Bộ Giao thông Vận tải và BIDV phối hợp triển khai chương trình mở rộng QL1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ

PV.

(Tài chính) Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Thực hiện nhiệm vụ được giao và giải quyết khó khăn về nguồn vốn đầu tư các dự án trên tuyến QL1, ngày 22/01/2013, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thống nhất ký kết thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình mở rộng QL1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ.

Đại diện BIDV và Bộ Giao thông Vận tải tại Lễ ký kết
Đại diện BIDV và Bộ Giao thông Vận tải tại Lễ ký kết

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 14/2/2012 về đề án mở rộng Quốc lộ 1 giai đoạn 2012-2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT tập trung chỉ đạo thực hiện để sớm hoàn thành toàn tuyến từ Hà Nội đến Cần Thơ vào cuối năm 2016. Quy mô toàn tuyến gồm 04 làn cho xe cơ giới, 02 làn cho xe máy và có giải phân cách cứng ở giữa. Phân kỳ đầu tư chia thành các đoạn, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý theo nhu cầu cấp thiết và khả năng huy động vốn để lập dự án đầu tư theo hình thức BOT có sự tham gia vốn của Nhà nước. Ngày 29/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp về Kế hoạch và cơ chế đặc thù triển khai các dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Cần Thơ và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên. Đồng thời,

Quốc lộ 1 là tuyến đường giao thông xuyên suốt Việt Nam, từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Năm Căn với tổng chiều dài 2.300km. Đây là tuyến đường huyết mạch, quan trọng hàng đầu Việt Nam, đi qua trung tâm của một phần hai số tỉnh thành cả nước, nối liền 4 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Trong suốt lịch sử, QL1 đã thúc đẩy sự phát triển của các địa phương mà nó đi qua nhưng lại không được phát triển tương ứng. Hiện nay, QL1 đã được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III, quy mô 2 làn xe trên toàn tuyến, một số đoạn có lưu lượng lớn đã được mở rộng lên 4 làn xe (khoảng 476km) và xây dựng 18 tuyến tránh qua các đô thị (khoảng 164km). Trong đó, đoạn Hà Nội-Cần Thơ dài 1.887km (đã mở rộng và xây dựng tuyến tránh 554km, đang mở rộng 73km, chưa mở rộng khoảng 1.260km). Tuy nhiên, hiện một số đoạn tuyến đã quá tải, thường xảy ra tình trạng ùn tắc trên diện rộng, đặc biệt các đoạn từ Hà Nam - Ninh Bình - Thanh Hoá - Hà Tĩnh và một số đoạn qua đô thị lớn...

Bộ Giao thông Vận tải và BIDV phối hợp triển khai chương trình mở rộng QL1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ - Ảnh 1
Các chi nhánh của BIDV ký kết với Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4

Theo tính toán của Bộ GTVT, hiện nay có khoảng 986km trên tuyến QL1 từ Hà Nội đến Cần Thơ cần đầu tư nâng cấp mở rộng, trong đó có khoảng 639km dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, 347km dự kiến đầu tư theo hình thức BOT. Tổng nhu cầu vốn đầu tư hiện nay là 89.362 tỷ đồng trong đó nhu cầu kêu gọi vốn tư nhân để thực hiện các dự án BOT là 34.509 tỷ đồng. Hiện nay, đối với các đoạn dự kiến thực hiện bằng nguồn vốn tư nhân, Bộ GTVT đang tạm chia các dự án trên tuyến QL1 thành 18 đoạn tương ứng và dự kiến chủ trương giao các Nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, đầu tư công bị hạn chế, khả năng ứng vốn ngân sách nhà nước khó khăn, việc huy động các nguồn vốn xã hội từ các thành phần kinh tế tham gia có vai trò quan trọng đảm bảo sự thành công của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung.

Mục tiêu của thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình mở rộng QL1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ giữa Bộ GTVT và BIDV lần này nhằm huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ các nhà đầu tư các dự án mở rộng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án mở rộng các đoạn trên tuyến QL1 đoạn Hà Nội-Cần Thơ, sớm đưa vào sử dụng có chất lượng, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời góp phần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp giao thông vận tải, vật liệu xây dựng liên quan giải phóng hàng tồn kho, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động.

Bộ Giao thông Vận tải và BIDV phối hợp triển khai chương trình mở rộng QL1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ - Ảnh 2
Đại diện BIDV và các công ty xây dựng tại Lễ ký kết

Theo thỏa thuận được ký kết, BIDV cam kết thu xếp vốn cho các nhà đầu tư được giao triển khai các dự án mở rộng các đoạn trên tuyến QL1 đoạn Hà Nội-Cần Thơ theo hình thức BOT, trong đó ưu tiên lựa chọn các dự án tại khu vực miền Trung từ Vinh (Nghệ An) đến Ninh Thuận. BIDV sẽ dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để tài trợ chương trình, trong đó gồm: 01 gói tín dụng 20.000 tỷ đồng để tài trợ cho các dự án BOT; huy động từ đầu tư trái phiếu với giá trị 5.000 tỷ đồng cho Chương trình trái phiếu dự kiến do Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành; 01 gói dự phòng khoảng 5.000 tỷ đồng. Hạn mức cho vay tối đa đối với từng dự án tới 85%  tổng mức đầu tư dự án (phần vốn BOT). BIDV thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất trong khi xem xét các dự án cụ thể.

Để triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác, Bộ GTVT và BIDV thống nhất thường xuyên phối hợp, đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần tích cực vào việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án mở rộng QL theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, BIDV cũng có một số đề nghị đối với Bộ GTVT nhằm triển khai chương trình đúng tiến độ, hiệu quả, an toàn: Phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để phát hành trái phiếu Chính phủ riêng cho Chương trình mở rộng QL1; Phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành mức thu phí cho các dự án BOT trên QL1; Tập trung nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù cho việc đầu tư mở rộng các dự án trên tuyến QL1 đoạn Hà Nội-Cần Thơ; Phối hợp với BIDV trình Chính phủ, đề nghị các cơ quan Bộ ngành, NHNN tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho việc triển khai chương trình; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí cho dự án theo đúng tiến độ đề ra, phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB nơi có dự án đi qua; Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, Tổng cục đường bộ Việt Nam, các Ban Quản lý dự án, các Sở GTVT nơi có dự án đi qua hỗ trợ các nhà đầu tư dự án hoàn thành các thủ tục đầu tư, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án; Kêu gọi các nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp trong và ngoài nước; Thẩm định tính pháp lý của dự án, năng lực Nhà đầu tư, Nhà thầu thi công và có danh sách giới thiệu BIDV các Nhà đầu tư, Nhà thầu thi công dự án có năng lực, có nhu cầu vay vốn.

Ngay sau Lễ ký Thỏa thuận hợp tác, BIDV đã ký 01 Hợp đồng tín dụng và 03 Bản thỏa thuận nguyên tắc tài trợ vốn đầu tư xây dựng các Dự án trên QL1 đoạn Hà Nội-Cần Thơ, cụ thể: Các chi nhánh BIDV (do Chi nhánh Nghệ An làm đầu mối) ký kết Hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho dự án BOT mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Nam Cầu Bến Thủy – tuyến tránh Hà Tĩnh với chiều dài 35,1km; BIDV và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông (Cienco 5) ký Bản thỏa thuận nguyên tắc tài trợ vốn đầu tư xây dựng theo hình thức BOT với Dự án thành phần 2 xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn Km987-Km1.027 (Quảng Nam) có chiều dài 40 km; BIDV và Công ty CP TASCO ký Bản thỏa thuận nguyên tắc tài trợ vốn đầu tư xây dựng theo hình thức BOT với Dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) đến Bắc Thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), tổng chiều dài 28 km; BIDV và Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh ký Bản thỏa thuận nguyên tắc tài trợ vốn đầu tư xây dựng theo hình thức BOT với Dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ Thành phố Đồng Hới đến cuối Quảng Bình (Km657-Km717+300) và đoạn qua Quảng Trị (Km717+300 – Km792+360), tổng chiều dài 39 km.

Trước đó, nhằm hỗ trợ thúc đẩy thị trường đầu tư xây dựng, BIDV đã đưa ra phương thức liên kết 4 nhà hỗ trợ cung cấp tín dụng, thanh toán giữa Ngân hàng - Chủ đầu tư - Nhà thầu - Nhà cung cấp vật liệu. Theo đó, BIDV đứng ra làm đầu mối trung gian kết nối 04 nhà và cung ứng vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi. Chương trình nhận được sự tham gia hiệu quả tích cực của các đơn vị lớn như: CTCP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai, CTCP Xi măng Hà Tiên 1, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, CTCP Hưng Ngân, CTCP Đức Khải… góp phần đẩy nhanh tiến độ các công trình, thúc đẩy luân chuyển vốn, giảm bớt hàng tồn kho và công nợ. Đến cuối năm 2012, doanh số cho vay phát sinh đối với các chuỗi liên kết đã đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Cùng với phương thức liên kết 4 nhà, việc thực hiện Bản Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ GTVT và BIDV sẽ giải quyết được phần nào những khó khăn, vướng mắc của các Nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án; đồng thời hỗ trợ các Nhà đầu tư, Nhà thầu, Nhà cung cấp VLXD đẩy nhanh tiến độ thi công, giúp doanh nghiệp giảm lượng hàng hóa tồn kho và chi phí vay vốn, đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn, góp phần hoàn thành tuyến đường đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giao thương hàng hoá trong khu vực.

BIDV tiền thân là Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam được thành lập từ 26/4/1957. Trải qua 56 năm xây dựng và phát triển cùng với quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, BIDV đã được Đảng, Nhà nước và ngành GTVT tin tưởng giao cho các trọng trách lớn trong công tác phát triển hệ thống giao thông Việt Nam. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam là Ngân hàng được Chính phủ giao nhiệm vụ cấp phát vốn mở nhiều tuyến đường từ Bắc vào Nam phục vụ công cuộc giải phóng đất nước. Điển hình là các công trình như: Cầu Hàm Rồng, Cầu Bến Thủy, khôi phục các tuyến đường sắt Bắc-Nam… Sau khi thống nhất đất nước, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam tiếp tục thực hiện cấp phát, cho vay nhiều công trình giao thông huyết mạch quốc gia như: Cầu Thăng Long, mở rộng đường Hà Nội-Hải Phòng, mở rộng đường sắt Bắc-Nam… Trong những năm gần đây, BIDV là một trong số ít các ngân hàng chủ chốt cho vay nhiều dự án đầu tư chiều sâu, đầu tư mở rộng của các doanh nghiệp vận tải, xây dựng, cơ khí, dịch vụ GTVT và các dự án BOT cũng như một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng (Cầu Hoà Bình; một số đoạn của Quốc lộ 30, 32, 60, 64; đường vào Nhà máy Đóng tàu Hòn Khói); tham gia tìm hiểu cơ hội đầu tư một số dự án BOT lớn (Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hoà - Vũng Tàu)... Mối quan hệ hợp tác giữa BIDV và ngành Giao thông căn bản đã liên tục được bồi đắp trong suốt thời gian qua.