Công ty Cổ phần đường Kon Tum: Đề cao lợi ích người trồng mía

Văn Nhiên

(Tài chính) Hiện nay, người dân trong tỉnh đang rộn ràng sắp bước vào thu hoạch mía. Trước yêu cầu đặt ra, Công ty Cổ phần đường Kon Tum đang tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người trồng mía trong vụ ép…

Theo Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường Kon Tum Lưu Minh Trinh, vụ chế biến đường năm nay, Công ty đầu tư thu mua 2.100 ha mía, tăng gần 500 ha so với niên vụ trước. Với năng suất mía cây dự kiến bình quân đạt khoảng 65 tấn/ha, sản lượng dự thu khoảng 140 nghìn tấn mía. Tuy nhiên, với sản lượng trên, vẫn chưa đáp ứng công suất chế biến của nhà máy. Do vậy, Công ty dự kiến thu mua thêm mía ngoài tỉnh từ 4-5 nghìn tấn, nâng sản lượng thu mua mía phục vụ cho vụ ép lên khoảng 180-190 nghìn tấn.

Để tạo điều kiện cho người trồng mía, Công ty đang triển khai phương án thu mua một cách thuận lợi nhất cho người dân. Theo phương án đã được thỏa thuận với người trồng mía, Công ty sẽ thu mua, chế biến mía đồi trước, mía ô nà sau. Trong đó, mía “chín” trước, đường giao thông thuận tiện; Mía hết chu kỳ, phá gốc trồng lại thì được ưu tiên thu hoạch trước. Việc thu mua mía vùng nào, đốn chặt mía dứt điểm vùng đó (không thu hoạch theo kiểu da báo). Để việc thu hoạch thuận lợi, Công ty đã vận động các hộ trồng mía thành lập các nhóm hộ đốn chặt mía. Mỗi nhóm hộ có diện tích từ 25-35 ha. Trước khi đốn chặt, các nhóm hộ tự thỏa thuận hộ nào chặt trước, chặt sau theo những quy định đã được thống nhất. Mỗi nhóm hộ được Công ty phân 1 xe ô tô tải để vận chuyển mía. Sản lượng mía đốn chặt hàng ngày vừa đủ cho xe vận chuyển, không để tình trạng ứ thừa mía làm giảm sản lượng và chất lượng mía, gây thiệt hại cho hộ trồng mía và Công ty.
 
Mặc dù trong thời gian qua, giá đường liên tục giảm từ 18 nghìn đồng/kg xuống còn 14,5 nghìn đồng/kg, nhưng Công ty vẫn dự kiến giá thu mua mía năm nay tối thiểu 900 đồng/kg mía tại ruộng. Quy định là vậy, song tùy theo diễn biến giá đường trên thị trường theo từng thời điểm, nếu giá đường tăng thì Công ty sẽ tăng giá thu mua mía tương ứng. Với cơ chế và giá thu mua trên, qua tìm hiểu ở hộ trồng mía, Công ty cho biết bà con đều đồng thuận và hưởng ứng. Bởi cơ chế, chính sách của Công ty luôn tạo điều kiện cho người trồng mía và gắn chặt với người trồng mía như: Đầu tư 30 triệu đồng/ha mía mới cho người trồng không tính lãi, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng sang trồng mía 5 triệu đồng/ha, hỗ trợ 30 % chi phí giống mía trồng mới và thuốc chống sùng…Tổng số tiền, Công ty đã hỗ trợ cho người trồng mía trong năm qua trên 6 tỷ đồng.
 
Cũng theo ông Trinh, vẫn biết việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng mía, Công ty sẽ đứng trước nhiều khó khăn như vào thời điểm này, phần lớn các công ty đường đều bắt đầu vào vụ sản xuất, lượng đường tồn kho còn nhiều, lại thêm lượng đường nhập lậu vào Việt Nam qua các cửa khẩu không nhỏ… đang ảnh hưởng lớn đến giá đường trong nước và của đơn vị. Tuy nhiên, vì lợi ích của người trồng mía và chiến lược phát triển mía đường, Công ty cổ phần Đường Kon Tum không vì thế mà thiếu trách nhiệm với người trồng mía.