Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2015

Theo gso.gov.vn

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I năm nay theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 171 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 131 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8%; lâm nghiệp đạt 6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3%; thủy sản đạt 34 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6%.

Nông nghiệp

Tính đến ngày 15/3, cả nước đã gieo cấy được 3057 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1111,8  nghìn ha, bằng 99,9%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1945,2 nghìn ha, bằng 99,8%, riêng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1562,3 nghìn ha, xấp xỉ cùng kỳ năm 2014. Hiện nay các địa phương phía Bắc đã cơ bản cấy xong, lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tại phía Nam, một số địa phương chuyển đổi một phần diện tích lúa sang trồng cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn nên diện tích gieo trồng giảm: Đồng Tháp giảm 2,6 nghìn ha; Tiền Giang giảm 2,3 nghìn ha; Long An giảm 1,6 nghìn ha. Cũng do thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ nên một số địa phương có diện tích lúa đông xuân tăng: Hậu Giang tăng 2,5 nghìn ha; Trà Vinh tăng 2,4 nghìn ha; Kiên Giang tăng 1,5 nghìn ha.

Tính đến trung tuần tháng Ba, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 870,7 nghìn ha lúa đông xuân, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 848,7 nghìn ha, chiếm 45% diện tích xuống giống và tăng 20,9% (Long An 93 nghìn ha, tăng 33%; Đồng Tháp 136,3 nghìn ha, tăng 52%; An Giang 58,6 nghìn ha, tăng 45%; Hậu Giang 44,4 nghìn ha, tăng 66%). Ước tính sơ bộ, năng suất lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 71 tạ/ha, giảm  0,7 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước, sản lượng đạt 11 triệu tấn, giảm 100 nghìn tấn. Một số tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ đang trong tình trạng nắng nóng kéo dài, thiếu nguồn nước tưới gây ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch.

Các địa phương đang tích cực đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại rau, màu. Tính đến giữa tháng Ba, cả nước đã gieo trồng được 356,5 nghìn ha ngô, bằng 101,9% cùng kỳ năm trước; 73,8 nghìn ha khoai lang, bằng 93,5%; 127,3 nghìn ha lạc, bằng 100,5%; 44,2 nghìn ha đỗ tương, bằng 81,6%; 499 nghìn ha rau đậu, bằng 102,6%.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong 3 tháng đầu năm chủ yếu tập trung đầu tư bảo đảm tiêu dùng trong dịp tết Nguyên Đán 2015. Theo báo cáo sơ bộ, ước tính đàn bò 3 tháng tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn tăng 2%; đàn gia cầm tăng 3% - 3,5 %; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tăng 1% - 1,5%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng 2% - 2,5%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 4% - 4,5%; sản lượng thịt gia cầm tăng 5,5% - 6%.

Tính đến ngày 24/3/2015, dịch lợn tai xanh đã được khống chế; dịch bệnh khác chưa qua 21 ngày còn ở các địa phương: Dịch lở mồm long móng ở Lào Cai; dịch cúm gia cầm ở Vĩnh Long và Thanh Hóa.

Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp những tháng đầu năm có nhiều thuận lợi về thời tiết và thị trường tiêu thụ lâm sản. Tổng diện tích rừng trồng tập trung 3 tháng ước tính đạt 12,8 nghìn ha, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có diện tích rừng trồng nhiều: Nghệ An 4493 ha; Yên Bái 2203 ha; Quảng Ngãi 2147 ha; Quảng Nam 2100 ha. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 64,8 triệu cây, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2014; sản lượng gỗ khai thác đạt 1502 nghìn m3, tăng 8,1%. Một số tỉnh có sản lượng gỗ khai thác lớn và tăng khá: Quảng Ngãi 164,2 nghìn m3, tăng 33,6%; Bình Định 103,5 nghìn m3, tăng 11,9%; Nghệ An 57,5 nghìn m3, tăng 10%. Sản lượng củi khai thác đạt 7,6 triệu ste, tăng 0,3%.

Thời tiết đang vào mùa khô hạn nên nhiều vùng có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Theo thông tin cảnh báo cháy rừng từ cơ quan chức năng, trên địa bàn cả nước có 21 tỉnh có khu vực nguy cơ cháy rừng cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm và 9 tỉnh có nguy cơ cháy rừng cấp IV - cấp nguy hiểm. Tuy nhiên, nhờ công tác phòng, chống cháy rừng được thực hiện tốt tại các địa phương nên tính đến trung tuần tháng Ba, diện tích rừng bị thiệt hại trên địa bàn cả nước ước tính 159 ha, giảm 73,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích rừng bị cháy là 74 ha, giảm 85,5%; diện tích rừng bị phá là 85 ha, giảm 7,3%.

Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản 3 tháng đầu năm ước tính đạt 1223,1 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 893,7 nghìn tấn, tăng 2,6%; tôm đạt 124,5 nghìn tấn, tăng 5,3%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 3 tháng ước tính đạt 511,6 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó cá đạt 352,7 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 92,8 nghìn tấn, tăng 6,1%. Nuôi trồng cá tra có sự chuyển dịch khá rõ nét từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn tập trung, đảm bảo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, nhằm đáp ứng các điều kiện khắt khe của thị trường nhập khẩu. Sản lượng cá tra tại các địa phương với chủ yếu là các hộ nuôi nhỏ, phân tán giảm mạnh: Trà Vinh giảm 64%; Vĩnh Long giảm 36%; Tiền Giang giảm 34%. Trong khi đó, những địa phương có quy hoạch vùng nuôi lớn với mô hình doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với người dân từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ đều tăng: Bến Tre tăng 11,1%; Cần Thơ tăng 5,1%; An Giang tăng 2,1%...

Nuôi tôm tại các địa phương tiếp tục phát triển khá và có sự chuyển dịch nhẹ từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng. Diện tích tôm thẻ chân trắng trong kỳ tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2014; sản lượng tăng 8,5%. Một số địa phương có sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng cao: Thành phố Hồ Chí Minh đạt 3 nghìn tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2014; Bạc Liêu 2 nghìn tấn, tăng 37%; Trà Vinh 1,5 nghìn tấn, tăng 50%. Tuy nhiên, thời gian gần đây tôm sú được giá nên người dân một số địa phương có xu hướng thả nuôi trở lại. Diện tích tôm sú trong kỳ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2014; sản lượng tăng 6,3%. Một số tỉnh có sản lượng tôm sú tăng cao: Cà Mau đạt 29,9 nghìn tấn, tăng 7%; Bạc Liêu đạt 7 nghìn tấn, tăng 11%.

Sản lượng thủy sản khai thác 3 tháng đầu năm ước tính đạt 711,5 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 541 nghìn tấn, tăng 3,2%; tôm đạt 31,7 nghìn tấn, tăng 3,3%. Khai thác thủy sản biển 3 tháng đạt 673,4 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2014. Sản lượng thuỷ sản khai thác trong kỳ đạt khá chủ yếu do thời tiết tương đối thuận lợi cho việc ra khơi đánh bắt. Một số địa phương có sản lượng thủy sản khai thác biển đạt khá trong kỳ: Bà Rịa-Vùng Tàu 75,7 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; Cà Mau 52 nghìn tấn, tăng 22%; Bến Tre 36 nghìn tấn, tăng 19%. Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương trong 3 tháng đạt 7 nghìn tấn, giảm 0,9 %, trong đó Quảng Ngãi đạt 1,7 nghìn tấn, giảm 17%; Bình Định 2,2 nghìn tấn, tăng 5,1%, Phú Yên 2,6 nghìn tấn, tăng 6%.