Vietcombank mở rộng quan hệ với doanh nghiệp Nhật Bản

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hiện đang điều phối 147/153 dự án ODA của Nhật với tổng giá trị 20,2/21 tỷ USD. Bên lề Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam – Nhật Bản 2013 vừa diễn ra tại Hà Nội, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, việc tham gia Diễn đàn lần này không chỉ nằm trong hoạch định kinh doanh của Vietcombank mà còn thể hiện lòng tin vào sự phát triển quan hệ bền chặt với các đối tác Nhật Bản.

Phóng viên: Tại sao Vietcombank lại quan tâm Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt - Nhật, thưa ông?

Ông Nghiêm Xuân Thành: Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt – Nhật 2013 là một trong những sự kiện quan trọng chào mừng kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Là ngân hàng đối ngoại hàng đầu của Việt Nam, Vietcombank ngay từ những năm đầu quan hệ Việt - Nhật và đến thời điểm hiện nay vẫn là ngân hàng phục vụ chính cho các dự án ODA của Nhật với việc điều phối 147/153 dự án với tổng giá trị 20,2/21 tỷ USD. Hiện nay, Vietcombank vẫn giữ vai trò quan trọng trong phối hợp với các đối tác như JBIC và nay là JICA để hỗ trợ các  nhà thầu, doanh nghiệp đảm bảo tiến độ của các dự án. Nguồn vốn ODA giải ngân qua Vietcombank góp phần triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia đúng tiến độ, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Năm 2013 kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt - Nhật cũng kỷ niệm 50 năm thành lập Vietcombank. Trong suốt 50 năm phát triển của mình, Vietcombank luôn dành sự quan tâm nhiều đến các đối tác, khách hàng Nhật Bản. Sự gắn bó giữa Vietcombank với các cơ quan và doanh nghiệp Nhật Bản càng được thể hiện đặc biệt qua việc Vietcombank đã lựa chọn Mizuho Corporated Bank - ngân hàng lớn thứ 3 của Nhật - là đối tác chiến lược để cùng hiện thực hóa những cam kết trong việc phát triển kinh doanh của hai ngân hàng, của các doanh nghiệp, khách hàng hai bên cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển của hai quốc gia.

Vì vậy, việc Vietcombank tham gia Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt - Nhật lần này không chỉ nằm trong hoạch định kinh doanh của Vietcombank mà còn thể hiện lòng tin tưởng vào sự phát triển quan hệ bền chặt với các đối tác Nhật Bản.

Vietcombank có kế hoạch gì để tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp Nhật Bản, thưa ông?

Với bề dày kinh nghiệm trong phục vụ các dự án vốn ODA, Vietcombank sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các đối tác Nhật Bản. Chúng tôi đã thiết lập bộ phận chuyên trách lĩnh vực này trong đó quan tâm đặc biệt quan hệ với Nhật Bản. Vai trò khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng quan trọng với Việt Nam, trong đó sự hiện diện cũng như đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản càng trở nên rõ nét và chiếm ưu thế. Do đó, Vietcombank chủ trương mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp Nhật Bản qua kế hoạch thành lập Japan Desk tại Vietcombank. Japan Desk sẽ cung cấp, tư vấn những thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, giới thiệu đối tác tiềm năng cho doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản, cung cấp gói giải pháp tài chính chuyên biệt cho khách hàng Nhật Bản… 

Song hành với đối tác chiến lược của chúng tôi là Mizuho, hai bên đã đi đến những thống nhất thông qua những hợp tác hỗ trợ kỹ thuật và đặt ra các kế hoạch phát triển các khách hàng của hai bên, đặc biệt là các khách hàng là doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Vietcombank sẽ cùng với Mizuho cụ thể hóa các kế hoạch của mình bằng những kết quả trong thời gian tới.

Ông đánh giá bối cảnh thị trường tài chính ngân hàng tại Việt Nam hiện nay như thế nào?

Thời gian qua, toàn ngành ngân hàng tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, theo đúng lộ trình nêu tại Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Theo đó, kỷ cương, kỷ luật ngành ngân hàng từng bước được củng cố; nguy cơ đổ vỡ hệ thống được ngăn chặn, an toàn của hệ thống được đảm bảo; vấn đề nợ xấu của hệ thống được nhận diện rõ nét và bước đầu có chuyển biến tích cực trong triển khai xử lý.

Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều gói giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế nhằm hạ mặt bằng lãi suất để hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội, điều tiết hoạt động kinh doanh vàng, điều hành tỷ giá… Các chính sách cũng như các giải pháp này đã được các ngân hàng thương mại trong nước thực thi khá nghiêm túc và tính đến thời điểm này đã có những tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế và tâm lý của người dân. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, huy động vốn và cho vay tín dụng đạt mức tăng trưởng khả quan, lãi suất có xu hướng giảm dần sẽ tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận với vốn vay. Việc xử lý nợ xấu cũng được các ngân hàng đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó, việc triển khai Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng hứa hẹn sẽ góp phần làm lành mạnh và tăng chất lượng của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.   

Xin ông cho biết chiến lược kinh doanh của Vietcombank từ nay đến năm 2020?

Mục tiêu tổng thể trong chiến lược của chúng tôi là xây dựng Vietcombank thành một tập đoàn ngân hàng tài chính đa năng, có phạm vi hoạt động quốc tế, có vị thế hàng đầu tại Việt Nam; mang lại cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất; hài hòa lợi ích giữa khách hàng, cổ đông và người lao động.

Tầm nhìn 2020 của Vietcombank là phấn đấu trở thành một trong hai ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam có sức ảnh hưởng trong khu vực và là một trong 300 Tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới vào năm 2020. Hiện nay, Vietcombank là ngân hàng Việt Nam đầu tiên và duy nhất lọt vào bảng xếp hạng 500 ngân hàng hàng đầu thế giới do Tạp chí The Banker công bố tháng 7.2013.

Vietcombank đã đề ra lộ trình phát triển thành Tập đoàn, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2011 - 2015: duy trì và phát triển Mô hình Công ty mẹ con. Giai đoạn 2016 – 2020: hoàn thiện các điều kiện để trở thành tập đoàn ngân hàng – tài chính đa năng. Theo đó, tiếp tục khẳng định vị thế đối với mảng hoạt động kinh doanh lõi của Vietcombank là hoạt động ngân hàng thương mại. An toàn và hiệu quả trong kinh doanh là mục tiêu hàng đầu…

Xin cám ơn ông!