Dũng khí đầu tư

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Thành công của đoàn thể thao xứ sở sương mù tại Thế vận hội London 2012 có phần đóng góp lớn từ ngành xổ số quốc gia.

Dũng khí đầu tư

Tại Thế vận hội (Olympic) London 2012, đoàn thể thao chủ nhà đã lập kỳ tích đoạt tới 29 huy chương vàng và xếp thứ 3 trên bảng tổng sắp. Đây là một bước đại nhảy vọt về thành tích trên đấu trường quốc tế nếu so sánh với kỳ Olympic Atlanta 1996 khi Anh chỉ có một huy chương vàng cùng thứ hạng 36 toàn đoàn.

Trông người...

Tuần qua, báo mạng The Telegraph (Anh) đã công bố một thông tin khá bất ngờ. Hơn 18% ngân sách đào tạo dài hạn hàng năm dành cho các vận động viên nước này thi tài tại Olympic và Thế vận hội người khuyết tật (Paralympic) được đóng góp từ ngành xổ số.

Năm 1994, chiến lược đầu tư này được Chính phủ của Thủ tướng John Major phát động nhằm đưa xứ sở sương mù lọt vào nhóm các cường quốc thể thao thế giới trong vòng hai thập niên. Tại Olympic London 2012, mục tiêu này đã trở thành hiện thực sau khi ngành thể thao Anh được tài trợ hơn 7 tỉ USD trong 18 năm qua từ lợi nhuận vé số.

“Nguồn kinh phí này đã tạo nên sự khác biệt vô cùng lớn. Chúng tôi không phải lo sinh kế gì cả và chỉ tập trung cho luyện tập”, Beth Tweddle, nữ vận động viên thể dục dụng cụ Anh vừa đoạt huy chương đồng tại Olympic London 2012, cho biết.

Tài trợ từ ngành xổ số được Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh phân bổ cho “Chương trình huấn luyện thể thao đẳng cấp thế giới”. Theo đó, chương trình huấn luyện của từng môn thể thao được một vị giám đốc quản lý. Người này chịu trách nhiệm lập ra các tiêu chuẩn đào tạo cao nhất hằng năm gồm chọn lọc huấn luyện viên đẳng cấp thế giới, chế độ dinh dưỡng và y tế tốt nhất, lịch thi đấu quốc tế, trang thiết bị, địa điểm và giáo án đào tạo phù hợp cho từng vận động viên.

Các tên tuổi thể thao Anh từng được tài trợ từ nguồn kinh phí này và đã đạt thành tích cao gồm Sascha Kindred (6 huy chương vàng bơi lội tại Paralympic Sydney 2000), Bradley Wiggins (3 huy chương vàng đua xe đạp lòng chảo tại Olympic Athens 2004 và Bắc Kinh 2008), Kelly Holmes (2 huy chương vàng điền kinh tại Athens 2004)…

Mức đầu tư hằng năm cho mỗi vận động viên từ nguồn kinh phí này thường dao động ở mức từ 47.570 –87.000 USD. Đặc biệt, các vận động viên còn được quyền đăng ký gói tiền thưởng cá nhân tại các kỳ Olympic và Paralympic với mức cao nhất có thể lên tới gần 147.500 USD.

Nguồn tài trợ từ ngành xổ số thường được phân bổ cho chương trình đào tạo thể thao đỉnh cao bắt đầu vào tháng 4 hằng năm và được rà soát tổng thể mỗi 4 năm, tương ứng với mỗi chu kỳ Olympic. Họ chọn ra các vận động viên có khả năng tranh chấp huy chương, đặc biệt đối với các môn có thế mạnh của Anh như chèo thuyền, xe đạp lòng chảo, điền kinh…

...Ngẫm đến ta

Kết quả trắng tay tại Olympic London 2012 một lần nữa đã chứng minh cho quá trình chuẩn bị và chiến lược đầu tư thiếu bài bản của ngành thể thao trong nước.

Hiện một bộ phận không nhỏ các vận động viên và cả huấn luyện viên Việt Nam đều mang nặng tâm lý chuẩn bị cho có trước các kỳ Olympic và Paralympic vì “có cố gắng mấy cũng chẳng được gì”. Quá trình chuẩn bị cho Olympic và Paralympic của đoàn thể thao Việt Nam thật sự chỉ diễn ra trước vài tháng.

Tệ hại hơn, do thiếu tập huấn nước ngoài, các vận động viên như Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Tiến Minh (cầu lông), Quốc Toàn (cử tạ), Hoàng Ngọc (bắn súng)…đã thi đấu dưới sức mình tại Olympic London 2012.

Trách nhiệm chính đương nhiên thuộc về những người quản lý thể thao trong nước. Họ cũng chính là những người sử dụng tiền thuế của dân để đào tạo các vận động viên thể thao. Nhưng sau mỗi lần thất bại, việc mổ xẻ nguyên nhân để quy trách nhiệm cá nhân thường chỉ làm qua loa, nhất là các khoản ngân sách đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn vận động viên ít khi được minh bạch và công khai hóa.

“Một trong những điểm yếu lớn nhất của thể thao Việt Nam hiện nay là chính đội ngũ quản lý. Mà điểm yếu lớn nhất của đội ngũ quản lý là thiếu dũng khí, không có tinh thần dám làm dám chịu. Trong thể thao, thiếu điều đó thì không thể thành công”, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, nhận xét.

Một nguyên nhân thất bại khác là thể thao trường học ở Việt Nam được giới chuyên môn trong khu vực đánh giá là vẫn thuộc hàng yếu kém nhất Đông Nam Á vì chưa thành lập được câu lạc bộ thể thao nào đúng nghĩa. Ngược lại, tại các cường quốc thể thao như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nga, Pháp, Đức…thể thao học đường chính là một trong những lò cung cấp lực lượng vận động viên trẻ, tài năng cho các đấu trường quốc tế.

Mới đây, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic London 2012 Lâm Quang Thành cho biết, ngành thể thao sẽ có một báo cáo phân tích rõ các nguyên nhân thất bại, đồng thời vạch ra chiến lược đầu tư dài hạn cho ngành; nhất là việc huy động nguồn lực từ các thành phần trong xã hội. Hy vọng là như vậy. Nếu ngành thể thao tiếp tục đi theo lối mòn cũ thì 4 năm nữa, câu chuyện trắng tay tại Brazil 2016 là không thể tránh khỏi. Dũng khí đầu tư - Ảnh 1