Smart Train ký và PwC Việt Nam hợp tác đào tạo áp dụng IFRS

PV.

Việc hợp tác giữa Smart Train và PwC Việt Nam nhằm mục tiêu tạo ra môi trường cho các doanh nghiệp tương tác, chia sẻ thông tin, bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi chuyên môn đặc biệt trong việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trong hoạt động quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp.

Toàn cảnh lễ ký kết.
Toàn cảnh lễ ký kết.

Đó là cam kết giữa Smart Train và PwC Việt Nam tại buổi ký kết hợp tác diễn ra ngày 24/01 tại TP. Hồ Chí Minh. Lễ ký kết có sự tham dự của bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính) và các đại diện đến từ Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội Kế toán TP. Hồ Chí Minh (HAA), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).

Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang dần tiệm cận với những quy chuẩn, chuẩn mực toàn cầu trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và minh bạch trên thị trường, việc nâng cao năng lực quản trị công ty là yêu cầu thiết yếu đối với các cấp lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo đó, cả lãnh đạo và các cấp quản lý của công ty đều cần cập nhật các kiến thức tổng hợp, chuyên sâu và sự hiểu biết các thông lệ hàng đầu về quản trị công ty, kế toán quản trị, kế toán tài chính, rủi ro, kiểm soát rủi ro...

Là công ty cung cấp các dịch vụ kiểm toán và tư vấn hàng đầu thế giới, PwC thường xuyên tổ chức và đóng góp ý kiến chuyên gia tại các sự kiện lớn, các hội thảo chuyên sâu trong các lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, tài chính, rủi ro, an ninh mạng…

Theo ông Hoàng Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng thị trường trong nước của PwC Việt Nam, sự hợp tác giữa PwC Việt Nam và Smart Train có vai trò quan trọng trong việc tạo ra cơ hội và môi trường tương tác giữa các doanh nghiệp, và giữa các doanh nghiệp với các chuyên gia hàng đầu của mạng lưới PwC.

Chứng kiến lễ ký kết, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán cho biết, việc hợp tác giữa các đơn vị chuyên nghiệp như PwC và Smart Train sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, các lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp và giúp các cơ quan quản lý thuận lợi hơn trong công tác quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi, tăng cường nhận thức và tính tuân thủ của doanh nghiệp với các yêu cầu và quy định của các cơ quan quản lý nhà nước về quản trị, tài chính, kế toán, kiểm toán, rủi ro và kiểm soát của các thành viên thị trường là rất cần thiết.

Trong năm nay, Bộ Tài chính sẽ làm đề án đánh giá toàn bộ khả năng của Việt Nam trong áp dụng IFRS. Bộ Tài chính cũng vừa ký kết với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nhằm giúp đỡ Bộ Tài chính trong việc đánh giá toàn bộ thực trạng hiện nay. Hiện nay, định hướng của Bộ Tài chính là các công ty niêm yết, các ngân hàng, các tổ chức tài chính như bảo hiểm, chứng khoán sẽ là đối tượng áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và sẽ có lộ trình cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi.
“Ở Hàn Quốc, họ đã áp dụng IFRS từ năm 2012. Trước đó vào năm 2009, Hàn Quốc chính thức công bố lộ trình áp dụng IFRS. Vì vậy, các doanh nghiệp có 3 năm để thực hiện chuyển đổi. Và trong 3 năm đó các doanh nghiệp được tăng cường đào tạo, đổi mới tất cả các vấn đề về IT, quản trị công ty” – bà Nhung chia sẻ.

Chia sẻ về lễ ký kết, ông Phạm Ngọc Hoàng Thanh, Giám đốc Điều hành Smart Train cho biết: “Thông qua việc hợp tác tổ chức các cuộc tọa đàm, hội nghị, hội thảo với những chủ đề thiết thực cho doanh nghiệp, PwC và Smart Train sẽ tạo ra những cầu nối chia sẻ thông tin, bồi dưỡng nghiệp vụ và trao đổi chuyên môn bổ ích giữa các chuyên gia quản trị, kế toán, tài chính trong và ngoài nước… với các cấp lãnh đạo và quản lý của các doanh nghiệp”.