Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh

PV.

Đó là nội dung trọng tâm tại Hội nghị hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường hoạt động đổi mới đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức chiều 16/10/2020.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996).

Đề án 996 với mục tiêu đến năm 2025 phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA); phát triển được ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp…

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động đo lường Việt Nam cần có những giải pháp thiết thực nhằm phát triển lên một tầm cao mới, khẳng định vị trí là công cụ đắc lực hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Hiện nay, Viện Đo lường Việt Nam mới công nhận được 30 chuẩn đo lường quốc gia trên 41 chuẩn đo lường quốc gia được quy hoạch. Đồng thời, chỉ mới có 31 phép hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường. Đây là con số rất ít so với các Viện Đo lường quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Với số lượng ít về phép hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận sẽ rất khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam công bố chất lượng sản phẩm hàng hóa được quốc tế thừa nhận.

Bên cạnh đó, hạ tầng đo lường cấp quốc gia hiện nay khó có thể bảo đảm đo lường chính xác cho nhiều chuẩn đo lường, phương tiện đo của doanh nghiệp. Do đó, nhiều chuẩn đo lường, phương tiện đo của doanh nghiệp phải gửi ra nước ngoài liên kết chuẩn gây tăng chi phí, thời gian thực hiện.

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã nêu các giải pháp để xây dựng, phát triển hạ tầng đo lường quốc gia và thực hiện các nhiệm vụ của Đề án nêu trên.

Đáng chú ý, nhiều đại biểu cho rằng, theo Đề án, doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến trong quá trình sản xuất, hỗ trợ cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm… nhưng hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn định mức chi hỗ trợ cho doanh nghiệp. Do đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng ban hành hướng dẫn để các địa phương phổ biến, triển khai kịp thời đối với doanh nghiệp.

Đề án 996 nhằm phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu bảo đảm đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển bộ ngành, địa phương.

Đồng thời, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp. Xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về đo lường…

Để đạt được các mục tiêu Đề án 966 đề ra, TS.Cao Xuân Quân, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam cho rằng, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp cần thống nhất định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường từ cấp quốc gia đến cấp bộ ngành, địa phương; tập trung huy động các nguồn lực thực hiện các kế hoạch phát triển hạ tầng đo lường quốc gia từng giai đoạn.

Đồng thời, đề xuất những cơ chế và phương thức phối hợp phù hợp với những yêu cầu, điều kiện của biện pháp quản lý mới trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng trong phạm vi toàn thế giới.