Người thay đổi cục diện thị trường bưu chính Việt Nam 2012

Đỗ Vinh - Ngọc Dung (thực hiện)

(Tài chính) Từ 5 cán bộ đầu tiên và 1 dịch vụ duy nhất là phát hành báo trong một số đơn vị quân đội, Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã có những bước chuyển lớn trong 15 năm xây dựng và phát triển, với dịch vụ đa dạng cả trong nước và quốc tế. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Đắc Luân - Phó tổng giám đốc Tổng công ty để hiểu rõ hơn về những bước đi vững chắc của doanh nghiệp mới nổi trên thị trường bưu chính này trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.

PV: Nhìn lại chặng đường vừa qua, một trong những ấn tượng mạnh về Tổng công ty là sự tăng trưởng về quy mô, gấp tới… 200 lần so với những ngày đầu thành lập Trung tâm Bưu chính, với 2.000 cán bộ. Thưa ông, là người trong cuộc, ông nghĩ thế nào về sự lớn mạnh này?

Người thay đổi cục diện thị trường bưu chính Việt Nam 2012 - Ảnh 1
Đại tá Nguyễn Đắc Luân

Ông Nguyễn Đắc Luân: Đây cũng là điều làm chúng tôi rất tự hào, vì nó thể hiện sự nỗ lực, cố gắng và luôn đổi mới tư duy của toàn thể cán bộ nhân viên của Tổng công ty. Nhưng nếu chúng tôi chỉ có sự tăng trưởng về số cán bộ thì mới chỉ là sự “co giãn” bên ngoài. Trọng tâm của việc phát triển công ty chính là chất lượng dịch vụ và khách hàng, với “thước đo” là lượng khách hàng thường xuyên và đưa dịch vụ tới gần nhất với khách hàng. Do đó, cùng với số cán bộ hiện nay là 2.000 người, chúng tôi luôn duy trì thường xuyên 19.000 khách hàng trên toàn hệ thống. Mạng lưới cung cấp dịch vụ không chỉ giới hạn ở các tỉnh, thành phố lớn mà đã “phủ” 98% huyện, 85% xã trên lãnh thổ Việt Nam. Là đơn vị bưu chính Việt Nam đầu tiên đầu tư ra nước ngoài, từ năm 2009 đến nay, mạng lưới của chúng tôi cũng đã vươn rộng khắp 23/23 tỉnh của nước bạn Campuchia.

PV: Từ 1 dịch vụ duy nhất là phát hành báo, đến nay ngoài các dịch vụ bưu chính, chuyển phát, Tổng công ty còn cung cấp nhiều dịch vụ khác như đại lý viễn thông, vé máy bay, văn phòng phẩm, kho bãi… Vậy thưa ông, những dịch vụ gia tăng này liệu có làm “loãng” đi nhiệm vụ bưu chính của công ty?

Ông Nguyễn Đắc Luân: Chúng tôi có những bộ phận riêng phụ trách các dịch vụ gia tăng này. Xuất phát từ chính nhu cầu của khách hàng mong muốn có những đại lý chuyên nghiệp cung cấp các dịch vụ như văn phòng phẩm, vé máy bay… tại chính địa phương, và có khả năng giao  nhận hàng tận nơi. Đồng thời, đây cũng là cách chúng tôi tận dụng những cơ sở sẵn có để tăng thu nhập cho người lao động. Ví dụ như là một đơn vị bưu chính, chúng tôi buộc phải có hệ thống kho bãi, vận chuyển. Tận dụng điều này, hiện chúng tôi cung cấp dịch vụ kho bãi lên đến 5.000m2 tại các thành phố để lưu, trung chuyển hàng hóa với phương tiện vận chuyển 120 xe đủ loại trọng tải.

Vì vậy, không những giúp khách hàng tiếp cận được với những dịch vụ chuyên nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động mà những dịch vụ gia tăng này còn góp phần làm giảm chi phí cho chính khách hàng. Tính từ năm 2006 đến nay, thu nhập bình quân của Viettel Post đã tăng hơn 3 lần, doanh thu tăng gấp 7,5 lần và nộp ngân sách cho Nhà nước gấp 5,5 lần.

Người thay đổi cục diện thị trường bưu chính Việt Nam 2012 - Ảnh 2

Mạng lưới của Viettel Post đã “phủ” không chỉ rộng khắp trên lãnh thổ Việt Nam mà cả 23/23 tỉnh của nước bạn Campuchia.

PV: Giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu của khách hàng giảm sút nhưng doanh thu và thu nhập bình quân của Tổng công ty luôn tăng trưởng đều đặn đặc biệt là trong năm 2012 vừa qua. Những người chèo lái “con thuyền” Bưu chính Viettel hẳn phải có bí quyết “vượt bão” gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đắc Luân: Theo tôi đó chính là “phải luôn đổi mới tư duy”. Không phải bây giờ, khi kinh tế khó khăn chúng tôi mới có phương châm ấy mà đó là sự vận động liên tục của Bưu chính Viettel, luôn đặt mình trong tâm thế “vượt bão”.

Một trong các đổi mới của chúng tôi là ứng dụng công nghệ thông tin, giúp tối ưu hóa quy trình, tối giản nhân công để nâng cao năng suất lao động. Năm 2009, là năm đánh dấu những thành công đầu tiên trong việc ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin vào điều hành quản lý các hoạt động kinh doanh của Bưu chính Viettel. Chúng tôi đã đầu tư đồng bộ máy quét mã vạch, đưa trang web: www.viettelpost.com.vn vào hoạt động; tích hợp phần mềm chuyển phát vào trang web; hoàn thành phần mềm bán hàng, quản lý, xây dựng hoàn thiện kế hoạch nâng cấp phần mềm và điều phối tuyến bưu tá qua thiết bị cầm tay; thử nghiệm thành công thiết bị đọc mã vạch cầm tay, thiết bị định vị GPS.

Nhờ có nền tảng công nghệ này, khách hàng được cung cấp nhiều tiện ích hơn. Hành trình bưu gửi được cập nhật online trên website: www.viettelpost.com.vn. Khách hàng truy cập để biết hành trình bưu gửi từ lúc gửi cho tới khi bưu phẩm được phát với tận tay người nhận hoặc chỉ cần nhắn tin với mã số bưu gửi đến tổng đài 178 (miễn phí) thì toàn bộ hành trình của bưu gửi đó sẽ được cập nhật đầy đủ. Và với thiết bị định vị GPS, khách hàng có thể biết bưu gửi của mình hiện đang được vận chuyển trên xe nào, tại địa điểm nào và hiện trạng ra sao. Đây là một hệ thống nâng cao chất lượng dịch vụ mà rất ít doanh nghiệp bưu chính đưa vào áp dụng đồng bộ như Bưu chính Viettel.

Người thay đổi cục diện thị trường bưu chính Việt Nam 2012 - Ảnh 3

Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, Viettel Post đã tạo ra một mạng dịch vụ bưu chính hiện đại, thân thiện với khách hàng

PV: Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, Bưu chính Viettel thành công nhờ lợi thế sẵn có là khách hàng trong các đơn vị quân đội. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Ông Nguyễn Đắc Luân: Thực tế, khi thành lập chúng tôi cũng chỉ có 10 khách hàng đầu tiên. Năm 2006 Công ty TNHH MTV Bưu chính Viettel được thành lập, thay thế cho Trung tâm. Bưu chính Viettel là đơn vị đầu tiên trong Tập đoàn được tách ra trở thành một đơn vị hạch toán độc lập và thực hiện cổ phần hóa.

Vì vậy, cũng có thể nói đó là lợi thế ban đầu và cũng là nhiệm vụ của chúng tôi. Nhưng qua chặng đường 15 năm, chúng tôi không thể có được kết quả hôm nay, nhất là khi đã trở thành một đơn vị hạch toán độc lập trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt, nếu không liên tục đổi mới tư duy, không luôn luôn tôn trọng, quan tâm lắng nghe thấu hiểu khách hàng của mình.

Trung tâm Bưu chính Viettel được thành lập năm 1997. Năm 2006 trở thành Công ty TNHH MTV Bưu chính Viettel. Năm 2012, chính thức hoạt động theo cơ chế Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel - Tổng công ty đầu tiên của Tập đoàn Viettel. Hiện tại mạng lưới của Bưu chính Viettel gồm 4 công ty thành viên, 61 chi nhánh và 135 bưu cục toàn quốc, cùng 23 đơn vị tại Campuchia.

Doanh thu kinh doanh năm 2012 ước đạt 840 tỷ đồng hoàn thành 105% kế hoạch năm, tăng trưởng xấp xỉ 140% so với năm 2011. Thu nhập bình quân đạt 8,7 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 45% so với năm 2011.

Danh hiệu “Doanh nghiệp vì cộng đồng”,  "Doanh nghiệp ứng dụng Công nghệ thông tin hiệu quả nhất" năm 2010;  một trong 500 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2011; Huân chương Lao động hạng Ba; Thương hiệu mạnh và phát triển bền vững năm 2012.