Thành lập Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Ngày 4/6/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký Giấy phép cho phép thành lập Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo đề nghị của Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương.

Thành lập Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam
Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác xã nhiệm kỳ đầu tiên. Nguồn: Internet

Theo đó, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam có trụ sở chính tại Tòa nhà 15T đường Nguyễn Thị Định, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Ngân hàng này có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, bao gồm vốn hỗ trợ của Nhà nước, vốn góp của quỹ tín dụng nhân dân thành viên và các pháp nhân khác.

Thời hạn hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là 99 năm.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam, được thành lập các đơn vị mạng lưới trong nước và nước ngoài khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

Về nội dung, phạm vi hoạt động, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam được mở tài khoản tiền gửi cho các thành viên là quỹ tín dụng nhân dân; nhận tiền gửi, cho vay điều hòa vốn đối với quỹ tín dụng nhân dân thành viên theo Quy chế điều hòa vốn được Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác xã thông qua và được công khai đến tất cả các quỹ tín dụng nhân dân thành viên; xây dựng, phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ mới trong hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân thành viên đáp ứng nhu cầu của các thành viên quỹ tín dụng nhân dân và phục vụ phát triển lợi ích cộng đồng trên địa bàn sau khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Đối với khách hàng không phải là quỹ tín dụng nhân dân thành viên, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam được nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán và các loại tiền gửi khác của tổ chức và cá nhân; cho vay đối với khách hàng không phải là quỹ tín dụng nhân dân thành viên khi đã ưu tiên đáp ứng nhu cầu điều hòa vốn của quỹ tín dụng nhân dân thành viên, duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay khách hàng không phải là quỹ tín dụng nhân dân thành viên theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam được phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác để huy động vốn trong nước và nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; vay vốn trên thị trường tiền tệ trong nước và vay vốn của tổ chức tài chính, tín dụng, các tổ chức khác và cá nhân trong, ngoài nước theo quy định của pháp luật; Ủy thác và nhận ủy thác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định của pháp luật liên quan; vay vốn của Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn và các hình thức vay vốn khác theo quy định; thực hiện các nghiệp vụ chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh ngân hàng; phát hành thẻ tín dụng theo quy định...

Thu hồi Giấy phép của Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương

Cũng trong ngày 4/6/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định thu hồi Giấy phép hoạt động Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương.

Theo đó, trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ khi Giấy phép thành lập và hoạt động Ngân hàng Hợp tác xã có hiệu lực thi hành, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hoàn trả Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) Giấy phép hoạt động số 001/NH-GP ngày 20/7/1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp cho Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam có trách nhiệm kế thừa và tiếp tục thực hiện mọi quyền lợi và nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp cũng như có trách nhiệm xử lý mọi tồn tại, phát sinh từ Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của pháp luật có liên quan.