Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin, điện tử phát triển

Hữu Thông

Sáng ngày 24/8, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC), Sở Thông tin và truyền thông tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp ngành Công nghệ thông tin - điện tử dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến.

Toàn cảnh hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp ngành Công nghệ thông tin - điện tử với chính quyền thành phố. Ảnh: Hữu Thông
Toàn cảnh hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp ngành Công nghệ thông tin - điện tử với chính quyền thành phố. Ảnh: Hữu Thông

Tại buổi đối thoại, đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh và các sở, ngành đã lắng nghe và giải đáp các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp (DN) trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng trao đổi các sáng kiến, kiến nghị giải pháp của DN về đổi mới, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, xây dựng chính quyền điện tử, mô hình thành phố thông minh.

Theo đại diện Công ty cổ phần Công nghệ Go-Ixe, hiện tại việc áp dụng công nghệ thông tin - điện tử còn khá hạn chế. TP. Hồ Chí Minh có thể tận dụng giai đoạn phát triển mạnh mẽ của chương trình khởi nghiệp quốc gia cho việc giải quyết các vấn đề cấp bách của thành phố. Nếu tận dụng tốt hệ sinh thái khởi nghiệp hiện tại, thành phố hoàn toàn có thể áp dụng vào việc xây dựng “Thành phố thông minh”.

Đại diện Công ty cổ phần Công nghệ Go-Ixe đề xuất chính quyền Thành phố nên đặt hàng cộng đồng khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh thông qua các vườn ươm, Sở Khoa học và Công nghệ đối với các giải pháp giao thông, chống kẹt xe, giải pháp trong lĩnh vực gọi xe, giải pháp sắp xếp gánh hàng rong, giải pháp đặt lịch hẹn trực tuyến đối với cơ quan hành chính phường, xã và cho chỉ số tín nhiệm trên mỗi cuộc tiếp dân (ứng dụng di động), cải thiện văn hoá làm việc. Bên cạnh đó, công ty cũng đề xuất thiết lập kênh đối thoại thường xuyên để các doanh nghiệp công nghệ tham gia hiến kế, giải pháp cho chính quyền thành phố; xây dựng cổng thông tin các chương trình cấp thiết của thành phố để tiếp thu giải pháp của doanh nghiệp.

 Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các đề xuất của DN sẽ là một trong các cơ sở để thành phố triển khai thực hiện “Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Nội dung đề án sẽ xác định khung kiến trúc công nghệ thông tin cho đô thị thông minh với các tiêu chuẩn theo hướng kiến tạo hệ sinh thái mở.

Được biết, trong chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố giai đoạn 2011 - 2015, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong việc chuyển dịch ngành điện tử với những sản phẩm hàm lượng công nghệ cao. Chương trình phát triển vi mạch của thành phố đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chip thế giới (đứng thứ 3 về lĩnh vực thiết kế vi mạch trong khu vực ASEAN), đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước về điện tử - công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp trực tiếp của ngành điện tử - công nghệ thông tin - viễn thông vào thành quả chung của kinh tế thành phố còn chưa cao, năm 2015 chiếm 4,1%, chưa tương xứng với tiềm lực của thành phố do còn tồn tại nhiều rào cản làm hạn chế năng lực canh tranh, thúc đẩy DN phát triển như cơ chế chính sách chưa đồng bộ, người thực thi chính sách chưa tạo điều kiện cho DN được hưởng các ưu đãi đặc thù của ngành.