụng quản trị NNLX và nên học hỏi từ các tổ chức khác về các sáng kiến quản trị NNLX đã được áp dụng thành công.

Mỗi DN nên tập trung vào việc động viên nhân viên của mình để họ cũng có thể đóng góp vào quá trình quản trị NNLX. Nói cách khác, quản trị NNLX có thể phát triển sự sẵn sàng, cảm hứng và cam kết của nhân viên để đóng góp công sức, ý tưởng của họ vào việc xanh hóa tổ chức. Do đó, quản trị NNLX nên tạo ra nhận thức về xanh trong nhân tài mới thu hút và nhân viên hiện tại đang làm việc cho một tổ chức, khuyến khích nhân viên của họ giúp tổ chức giảm thiểu các nguyên nhân gây suy thoái môi trường thông qua phong trào xanh, các chương trình và thực hành xanh, giữ lại các nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Thị Tú Quyên (2022). “Mô hình nghiên cứu tác động của quản trị nhân lực xanh tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam”. Tạp chí Công thương. Số 8. Tháng 4/2022;
  2. Thời báo Kinh tế Việt Nam - VnEconomy (2022), https://vneconomy.vn/viet-nam-moi-chi-co-200-cong-trinh-xanh.htm;
  3. Baroudi, S. E.; Cai, W.; Khapova, S. N. & Jiang, Y. (2023). “Green human resource management and team performance in hotels: The role of green team behaviors”, International Journal of Hospitality Management, Vol. 110, 103436, https://doi.org/10.1016/j.ijhm.2023.103436;
  4. Gerhart, B.; Fang, M. (2015), Pay, Intrinsic Motivation, Extrinsic Motivation, Performance, and Creativity in the Workplace: Revisiting Long-Held Beliefs, Annual Review of Organizational Psychology and Organizational Behavior, 2(1), 489–521;
  5. Mandip (2012). “Green HRM: People Management Commitment to Environmental Sustainability”. Research Journal of Recent Sciences, 1, 244-252;
  6. Masood, R. Z. (2018). “Green HRM: A Need for 21st Century”. Journal of Emerging Technologies and Innovative Research. Vol. 5, Iss. 6, pp. 356-359;
  7. Prasad (2013). “Green HRM-partner in sustainable competitive growth”. Journal of Management Sciences and Technology, 8(IV), 31-34;
  8. Ramachandran (2011). “Strategic corporate social responsibility: A Dynamic Capabilities perspective”. Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 18(5), 285-293. https://doi.org/10.1002/csr.251;
  9. Ren, S., Tang, G., E. Jackson, S. (2017), “Green human resource management research in emergence: A review and future directions”, Asia Pacific Journal of Management, 35(3), 769–803;
  10. Renwick, D.W.S.; Redman, T.; Maguire, S. (2013). “Green human resource management: a review and research agenda”. Int J Manag Rev 15:1–14.