BIDV đồng tổ chức Diễn đàn Kết nối không gian du lịch “Bốn Quốc gia - Một Điểm đến”

PV.

Ngày 31/07/2016 tại Myanmar, Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar, Ngân hàng Trung ương Myanmar phối hợp Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đồng tổ chức Diễn đàn Kết nối không gian du lịch “Bốn Quốc gia - Một Điểm đến”.

Diễn đàn Kết nối không gian du lịch “Bốn Quốc gia - Một Điểm đến” và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng giữa các nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam.
Diễn đàn Kết nối không gian du lịch “Bốn Quốc gia - Một Điểm đến” và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng giữa các nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam.

Hướng tới mục tiêu mở rộng hợp tác, kết nối phát triển một số ngành kinh tế trọng điểm như Du lịch, Tài chính, Ngân hàng giữa 4 quốc gia trong khối CLMV (gồm các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), từ tháng 10/2015, AVIM/BIDV đã đưa ra sáng kiến và khởi xướng tổ chức Diễn đàn Kết nối không gian du lịch“4 Quốc gia - 1 Điểm đến” và Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng giữa các nước CLMV.

Bên cạnh đó, còn có 16 sự kiện bên lề, với mục tiêu mở rộng hợp tác, kết nối phát triển các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như du lịch, ngân hàng trong khu vực, nhất là trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN đã chính thức được thành lập.

Đề xuất của BIDV/AVIM đã nhận được sự ủng hộ và thống nhất của Chính phủ Myanmar cũng như sự đồng thuận của 3 nước nội khối Việt Nam - Lào - Campuchia. Diễn đàn là sự kiện nhằm quảng bá tiềm năng du lịch của 4 nước CLVM, đồng thời là cầu nối mở rộng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng chung của toàn khu vực.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập ngày 31/12/2015, với 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC), là một trong những điểm nhấn nổi bật của kinh tế thế giới năm 2015, góp phần tăng cường kết nối 10 nền kinh tế khu vực ASEAN.

Trong đó, 4 nước CLMV đã thiết lập quan hệ hợp tác từ rất sớm với Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ nhất tổ chức tại Lào vào tháng 11/2004.

Trong hợp tác du lịch, 4 nước CLMV đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch quốc tế “Bốn quốc gia -Một điểm đến” lần thứ nhất tại TP.HCM (tháng 9/2011), lần thứ hai tại Campuchia (tháng 12/2013) và lần thứ ba tại Myanmar (tháng 7/2015).

Với sự tăng trưởng liên tục trong những năm qua, du lịch khẳng định vị thế là ngành có tốc độ phát triển nhanh, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của bốn quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Theo số liệu của cơ quan du lịch quốc gia bốn nước CLMV, trong năm 2015, khu vực CLMV đã đón 22,08 triệu lượt khách quốc tế, tăng 12,7% so với năm 2014, tổng thu từ du lịch đạt trên 21 tỷ USD. Trong đó, ước tính lượng khách du lịch nội vùng đạt trên 3 triệu lượt. Đặc biệt khách du lịch Việt Nam đi Lào và Campuchia chiếm khoảng 2/3 tổng lượng khách nội vùng (khoảng 1,19 triệu lượt đi Lào và 0,99 triệu lượt đi Campuchia).

Trong lĩnh vực ngân hàng, bốn nước CLMV đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động tăng cường hợp tác trong kinh tế nói chung và lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói riêng. NHNN Việt Nam đã ký kết nhiều văn bản quan trọng với NHTW các nước Campuchia, Lào và Myanmar, nhằm tạo hành lang pháp lý, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thanh toán biên mậu, xuất nhập khẩu, mở rộng mạng lưới chi nhánh ngân hàng trên lãnh thổ của nhau, học tập trao đổi kinh nghiệm và đào tạo nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó các NHTM Việt Nam không ngừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển và mở rộng mạng lưới hệ thống ngân hàng trên lãnh thổ các nước Campuchia, Lào và Myanmar.

Tính đến hết tháng 6/2016, Việt Nam hiện có 10 ngân hàng hoạt động trên địa bàn 2 nước Làovà Campuchia với tổng vốn điều lệ 499 triệu USD, trong đó tại địa bàn Campuchia là 5 ngân hàng BIDV (BIDC), Sacombank, Agribank, MB và SHB; tại Lào là 5 ngân hàng gồm BIDV (Lào Việt Bank), SHB, MB, Vietinbank và Sacombank.

Các ngân hàng của Việt Nam tại Lào và Campuchia được đánh giá hoạt động hiệu quả, hỗ trợ tích cực trong cung ứng vốn tín dụng và phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân tại địa phương.

Tại địa bàn Myanmar, BIDV là ngân hàng Việt Nam đầu tiên được cấp phép thành lập tại Myanmar trong năm 2016 với vốn điều lệ 85 triệu USD, góp phần tạo ra làn sóng đầu tư mới của Việt Nam sang Myanmar trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Tại Diễn đàn, Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch AVIM/BIDV đã phân tích những cơ hội và thách thức trong việc hợp tác phát triển trong lĩnh vực du lịch và ngân hàng giữa 4 nước CLMV đồng thời đưa ra những đề xuất để bốn quốc gia thực sự trở thành một điểm đến, cụ thể:

Một là, tích cực, chủ động tham gia, tổ chức và tài trợ cũng như kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tài trợ các chương trình, sự kiện chung về quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư giữa 4 nước CLMV, với chủ đề xuyên suốt “Bốn quốc gia - Một điểm đến”.

Hai là, thông qua AVIC, AVIL và AVIM, BIDV cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam tiềm kiếm cơ hội và triển khai dự án đầu tư tại các nước Lào, Campuchia và Myanmar. Đồng thời là đầu mối tập hợp các khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của các doanh nghiệp Việt Nam báo cáo Chính phủ, các Bộ ngành 4 nước để kịp thời giải quyết cũng như tạo kênh trao đổi đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành 4 nước theo định kỳ.

Ba là, BIDV cam kết dành nguồn vốn trung dài hạn, lãi suất hợp lý để tài trợ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kết nối du lịch 4 nước CLMV.

Với triển vọng và quyết tâm hợp tác cùng phát triển của 4 nước CLMV, Diễn đàn sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện giữa 4 nước CLMV, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và ngân hàng.

Diễn đàn cũng chứng kiến lễ ký các thỏa thuận hợp tác để thúc đẩy kết nối du lịch CLMV và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực Ngân hàng, bao gồm: (1) Ký kết hợp tác Biên bản ghi nhớ (MOU) trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính giữa ĐCTC của bốn quốc gia CLMV: Lao-Viet Bank, BCEL, Canadia Bank, BIDV, Vatanac Bank, KBZ, CB Bank, AYA Bank, BIDV; (2) Ký kết biên bản thỏa thuận ghi nhớ về đẩy mạnh hệ thống thanh toán giữa Myanmar Paynmet Union Public Company Limited MPU, với công ty cổ phần FPT tại Myanmar và Hiệp hội thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas); (3) Ký kết hợp tác giữa các hãng Hàng không 4 nước CLMV: Angkor Air, Lao Airline, Myanmar Airline, VNA; (4) Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các hãng du lịch lữ hành Christianair Tour- Asia Reveal Laos- Myanmar Tourism Service - Suntravel…