Hội thảo sản xuất thuốc và đàm phán TPP về Sở hữu trí tuệ

Theo vnpca.org.vn

(Tài chính) Được sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) và Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), ngày 14/8/2013 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam đã tổ chức Hội thảo sản xuất thuốc và đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) về Sở hữu trí tuệ.

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp dược trong nước và quốc tế. Nguồn: vnpca.org.vn
Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp dược trong nước và quốc tế. Nguồn: vnpca.org.vn
Tham dự Hội thảo có Ông Lê Văn Truyền - Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp của Unido tại Việt Nam; Ông Kiyoshi Adachi - Trưởng Đơn vị Sở hữu trí tuệ, UNCTAD, Geneva; Ông  Patrick J. Gilabert - Trưởng đại diện văn phòng UNIDO tại Việt Nam; Ông Pedro Roffe - Chuyên gia cao cấp ICTSD; Ông Nguyễn Văn Tựu, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam.

Tham dự hội thảo còn có đại diện các đơn vị của Bộ Y tế và đại diện các bộ ngành có thành viên trong đoàn đàm phán và sự có mặt của Đại diện tổ chức y tế thế giới. Cùng đại diện của gần 50 doanh nghiệp Dược Việt Nam.

Hội thảo cung cấp các thông tin chuyên sâu về các tác động của các quy định về sở hữu trí tuệ trong dự thảo TPP hiện tại, các hạn chế và điều khoản linh hoạt về sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm trong WTO (TRIPS) và Tác động của các đề xuất tăng cường bảo hộ trong lĩnh vực này (TRIPS+) đối với sản xuất thuốc trong nước. Những ảnh hưởng có thể có của TPP tới sự phát triển của công nghiệp Dược nội địa tại Việt Nam đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của một số nước Mỹ Latinh khi xử lý các điều khoản này trong đàm phán TPP.

Theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng, một số quy định mới áp dụng trong các điều khoản TPP: Liên kết nội dung các bằng sáng chế, Kéo dài thời gian bảo hộ bằng sáng chế, Bảo hộ độc quyền dữ liệu, Mở rộng phạm vi cấp bằng sáng chế …sẽ làm mất và làm chậm cơ hội của công nghiệp dược trong nước khai thác các hoạt chất hết bản quyền, chậm đưa các generic vào thị trường. Độc quyền về thuốc làm giá thuốc tăng và tước cơ hội tiếp cận thuốc của nhân dân, đặc biệt các nhóm dễ tổn thương (nhiễm HIV/AIDS, lao, các bệnh nhiễm khuẩn và siêu vi khuẩn, các bệnh mãn tính: tim mạch, tiểu đường …). Nhóm nghiên cứu cũng  đưa ra nhận định “TRIP+ không phù hợp với lợi ích hiện tại và trong tương lai của Việt Nam, và do đó cần hạn chế tối đa các cam kết TRIP+ trong Hiệp định TPP”.  “Cộng đồng doanh nghiệp và người dân mong chờ ở các nhà đàm phán Việt Nam thái độ cương quyết trong đàm phán về vấn đề này, nhằm đảm bảo TRIP+, nếu có, ở mức thấp nhất có thể trong khuôn khổ hiệp định TPP”.

Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp Dược Việt Nam tiếp cận và tìm hiểu thông tin Đàm phán TPP về sở hữu trí tuệ, một nội dung khá mới đối với các doanh nghiệp. Theo PGS.TS Lê Văn Truyền đàm phám TPP về Sở hữu trí tuệ không còn là vấn đề của Chính Phủ của các nhà đàm phán nữa, các doanh nghiệp mà thông qua Hiệp hội cần tìm hiểu kỹ và có những phản ứng mạnh mẽ đến các đơn vị liên quan vì đàm phán TPP về Sở hữu trí tuệ có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.