Doanh nhân cựu chiến binh - Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm:

Dấu ấn người lính trên thương trường

PV.

Doanh nhân cựu chiến binh, Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm từ lâu đã trở thành hình tượng để theo đuổi của nhiều người làm kinh doanh, trở thành tấm gương từ thiện trên dọc dài đất nước. Giờ đây, ở tuổi 72, ông vẫn miệt mài đem trí tuệ và tâm huyết của mình để phát triển kinh doanh và các hoạt động thiện nguyện.

 
Dấu ấn người lính trên thương trường - Ảnh 1
Ông Lê Văn Kiểm chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Nhân dịp Đại hội Đại biểu toàn quốc HCCB Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017-2022.

Bản lĩnh người lính trên mọi “mặt trận”

Ông Lê Văn Kiểm chưa bao giờ quên xuất phát điểm của mình là một anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Ngày 15/4/1975, ông Kiểm được lệnh của Trung ương Cục tham gia đoàn công tác đặc biệt đi khảo sát mở đường cho quân chủ lực của ta tiến công từ Tây Ninh về Long An, cắt ngang Quốc lộ 4, chặn đường chi viện của Quân đội Việt Nam Cộng hòa của các tỉnh miền Tây Nam Bộ về ứng cứu chế độ Việt Nam Cộng hòa tại Sài Gòn.

Chỉ sau 2 ngày, Đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ. Đến ngày 27/4/1975, ông Kiểm được lệnh đi trong đoàn quân về tiếp quản Sài Gòn. Ngày 30/4/1975 lịch sử, ông có mặt tại Sài Gòn, vào tiếp quản Bộ Giao thông Công chánh của chính quyền chế độ cũ và công tác tại Ủy ban Quân quản TP. Sài Gòn - Gia Định.

Ông Kiểm được bổ nhiệm làm Phó ban Kiến thiết cầu đường bộ miền Nam. Vận dụng tư duy điều hành, lãnh đạo vốn có của mình, kết hợp với quyết định mạnh dạn trong việc bảo lãnh cho các kỹ sư chế độ cũ được học tập tại chỗ, chỉ trong vòng một năm, ông Kiểm đã cùng các trí thức, kỹ sư chế độ cũ và các kỹ sư từ trên căn cứ về phục hồi xong 14 cầu bê tông trên Quốc lộ 1 từ Cam Ranh vào Sài Gòn và các cầu đường trên các Quốc lộ và liên tỉnh lộ ở miền Nam.

Đến năm 1978, ông Kiểm bắt đầu thực hiện kế hoạch làm kinh tế tư nhân: ngày đi làm việc Nhà nước, tối phát triển cơ sở kinh doanh tư nhân của mình. Ông bán chiếc xe Honda trị giá khoảng một lượng vàng thời bấy giờ để mua môtơ, chế thành máy xay làm thức ăn gia súc, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Nhưng chỉ một thời gian sau, các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc trong Thành phố phát triển nhiều, vì thế ông quyết định chuyển nghề.
Trong một lần đi picnic, tình cờ vợ ông, vốn là kỹ sư hóa, phát hiện ra tinh dầu hạt cao su khi nhìn thấy những tia lửa bắn ra cùng tiếng nổ lép bép trong lúc nhóm lửa nướng khoai. Bà nghiên cứu, thí nghiệm và biết được tác dụng của dầu hạt cao su khi pha vào sơn sẽ làm cho độ dẻo, độ bóng và độ bền của sơn tăng cao… Bà đã làm thử và thành công, nhưng bất ngờ hơn, bã của sản phẩm còn dùng làm phân bón rất tốt cho cây trồng trong nông nghiệp. Từ đó, cơ sở ép hạt cao su lấy dầu của ông bà đã phát triển nhanh chóng, sản phẩm sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường đang rất cần lúc đó.   
Ông Kiểm còn có duyên với nghề sản xuất bột màu dùng cho sản xuất gạch lát nền nhà và quét tường. Bột màu xây dựng của Tổ hợp Huy Hoàng sản xuất ra có chất lượng rất tốt, giá cả hợp lý nên đã chiếm lĩnh được thị trường trong nước. Năm 1986, ông đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Huy Hoàng, rồi sau đó chuyển thành Công ty Cổ phần May và Xây dựng Huy Hoàng.

Với việc đầu tư dây chuyền, thiết bị đồng bộ và tiên tiến nhất được nhập khẩu từ Nhật Bản và Italia, Công ty Huy Hoàng đã trở thành doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc có quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam vào những năm 1987 - 1990, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động của Công ty và hơn 20.000 lao động của các doanh nghiệp bạn trong toàn quốc. Thương hiệu may Huy Hoàng nổi tiếng không chỉ trong nước, mà còn vươn tới các nước châu Âu. Công ty Huy Hoàng được đánh giá là một trong những công ty may tư nhân lớn nhất của Việt Nam tại thời điểm đó.

Đến thời điểm 1996 - 1997, do khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á, hàng loạt hợp đồng xuất khẩu bị hủy, hàng chục triệu USD tiền hàng không được thanh toán, toàn bộ tài sản của doanh nhân Lê Văn Kiểm sau bao năm lao động, tích cóp giờ bị đóng băng, sản phẩm không bán được, khó khăn đang đến gần, Công ty trên bờ vực phá sản.

Với ý chí và nghị lực của một người lính, cùng sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ trong việc xử lý nợ lãi, chỉ sau 3 năm, Công ty Huy Hoàng đã trả hết số nợ tồn đọng cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng, giảm được tổn thất cho Nhà nước trên 500 tỷ đồng, giữ được việc làm ổn định cho hơn 2.000 công nhân của Công ty, đóng góp một phần vào việc thực hiện thành công đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, giúp được nhiều doanh nghiệp khác và giảm thất thoát cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Bước vào thời kỳ hội nhập cũng là dịp các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam có thêm nhiều cơ hội phát triển, niềm tin và bản lĩnh của doanh nhân Lê Văn Kiểm ngày một vững vàng hơn. Ông tiếp tục mở rộng kinh doanh, lần này là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ: Kinh doanh sân Golf! Ông thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Với 36 đường Golf đẹp và đạt chuẩn quốc tế, đây là sân Golf đầu tiên của Việt Nam do người Việt Nam đầu tư, tự quy hoạch thiết kế, xây dựng và quản lý, điều hành.

Bà Trần Cẩm Nhung – Phó Chủ tịch Công ty Golf Long Thành vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Nước Cộng hòa XHCNVN do Bà Đặng Ngọc Thịnh- Phó Chủ tịch nước trao tặng.
Bà Trần Cẩm Nhung – Phó Chủ tịch Công ty Golf Long Thành vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Nước Cộng hòa XHCNVN do Bà Đặng Ngọc Thịnh- Phó Chủ tịch Nước trao tặng.

Không dừng lại ở đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành tiếp tục đầu tư xây dựng dự án khu đô thị nghỉ dưỡng thể thao – du lịch sinh thái với tổng diện tích 1.200 ha, qui hoạch thiết kế khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, các siêu thị, hệ thống trường học, bệnh viện quốc tế, đạt chuẩn Quốc tế, bến du thuyền, khu du lịch sinh thái… Đồng thời, ông cũng quyết định thành lập Công ty Cổ phần Du lịch – Thương mại Trân Châu với khu du lịch bãi biển và Khách sạn Thùy Dương tại Long Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là một trong những khu du lịch nghỉ mát bờ biển lý tưởng nhất khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.         

Mong muốn được góp sức mình vào sự phát triển kinh tế và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào anh em, doanh nhân Lê Văn Kiểm đã quyết định đầu tư hai dự án tại Lào, gồm Dự án thăm dò khai thác mỏ vàng và các khoáng sản tại tỉnh Attapư và Dự án Đặc khu kinh tế, trong đó có khu đô thị, sân golf, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái tại Thủ đô Viêng Chăn.

Tấm lòng thiện nguyện và “người đồng hành” quý báu

Không chỉ được biết đến với nhiều danh hiệu cao quý trên thương trường, cựu chiến binh Lê Văn Kiểm còn được coi là người làm công tác từ thiện xã hội nhiều nhất. Tính đến nay, số tiền đã lên đến hơn 800 tỷ đồng. Ông Kiểm quan niệm: “Tôi sống được đến ngày nay là nhờ công ơn của Đảng, Nhà nước, nhân dân, nhờ vào sự hy sinh của nhiều người trong đó có cả người cha yêu dấu của tôi và các đồng đội của mình. Vì vậy, việc làm từ thiện với tôi là trách nhiệm, là tình cảm thiêng liêng”.

Ông Kiểm đã xây dựng quỹ học bổng giúp đỡ sinh viên nghèo hiếu học tại trường Đại học Thủy Lợi trị giá 10 tỷ đồng và quỹ khuyến học dành cho con cháu cựu chiến binh Việt Nam 10 tỷ đồng. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày Thương Binh Liệt Sĩ 27/7/2017, ông và gia đình đã đóng góp 54 tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa cho các gia đình và con cháu cựu chiến binh, liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Ông còn ký thỏa thuận quyên góp 5 triệu USD vào quỹ Vietnam Health Fund với tỷ phú Mỹ Bill Gates để giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo ở Việt Nam và nhiều công tác từ thiện xã hội, thiện nguyện khác ở trong và ngoài nước.

Hạnh phúc gia đình đối với ông Lê Văn Kiểm là nền tảng vững chắc giúp ông đạt đến thành công như hôm nay. Ông có người vợ giỏi giang, thông minh, luôn đồng hành giúp ông trong điều hành các công ty và lo toan mọi việc trong gia đình - doanh nhân Trần Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Golf Long Thành.

Bà Trần Cẩm Nhung được sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở mảnh đất miền Trung. Bà được Đảng, Nhà nước cho theo học tại các Trường học sinh miền Nam trên miền Bắc vào năm 1954 và tốt nghiệp Đại học Tổng Hợp – Kỹ sư hóa năm 1970. Ông bà đã tổ chức lễ cưới vào ngày 30/4/1970. Sau ngày giải phóng 30/4/1975, bà được chuyển vào Nam công tác cùng với chồng đang làm trong Ủy ban Quân quản TP. Sài Gòn - Gia Định.

Với nền tảng kiến thức vững chắc, chuyển sang làm doanh nhân cùng chồng đã giúp bà bổ sung  ý chí vươn lên mãnh liệt, dám đương đầu với mọi thử thách và vượt lên trong mọi khó khăn để sản xuất kinh doanh. Bà Nhung chia sẻ: “Vợ chồng tôi cùng các con luôn có chung suy nghĩ, bài tập thể dục thứ nhất cho trái tim là động tác đưa đôi tay của mình giúp đỡ cộng đồng”.

Bà Đặng Ngọc Thịnh- Phó Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho bà Trần Cẩm Nhung – Phó Chủ tịch Công ty Golf Long Thành.
Bà Đặng Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho bà Trần Cẩm Nhung – Phó Chủ tịch Công ty Golf Long Thành.

Chỉ riêng trong hai năm 2015 và 2016, số tiền cá nhân của bà dành cho các chương trình hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chia sẻ với người nghèo trong cả nước đã lên tới hơn 40 tỷ đồng, trong đó có hơn 10 tỷ đồng dành cho tỉnh Đồng Nai, bởi theo bà: “Cho đi chính là sự nhận lại, nhận lại chính là những niềm vui khi xã hội bớt đi những hoàn cảnh khó khăn”.

Cụ thể, trong năm 2016, bà đã đóng góp vào “Quỹ Nghĩa tình 27-7” của Trung ương Hội cựu Chiến binh Việt Nam số tiền trên 6,5 tỷ đồng để xây dựng nhà tình nghĩa; hỗ trợ gia đình của 10 liệt sỹ hi sinh trong sự cố rơi máy bay SU-30MK2 và CASA-212 tổng cộng 1 tỷ đồng. Mới đây, trong năm 2016 – 2017, bà đã dành tặng 1 tỷ đồng cho “Quỹ khuyến học khuyến tài” của tỉnh Đồng Nai, đồng thời tặng “Chương trình sữa học đường” với số tiền lên tới 25 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, bà Trần Cẩm Nhung còn ủng hộ cho Bộ Tư lệnh Hải Quân và Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân số tiền trên 11 tỷ đồng phục vụ công tác bảo vệ biển đảo. Đặc biệt, ngày 27/7/2017 vừa qua, Quỹ học bổng với tên “Trần Cẩm Nhung – Chắp cánh ước mơ” do Bà Trần Cẩm Nhung lập ra với tổng giá trị học bổng 18 tỷ đồng để trao tặng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai nhằm chắp cánh ước mơ cho con, cháu trực hệ của Mẹ Việt Nam Anh hùng, liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Đồng Nai, tạo điều kiện tiếp sức đến trường cho các cháu.

Là một phụ nữ tài ba, một doanh nhân thành đạt và giàu lòng nhân ái, nhưng bà Trần Cẩm Nhung luôn tỏ ra khiêm tốn khi nói về những đóng góp của mình cho đất nước và xã hội. Con đường sản xuất kinh doanh của gia đình bà đã từng trải qua rất nhiều thăng trầm, đã có những lúc phải vắt óc suy nghĩ, tưởng không vượt qua được. Tuy nhiên, nghị lực của ông bà đã dẫn dắt con thuyền kinh doanh vượt qua được mọi khó khăn đến ngày hôm nay. “Xã hội còn nhiều nơi cần sự giúp đỡ hơn nữa và tôi mong muốn sẽ tiếp tục cống hiến làm cho xã hội nhiều điều tốt đẹp hơn”- bà Nhung xúc động cho biết.

Gần 40 năm gắn bó với sự nghiệp kinh doanh, với ý chí, nghị lực, đức độ và lòng quyết tâm, doanh nhân Lê Văn Kiểm đã chứng tỏ được bản lĩnh của một Anh hùng. Dù bất cứ hoàn cảnh cam go, khó khăn nhất, hay khi ở trên đỉnh cao của sự thành công, ông cũng luôn khiêm tốn, nhân hậu và giữ trọn một niềm tin ở ngày mai.

Với những đóng góp của ông bà Lê Văn Kiểm và Trần Cẩm Nhung trong thời gian đất nước còn chiến tranh, cũng như những đóng góp trong thời gian hòa bình xây dựng đất nước cũng như tại các nước bạn Lào, Campuchia, Cuba… ông bà đã được tặng thưởng nhiều Huân chương các loại của Việt Nam và các nước.

Ngày 13/12/2017, ông Lê Văn Kiểm đã được bầu vào Ban thường vụ Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Đặc biệt, năm 2008, ông Lê Văn Kiểm được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Riêng bà Trần Cẩm Nhung cũng vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều huân chương, bằng khen cao quý khác.