Mai Linh - Vực dậy từ sai lầm

Theo saigondautu.com.vn

Công ty CP Tập đoàn Mai Linh là một trong những công ty đầu tiên tạo dựng ngành nghề kinh doanh taxi ở Việt Nam. Ăn nên làm ra nhờ vào taxi, Mai Linh mở rộng hoạt động kinh doanh đa ngành khi đầu tư nhiều dự án không phải là sở trường và đã... thất bại. Hiện nay Mai Linh được ví như “người khổng lồ” mất kiểm soát. Vì thế, để lấy lại vị thế của một “ông lớn” taxi, Mai Linh buộc phải tái cơ cấu.

Mai Linh - Vực dậy từ sai lầm
Mai Linh quay lại tập trung đầu tư lĩnh vực thế mạnh taxi. Nguồn: saigondautu.com.vn

Vượt tầm kiểm soát

Ông Hồ Huy - vị thuyền trưởng Mai Linh - được biết đến là người có ý chí “thép” nhờ trải qua những giai đoạn thăng trầm, tôi luyện trong môi trường lính. Sau thời gian làm việc ở một số cơ quan nhà nước, ông Hồ Huy thành lập Công ty TNHH Vận tải hành khách và Du lịch Mai Linh, với tài sản ban đầu vỏn vẹn 1-2 chiếc xe, chủ yếu chạy xe du lịch và cho thuê.
Năm 1995 Mai Linh bắt đầu kinh doanh taxi. Đến năm 2002, công ty lớn mạnh theo số lượng đầu xe, chuyển đổi thành CTCP Mai Linh và kể từ năm 2007 là CTCP Tập đoàn Mai Linh. Nhìn lại quá trình phát triển của Mai Linh, từ một cơ sở nhỏ bé được thành lập ban đầu với số vốn 300 triệu đồng, vài chục lao động, đến nay Mai Linh đã nâng số vốn đầu tư lên gần 1.000 tỷ đồng, hơn 10.000 đầu xe và giải quyết công ăn việc làm cho trên 20.000 lao động. Taxi Mai Linh đã có thời điểm phủ sóng khắp cả nước, từ TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, cho tới những vùng xa xôi, hải đảo.

Để có số vốn đầu tư cho quá trình phát triển trên, Mai Linh đã tạo ra “bản sắc” huy động vốn dựa vào “4 đồng”: đồng tộc - đồng hương - đồng môn - đồng nghiệp. Với cách huy động vốn này, Mai Linh đã tận dụng được dòng vốn nhàn rỗi của các mối quan hệ nói trên để mua cổ phần công ty với tấm chân tình “của ít lòng nhiều”.

Tuy nhiên, khi vươn đến tầm tập đoàn, bộ máy của Mai Linh bắt đầu bộc lộ sự nặng nề, cồng kềnh với một công ty mẹ và khoảng 60 công ty con hoạt động ở nhiều lĩnh vực đào tạo, bất động sản, du lịch… Và để đầu tư vào những công ty con cũng như bổ sung thêm đầu xe, Mai Linh đã vay ngắn hạn (1-2 năm) tiền nhàn rỗi cá nhân, với lãi suất 18-25%/năm, trong khi tốc độ quay vòng vốn chậm, kinh doanh không có lãi, đã dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát.

Nỗ lực khắc phục

Kinh doanh thua lỗ, nợ nần đã khiến Mai Linh chịu nhiều sức ép từ cổ đông cũng như nguy cơ vuột mất vị thế chiếm lĩnh thị phần taxi ở 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội (với TaxiGroup) và TPHCM (với Vinasun). Trong 3 năm 2007, 2008 và 2009, Mai Linh lỗ ròng hàng trăm tỷ đồng.

Trong bối cảnh khó khăn này, liên tiếp tại các kỳ đại hội cổ đông năm 2010 và 2011, Mai Linh đã đặt vấn đề tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy quản lý, loại bỏ DN làm ăn kém hiệu quả. Thế nhưng tình hình kinh doanh của  Mai Linh không những không được cải thiện mà ngày càng đi xuống. 

Theo báo cáo của Mai Linh đến 31-12-2012, tổng nợ lên tới 4.631 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của toàn bộ tập đoàn chỉ 475 tỷ đồng. Tỷ lệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 9,74 lần. Theo các chuyên gia kinh tế, với một công ty hoạt động thuần vận tải như Mai Linh, đây là chỉ số quá cao và rất không an toàn.

Mai Linh sẽ tinh gọn bộ máy quản lý, chuyển đổi mô hình tập đoàn đa ngành nghề sang mô hình cũ là tập trung đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh taxi. Cùng với đó Mai Linh tập trung sắp xếp các khoản đầu tư, tiến hành thoái vốn, thanh lý tài sản ở hàng loạt ngành nghề không phải chủ lực.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Mai Linh

Đặc biệt, trong các khoản nợ của Mai Linh, khoản vay và nợ vay ngắn hạn lên đến 1.362 tỷ đồng, còn nợ vay dài hạn lên tới 2.127 tỷ đồng. Cuối năm 2012, câu chuyện thua lỗ của Mai Linh tiếp tục được mổ xẻ và ông Hồ Huy đã thừa nhận: “Thua lỗ của Mai Linh xuất phát từ sai lầm của mối liên hệ 4 đồng”.

Theo đó, ngoài nguồn vốn huy động ở ngân hàng, phần lớn khoản vay của Mai Linh là từ cán bộ công nhân viên (vay 800 người với số tiền 500 tỷ đồng) và người dân với lãi suất lên tới 1,8-1,84%/tháng. Vay ngắn hạn với lãi suất cao để đầu tư vào những lĩnh vực có mức sinh lời thấp, thu hồi vốn chậm, theo nhiều chuyên gia lẽ ra Mai Linh phải lường trước được.

Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty năm 2012 cho thấy lãi vay lên tới 467 tỷ đồng. Mức lãi suất quá cao trên doanh thu chính là một trong những nguyên nhân khiến Mai Linh rơi vào tình trạng khó khăn, kinh doanh tuột dốc không phanh.

Để vực dậy Mai Linh, lãnh đạo công ty đã kêu gọi cán bộ nhân viên "tiếp máu" bằng hình thức gia hạn nợ hoặc tiếp tục đầu tư vào công ty. Bên cạnh đó, thay vì phân tán nguồn lực ở nhiều địa phương, Mai Linh đang điều xe về phục vụ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Trong năm 2013, kế hoạch của Mai Linh sẽ phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng. Đây là một trong những giải pháp tài chính để Mai Linh chi trả các khoản nợ vay, tiếp tục đầu tư vào ngành nghề chính để ổn định, vượt qua khó khăn, khôi phục vị thế là hãng taxi lớn nhất nước.