Đổi mới công nghệ: Đòn bẩy giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Lê Cường - Minh Tâm

(Tài chính) “Đổi mới sáng tạo - giải pháp đưa doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng và tiếp tục phát triển” là chủ đề hội thảo do Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì và Tạp chí Tia Sáng, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đồng tổ chức, diễn ra vào ngày 26/4/2013 tại Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Buổi hội thảo được chia thành 2 phiên thảo luận.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: FinancePlus.vn
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: FinancePlus.vn

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp phải lao đao, thì vẫn có không ít doanh nghiệp vẫn đứng vững, vươn lên, vượt qua khủng hoảng và tiếp tục phát triển. Có thể thấy nét chung của những doanh nghiệp này là: kiên trì đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo về công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ của khoa học kỹ thuật các công đoạn sản xuất để tăng sản lượng, giảm chi phí.

Ngoài lĩnh vực đổi mới sáng tạo truyền thống và nền tảng được quan tâm là đổi mới công nghệ, đưa sáng kiến khoa học kĩ thuật vào sản xuất thì thực tế cạnh tranh của thị trường ngày nay đã khẳng định “Việc đổi mới trong tư duy kinh doanh, trong quản trị chuỗi cung ứng, quản trị danh mục sản phẩm, quản trị thương hiệu và kênh phân phối…cũng có tác động rất lớn tới sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp”.

Tại hội thảo lần này, các doanh nghiệp chia sẻ cách thức vượt qua khủng hoảng nhờ vào sự kiên trì đổi mới sáng tạo trong thời gian qua, xem đó như một giải pháp để phát triển. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cho rằng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham dự hội thảo khảo sát, tìm hiểu sâu về các giải pháp, từ lý thuyết học thuật đến thực tiễn hành động; có không gian trao đổi thông tin, cọ xát từ các lập luận và phản biện. Từ đó, mỗi doanh nghiệp tìm ra hướng đi mới thích hợp cho mình.

Trong phiên thảo luận thứ nhất, đại diện các doanh nghiệp lớn đầu ngành như Công ty Thép Việt (Pomina), Viettel và gốm sứ Minh Long đã chia sẻ kinh nghiệm giải quyết những bài toán khó trong việc đổi mới sáng tạo trong kinh doanh của chính các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ông Lý Huy Sáng – Phó Tổng giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long chia sẻ: “Minh Long chủ trương phát triển doanh nghiệp bằng chính nội lực của mình từng bước một chứ không phải bằng tiền đi vay nên không ngừng đầu tư vào công nghệ, cải tiến nhà máy”. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh trong môi trường nước ta cũng không hề dễ dàng đối với doanh nghiệp để thực hiện điều này, đặc biệt các doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp tư nhân.

Phiên thảo luận thứ 2 của Hội thảo cũng đề cập đến những sáng tạo trong khu vực kinh tế nông nghiệp của vùng đồng bằng Sông Cửu Long từ những câu chuyện về kinh nghiệm trồng lúa của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đến việc đổi mới trong công nghệ và thiết bị chế biến lúa gạo của Công ty Cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ cũng như sự tìm tòi để chế biến các sản phẩm sau gạo nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo của ông Cao Siêu Lực, Giám đốc công ty bánh Á Châu Bakery (ABC) hay cơ sở sản xuất bột Lộc Sánh...

Những kinh nghiệm quý báu như: Các sản phẩm sau gạo được chế biến thành công như bột gạo, bánh đa cua ăn liền, bánh mì từ gạo huyết rồng… sẽ mang đến cho doanh nghiệp hy vọng về việc xuất khẩu những thành phẩm thay vì những hạt gạo thô có giá trị thấp. Tất nhiên, bên cạnh một số yếu tố khác thì việc vươn ra thị trường thế giới phụ thuộc vào sự phát triển công nghệ của chính các doanh nghiệp.