Chủ tịch IPPG - Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Người con xa xứ của quê hương Khánh Hòa

Theo www.ippgroup.vn

“Được đi và sinh sống nhiều nơi trên khắp thế giới, tôi mới thấm thía một điều, không ở đâu bằng ở quê hương, tổ quốc mình. Dù ở đâu, làm gì thì tôi cũng luôn mong muốn cùng đóng góp xây dựng quê hương mình giàu đẹp hơn”, đó là tâm sự của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương khi nói về những tâm huyết mà ông dành cho quê hương.

“Ông Vua hàng hiệu”

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, xuất thân là một người làm trong lĩnh vực hàng không, ông từng đảm nhận vai trò thanh tra tài chính của hãng Boeing, Mỹ. Những năm đầu thập niên 1980, ông làm việc cho hãng hàng không Philippines Airline và ông là người đã có nhiều nỗ lực trong việc đàm phán để mở tuyến bay chính thức giữa Việt Nam với Philippines vào năm 1985. Ngày 09/09/1985, ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong những Việt kiều đầu tiên về nước đầu tư và thành lập Công ty Liên Thái Bình Dương-Imexpan Pacific (IPP) và hiện ông là Chủ tịch tập đoàn IPP. 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào hơn 30 dự án thuộc nhiều lĩnh vực: khách sạn, nhà máy sản xuất, kinh doanh miễn thuế, mỹ phẩm thời trang, thức ăn nhanh, dịch vụ quảng cáo và đầu tư & quản lý sân bay... 

Chủ tịch IPPG - Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Người con xa xứ của quê hương Khánh Hòa - Ảnh 1

Ông đã hợp tác với các đối tác như: DFS, SASCO, AUTOGRILL để đầu tư mở hàng loạt chuỗi cửa hàng miễn thuế, chuỗi cửa hàng lưu niệm, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh và nhiều dịch vụ phi hàng không trên khắp các sân bay Việt Nam, Philippines... IPPG còn là nhà phân phối chính thức và độc quyền của nhiều thương hiệu đẳng cấp thế giới trong các lĩnh vực: thời trang cao cấp và trung cấp, nước hoa và mỹ phẩm, trang sức và đồng hồ, rượu, thuốc lá, dịch vụ ẩm thực – nhà hàng cao cấp...Các hoạt động này đang mang lại doanh số hơn 600 triệu USD/năm và tạo công ăn việc làm cho hơn 22.000 lao động ở Việt Nam. 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là người đứng sau những thương vụ đầu tư đình đám như: Tràng Tiền Plaza (Hà Nội), Khách sạn Rex (TP. Hồ Chí Minh)... Riêng tại Tràng Tiền Plaza ông đã đầu tư hơn 45 triệu USD để cải tạo, xây dựng hơn 17.000m2 với hơn 110 thương hiệu đẳng cấp thế giới và Việt Nam như: Bvlgari, Chanel, Christian Dior, Cartier, Zegna, Lancôme, Louis Vuitton, Salvatore Ferragamo, Rolex…Dự án này từng được UBND TP. Hà Nội đánh giá là một điểm son mua sắm, giải trí cho du khách và người dân Hà Nội mà chỉ có ông Jonathan Hạnh Nguyễn mới làm được.

Nắm trong tay nhiều trung tâm thương mại cao cấp, là nhà phân phối độc quyền hơn 92 hương hiệu thời trang, đồng hồ nữ trang, đồ da cao cấp hàng đầu thế giới cùng hệ thống 600 cửa hàng bán lẻ, hệ thống phân phối...vì vậy ông được báo chí và giới kinh doanh ưu ái gọi là “vua hàng hiệu”. 

Những món quà quý dành cho quê hương

Sinh năm 1951 tại Nha Trang, năm 23 tuổi ông Johnathan Hạnh Nguyễn sang định cư tại Philippines rồi đi du học Mỹ và sau đó công tác trong lĩnh vực hàng không. Dù xa quê hương, làm việc trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới như hãng Boeing, Philippines Airlines nhưng tấm lòng ông luôn hướng về đất nước. Ông từng chia sẻ: “Được đi nhiều nơi trên khắp thế giới, tôi mới thấm thía một điều, không ở đâu bằng ở quê hương, tổ quốc mình. Dù sống ở đâu, làm gì thì tôi cũng luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn, mong muốn cùng đóng góp xây dựng quê hương mình giàu đẹp hơn”.

Với tâm tình đó, ngay sau khi đặt chân về nước vào năm 1985, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã bắt tay đầu tư vào quê hương Khánh Hòa. Dự án đầu tiên mà ông thực hiện là Khách sạn Loge Nha Trang với quy mô 14 tầng, tiêu chuẩn 3 sao, vốn đầu tư gần 10 triệu USD. Vào thời điểm đó đây là dự án khách sạn cao nhất miền Trung và là điểm nhấn của Nha Trang. Số tiền gần 10 triệu USD cũng là một số tiền rất lớn. Song song đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiếp tục bỏ ra hàng chục triệu USD đầu tư nhà máy sản xuất song mây, nhà máy sản xuất dây khóa kéo xuất khẩu Nha Trang. Cho đến nay, các dự án này đang hoạt động rất tốt, giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Những năm sau đó, nhận thấy cơ hội phát triển ở các địa phương khác nên ông chuyển hướng đầu tư và đặt văn phòng chính tại TP. Hồ Chí Minh. Cho đến gần đây, khi nhà nước có chủ trương xã hội hóa hàng không, kêu gọi đầu tư vào Sân bay quốc tế Cam Ranh thì cái tên Johnathan Hạnh Nguyễn ở quê hương Khánh Hòa lại “nóng” lên.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn từng có 10 năm kinh nghiệm trực tiếp làm trong ngành hàng không, hơn 20 năm kinh nghiệm kinh doanh dịch vụ hàng không, niềm đam mê hàng không đã ăn sâu vào máu nên khi nghe đến chủ trương xã hội hóa hàng không của nhà nước ông rất hào hứng. Hạnh phúc hơn khi cơ hội thực hiện dự án lại nằm ngay trên chính mảnh đất quê hương giàu tiềm năng và là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. 

Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh

Với kinh nghiệm, năng lực của mình, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã cùng với năm đối tác khác được Bộ Giao thông Vận tải, Cục hàng không, Tổng công ty hàng không Việt Nam tin tưởng giao thực hiện dự án Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Dự án được chia thành 2 giai đoạn với mục tiêu đón 8 triệu lượt khách vào năm 2025. Giai đoạn 1 đã được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, xây dựng khoảng 50.500 m2 sàn và 10 cửa ra máy bay (4 cổng tiếp xúc và 6 cổng ra bãi đỗ).

Dự án Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã có tiến độ xây dựng cực nhanh, thể hiện tâm huyết và năng lực vận hành hết sức chuyên nghiệp của toàn thể ban lãnh đạo Công ty cổ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) mà ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Chủ tịch hội đồng quản trị và là đầu tàu của dự án. Với quyết tâm hoàn thành dự án trong vòng 18 tháng kể từ ngày khởi công, và khi nhìn thấy nhật ký công trường cũng như thực tế xây dựng của dự án đã khiến nhiều người thốt lên: Chưa thấy ai làm bài bản, nghiêm chỉnh, quyết liệt như ông Johnathan Hạnh Nguyễn! Và dự án này chính thức đi vào hoạt động vào ngày 30.06.2018 trong sự thán phục của giới chuyên môn. 

“Dự án này, chúng tôi đã thuê các tư vấn chuyên nghiệp ngước ngoài với mong muốn phải đạt 3 yếu tố: chất lượng phải ở mức cao nhất, giá thành phù hợp nhất và tiến độ nhanh nhất, để kịp đưa vào khai trương vào quý 1/2018. Tôi muốn Nhà ga hành khách quốc tế - Sân bay quốc tế Cam Ranh mới phải là điểm nhấn của ngành hàng không Việt Nam và mang tầm quốc tế. Đây là món quà mà tôi muốn dành cho Khánh Hòa với mong muốn tạo cú hích lớn cho kinh tế - xã hội của quê hương”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết. 

Mong muốn xây dựng Nha Trang thành thiên đường mua sắm

Đi du lịch kết hợp với shopping hàng hiệu, săn hàng hiệu giá “mềm” luôn là niềm khao khát của bất cứ du khách nào, đặc biệt là những tín đồ mua sắm trên thế giới. Nói đến du lịch shopping không thể thiếu cửa hàng miễn thuế (Duty Free Shop), trung tâm thương mại (Shopping Mall). Ở nhiều nước trên thế giới việc xây dựng các cửa hàng miễn thuế, trung tâm thương mại tại các sân bay và trong nội đô rất được quan tâm và tạo được sức hút rất lớn đối với du khách. Ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...doanh thu từ kinh doanh cửa hàng miễn thuế đạt hàng chục tỷ đô la mỗi năm. 

Nhiều năm kinh doanh cửa hàng miễn thuế tại các sân bay, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, cửa hàng miễn thuế là đặc trưng của ngành du lịch. “Vai trò của cửa hàng miễn thuế trong phát triển du lịch là rất lớn. Nếu không có cửa hàng miễn thuế thì sẽ rất khó thu hút được du khách, đặc biệt du khách có sở thích du lịch kết hợp mua sắm. Khi đó du khách sẽ lựa chọn những quốc gia, những điểm đến có cửa hàng miễn thuế để thỏa thích mua sắm. Ví dụ, đi Hồng Kông, Singapore vừa kết hợp du lịch vừa mua được hàng hiệu giá rẻ thì dĩ nhiên sẽ hấp dẫn hơn là qua Việt Nam đi ngắm cảnh mà về tay không”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ. 

Việt Nam nói chung và Nha Trang nói riêng có lợi thế về du lịch, hàng năm thu hút một lượng du khách rất lớn nhưng việc xây dựng thương hiệu du lịch shopping chưa được đầu tư nhiều. Hiện nay, du khách đến Nha Trang ngoài tắm biển, nghỉ dưỡng chưa có nhiều điểm tham quan mua sắm, hầu hết các mặt hàng đơn thuần là đặc sản địa phương với giá trị kinh tế không cao. Theo ông Johathan Hạnh Nguyễn việc bán sản phẩm địa phương là rất tốt và cần thiết song cũng cần có những kênh bán hàng cao cấp, tạo nên sự đa dạng trong sản phẩm du lịch, mang đến cho du khách thêm nhiều lựa chọn hơn. 

Vì vậy, khi xây dựng dự án Nhà ga hành khách quốc tế -Sân bay quốc tế Cam Ranh, các nhà đầu tư đã quy hoạch nhiều cửa hàng miễn thuế quy mô lớn để phục vụ du khách tại khu vực sân bay. Tuy nhiên điều mà ông thực sự quan tâm hơn hiện nay là làm sao để có thể đầu tư một trung tâm thương mại, cửa hàng miễn thuế ngay tại trung tâm thành phố để phục vụ du khách. “Người Việt Nam mình đi du lịch chi tiêu hạn chế, còn khách nước ngoài người ta có thể sẵn sàng cà thẻ những món hàng trị giá 50 ngàn USD, thậm chí 100 ngàn USD. Phải làm sao để du khách khi đến Nha Trang vẫn có thể tắm biển, nghỉ dưỡng nhưng có thêm cơ hội mua sắm, không chỉ là đặc sản địa phương mà cả những món hàng xa xỉ, hàng hiệu”.

“Nếu được tỉnh Khánh Hòa tạo điều kiện tôi sẽ đưa các thương hiệu hàng đầu thế giới đến Nha Trang và biến nơi đây trở thành thiên đường mua sắm. Đây là tâm huyết của tôi và tôi mong rằng lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa sẽ sớm có được sự nhất trí cao và tạo điều kiện cho tôi làm nhanh các dự án này. Vì lượng du khách đến với Nha Trang mỗi năm càng tăng, nếu làm trễ sẽ rất lãng phí và mất cơ hội”, ông Johnathan Hanh Nguyễn nói thêm.

Nếu tỉnh Khánh Hòa thực sự quan tâm đến phát triển du lịch shopping, muốn xây dựng Nha Trang trở thành thiên đường mua sắm hàng hiệu thì hiện nay có lẽ không có công ty kinh doanh bán lẻ nào sáng giá hơn Công ty IPP của ông Johnathan Hạnh Nguyễn - là người có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh cửa hàng miễn thuế - trung tâm thương mại, sở hữu trong tay gần 100 thương hiệu nổi tiếng thế giới. Đây là điều mà các nhà đầu tư khác, dù có tiền cũng khó có thể làm được.

Nói về chiến lược trong thời gian tới, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, trong những năm tới ông sẽ tiếp tục đầu tư vào một số dự án tại quê hương Khánh Hòa. Đối với chiến lược đầu tư vào các sân bay, dự án Nhà ga hành khách quốc tế - Sân bay quốc tế Cam Ranh đang có tiến độ, chất lượng thực hiện rất tốt, được Chính phủ và địa phương đánh giá rất cao, sẽ là nền tảng và là sự khích lệ rất lớn để ông có thể tiếp tục đầu tư các dự án tiếp theo khi có cơ hội.