Định hướng mới của Vicem

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Hiện ngành xi măng đang tìm nhiều giải pháp để giảm lượng tồn kho, phấn đấu đưa ngành công nghiệp này trở thành một trong những ngành mũi nhọn.

Định hướng mới của Vicem
Năm 2013 dự kiến xuất khẩu trên 10 triệu tấn, chiếm 15% tổng sản lượng xi măng cả nước. Nguồn: dddn.com.vn

Có ý kiến cho rằng mặc dù tiêu thụ xi măng gần như dẫn đầu khối sản xuất công nghiệp, song hiệu quả đầu tư đối với các doanh nghiệp xi măng vẫn đang ở mức thấp.

Đẩy mạnh tiêu thụ

Nhiều Cty xi măng thuộc Vicem vẫn trong tình trạng khó khăn. Nguyên nhân do giá điện và nguyên vật liệu đầu vào tăng. Thêm vào đó là ảnh hưởng suy thoái kinh tế, khó khăn về tín dụng, trong khi thị trường bất động sản lại bị đóng băng, khiến cho khối lượng xây dựng của cả nước giảm đáng kể so với trước năm 2012. Chi phí tài chính cao cũng là một nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp xi măng trong thời gian qua gặp khó khăn lớn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp xi măng đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Năm 2013 dự kiến xuất khẩu trên 10 triệu tấn, chiếm 15% tổng sản lượng xi măng cả nước. Các chuyên gia cho rằng, việc xuất khẩu xi măng hiện vẫn chỉ nên coi là giải pháp tạm thời để giải quyết tình trạng thừa xi măng, bởi xuất khẩu  xi măng mang lại giá trị kinh tế rất thấp và không làm giàu đất nước. Trên thế giới, rất ít nước có chủ trương đầu tư, phát triển xi măng để xuất khẩu.

Ông Lương Quang Khải - Chủ tịch HĐTV TCty Vicem cho biết : Chỉ còn 1 tháng cuối năm, các Cty thuộc Vicem cố gắng gấp rút để hoàn thành các chỉ tiêu năm nay với mức sản xuất tiêu thụ từ 19 - 20 triệu tấn sản phẩm trở lên, doanh thu 30.000 tỉ đồng, lợi nhuận tối thiểu trên 500 tỉ đồng, thu nhập bình quân của người lao động bằng năm 2012. Để có thể tồn tại, Vicem đưa ra một trong những giải pháp đồng bộ là các Cty sản xuất xi măng trong hệ thống phải thống nhất đoàn kết với nhau để giữ giá xuất khẩu clinker, xi măng  bằng giá khu vực. Vicem đã  lường trước những khó khăn, bất cập để tìm hướng đi phù hợp. Năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ngành xi măng cần phải chuẩn bị chiến lược phát triển một cách chuẩn xác, rõ ràng để phát triển vững mạnh.

Vụ Vật liệu xây dựng cũng cho biết, hầu hết các nhà máy không sản xuất thừa nhiều so với mức tiêu thụ. Lượng tồn kho ngành xi măng cả nước hiện ở mức 2,6 triệu tấn, chủ yếu là clinker do hầu hết các nhà máy không sản xuất thừa nhiều so với nhu cầu tiêu thụ, lượng tồn kho tương đương 14 - 15 ngày sản xuất là bình thường. Trong đó, tồn kho của TCty Xi măng VN khoảng 1,2 triệu tấn, gồm 0,3 triệu tấn xi măng và 0,9 triệu tấn clinker. Khối lượng tồn kho này là khối lượng dự trữ cần thiết để sản xuất được ổn định. Để có được kết quả tiêu thụ xi măng khá như vậy là do Chính phủ vẫn ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật. Các địa phương đã tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, trong đó chủ yếu là gạch xi măng cốt liệu, đồng thời triển khai các dự án xây dựng hạ tầng kinh tế trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới…

Giải pháp cho tương lai

Để bình ổn thị trường xi măng quý 4/2013, TCty Công nghiệp xi măng VN phối hợp với các đơn vị  tính toán kỹ nhu cầu tiêu thụ xi măng từng tháng, từng quý tại khu vực miền Trung, miền Nam để bố trí hợp lý việc vận chuyển xi măng, clinker từ khu vực phía Bắc vào các khu vực này, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt trong các tháng cao điểm của mùa xây dựng. Chỉ đạo các đơn vị sản xuất xi măng trong toàn quốc thực hiện các giải pháp : Triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát huy đạt và vượt công suất thiết kế, giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; Hoàn thiện mạng lưới kinh doanh xi măng, nhằm giảm chi phí lưu thông, chi phí bán hàng.

Ngoài ra, việc triển khai các đề tài ứng dụng công nghệ như các dự án tận dụng nhiệt thải lò nung trong các nhà máy xi măng để sản xuất điện, góp phần giảm thiểu tác động của việc thiếu điện; tận dụng nguồn phế thải của các ngành công nghiệp khác làm nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành xi măng, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo đảm môi trường.

Năm 2014, Bộ Xây dựng tính toán nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành vào khoảng 62 - 63 triệu tấn, tăng 1,5 - 3% so với năm 2013; trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 48,5 - 49 triệu tấn, xuất khẩu 13,5 -14 triệu tấn.