Siết chặt quản lý thuế, chống thất thu với các khoản thu về đất và bất động sản

Việt Dũng (Thực hiện)

Thời gian gần đây, vấn đề được dư luận quan tâm là "lỗ hổng" trong quản lý hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) đang làm thất thu không nhỏ tiền thuế, gây nên sự thiếu minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Tạp chí Tài chính đã có cuộc trao đổi với bà Lý Thị Hoài Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Trong bối cảnh giá nhà đất ngày càng tăng, nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề cần có những công cụ điều tiết thị trường, trong đó giải pháp tăng cường kiểm soát đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS được xem là giải pháp ưu tiên. Bà đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý nguồn thu từ hoạt động chuyển nhượng BĐS? 

Bà Lý Thị Hoài Hương.
Bà Lý Thị Hoài Hương.

Bà Lý Thị Hoài Hương: Trong thời gian vừa qua, công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS đã được ngành Thuế quan tâm, chú trọng. Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo toàn Ngành về việc tăng cường công tác quản lý, chống thất thu với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.

Theo đó, cơ quan thuế các cấp đã hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật; đồng thời, cơ quan thuế tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành địa phương trong quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS, đặc biệt siết chặt việc xử lý hình sự đối với hành vi trốn thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí như Thời báo Tài chính Việt Nam, Tạp chí Tài chính... đăng tải các bài báo tuyên truyền về chống thất thu thuế từ chuyển nhượng BĐS. Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống thất thu thuế từ chuyển nhượng BĐS trên chuyên mục Thuế và đời sống, Tài chính - kinh doanh...

Để đồng bộ triển khai các giải pháp chống thất thu thuế từ BĐS một cách toàn diện, Tổng cục Thuế đã xây dựng Đề án: “Tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với các khoản thu về đất và BĐS" và đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Phóng viên: Theo bà, đâu là giải pháp giải quyết tình trạng trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS hiện nay?

Bà Lý Thị Hoài Hương: Để giải quyết tình trạng trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và cần thiết có sự quan tâm chỉ đạo từ phía UBND địa phương cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để đạt được hiệu quả cao.

Hiện nay, một số giải pháp đang được ngành Thuế đẩy mạnh triển khai. Cụ thể, cơ quan Thuế đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về thuế liên quan đến căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp và lệ phí trước bạ; nghiên cứu bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS tại Điều 16 Luật Kinh doanh BĐS số 66/2014/QH13 ngày 25/11/2014; bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế.

Trong công tác quản lý thuế, cơ quan Thuế các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là nội dung quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế trong pháp luật hình sự và chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS để người dân, doanh nghiệp được biết, thực hiện qua các hình thức như: Phát “Thư ngỏ” tại Văn phòng đăng ký đất đai, các Văn phòng công chứng, các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Bộ phận “Một cửa” của UBND các quận, huyện, thị xã và tại các Chi cục Thuế; đăng tải các bài báo trên website của Cục Thuế, phóng sự tuyên truyền, thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh (VOV giao thông…) và các kênh thông tin xã hội (Facebook, Zalo...)… 

Đồng thời, xây dựng chuyên đề thanh tra - kiểm tra đối tượng và kiểm tra công vụ trong lĩnh vực công chứng và công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS tại các chi cục Thuế.

Thực hiện đối chiếu các hồ sơ khai thuế để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của các thông tin người nộp thuế cung cấp, xác định các trường hợp khai thiếu doanh thu, khai sai giá bán hoặc giá bán không phù hợp, trên cơ sở đó xác định trường hợp rủi ro cao về thuế để yêu cầu người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Hàng năm xây dựng kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra phát hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS, thực hiện ấn định thuế, truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của pháp luật.

Cơ quan Thuế cũng chủ động phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Đề xuất UBND tỉnh xây dựng Đề án chống thất thu đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS. Theo đó, chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, thành phố xây dựng Bảng giá đất sát với giá đất phổ biến trên thị trường.

Phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo các Tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn: tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai đúng thực tế giá mua bán trong các giao dịch chuyển nhượng BĐS; đồng thời, thu thập thông tin, rà soát cơ sở dữ liệu để xác định doanh thu, đôn đốc kê khai, nộp thuế theo quy định.

Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu cơ quan thuế phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải xử lý theo thẩm quyền; những hành vi vi phạm không thuộc phạm vi, chức năng, thẩm quyền xử lý của mình, cơ quan thuế củng cố, hoàn thiện hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, không kê khai, hoặc kê khai giá trên hợp đồng, hóa đơn thấp hơn giá thực tế chuyển để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực hiện phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành. Cơ quan chủ trì phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; các cơ quan, đơn vị tham gia có sự thống nhất ý kiến trong quá trình thanh tra, kiểm tra và xử lý kết quả vụ việc.

Phóng viên: Tổng cục Thuế đã xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh BĐS” và vừa được Bộ Tài chính phê duyệt. Bà có thể giới thiệu đôi điều về nội dung Đề án?

Bà Lý Thị Hoài Hương: Ngày 14/3/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 292/QĐ-BTC về việc phê duyệt, tổ chức thực hiện các giải pháp liên quan đến công tác quản lý thuế tại Đề án Tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với các khoản thu về đất và BĐS.

Căn cứ vào thực trạng công tác quản lý thuế đối với hoạt động các khoản thu từ đất và BĐS tại Việt Nam và từ các kinh nghiệm quốc tế, Đề án xây dựng một số giải pháp tăng cường công tác quản lý thuế và chống thất thu đối với các khoản thu từ đất và BĐS tại Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, Đề án đã xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; phối hợp các Bộ, ngành, doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý trong ngành Thuế như: xây dựng cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; tăng cường biện pháp thanh tra, kiểm tra đối với các khoản thu về đất và BĐS... Cùng với các giải pháp nêu trên, Đề án đưa ra một số kiến nghị như sau:

Một là, trao thẩm quyền điều tra, khởi tố về thuế cho Cơ quan thuế; Chỉ đạo các Bộ, ban ngành rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thuế và pháp luật quản lý các khoản thu từ đất.

Hai là, ký kết quy chế phối hợp giữa Bộ Tài chính và các Bộ ban ngành có liên quan về quản lý đối với các khoản thu về đất; Chỉ đạo tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thuế.

Ba là, kiến nghị với UBND các cấp tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan trong công tác quản lý các khoản thu từ đất; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Chi cục thuế trong công tác quản lý thu ngân sách và chống thất thu thuế…

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!