Vietcombank: Rộng cửa tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng trọng yếu

PV.

(Tài chính) Một trong những nhiệm vụ trọng yếu được Vietcombank đẩy mạnh thực hiện trong bối cảnh hiện nay là đẩy mạnh triển khai hỗ trợ doanh nghiệp bằng các gói ưu đãi lãi suất; trong đó, đặc biệt tăng cường, đẩy mạnh hoạt động tín dụng xuất khẩu...

Các khoản tín dụng xuất khẩu của Vietcombank đã và đang tập trung vào các mặt hàng của Việt Nam trong đó có dệt may
Các khoản tín dụng xuất khẩu của Vietcombank đã và đang tập trung vào các mặt hàng của Việt Nam trong đó có dệt may

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 18/07/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2013, Vietcombank đã vào cuộc một cách quyết liệt bằng việc đẩy mạnh giải ngân vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động xuấ nhập khẩu. Thực tế, trong suốt truyền thống vẻ vang 50 năm hoạt động, Vietcombank luôn được thừa nhận là ngân hàng dẫn đầu, chủ lực và chủ đạo của ngành Ngân hàng Việt Nam trong lĩnh vực thanh toán xuất nhập khẩu nói chung cũng như với lĩnh vực cho vay tín dụng xuất khẩu nói riêng.

Có thể nói, từ năm 2011 đến nay, hoạt động tín dụng xuất khẩu của Vietcombank đã có sự tăng trưởng rõ rệt. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt năm 2011 với chính sách thắt chặt tín dụng của Chính phủ và NHNN, Vietcombank đã nỗ lực hết sức, tập trung nguồn lực để duy trì, phát triển thế mạnh về tài trợ xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nói riêng. Nhìn vào kết quả cụ thể trong giai đoạn 2011- 2013, cho thấy, nếu so sánh với  năm 2011, về doanh số: Doanh số cho vay năm 2012 tăng 65%, đạt 102 nghìn tỷ VND. Doanh số thanh toán chiết khấu chứng từ hàng xuất tăng 13% đạt gần 18 nghìn tỷ VND. Mặc dù mới qua 8 tháng đầu của năm 2013 nhưng doanh số cho vay đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước , đạt gần 69 nghìn tỷ VND. Doanh số chiết khấu đạt gần 12 nghìn tỷ VND tương đương 80% doanh số năm 2011. Về dư nợ: Cuối năm 2012, dư nợ cho vay xuất khẩu tăng 64%. Cuối tháng  8/2013, dư nợ cho vay xuất khẩu đạt hơn 32 nghìn tỷ, tăng tương ứng 75% so với cuối năm 2011 và 7,1% so với cuối năm 2012.

Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất cầm chừng, một số doanh nghiệp đóng cửa tạm ngừng hoạt động thì phương châm của Vietcombank là lựa chọn những lĩnh vực, những doanh nghiệp tốt, bền vững thông qua chính sách khách hàng hợp lý (bao gồm cả việc giảm lãi suất và lợi nhuận trong ngắn hạn). Các khoản tín dụng xuất khẩu của Vietcombank đã và đang tập trung vào các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như thủy sản (tôm, cá tra…), may mặc, gạo, thực phẩm, giày dép, vải sợi, đồ gỗ và cao su… Đây là những lĩnh vực ngành hàng thời gian qua được Chính phủ tập trung… Song song với việc thực hiện các chương trình tín dụng lớn theo chủ trương của Chính phủ cho vay ưu đãi đối với một số đối tượng ưu tiên trong đó bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu có hoạt động sản xuất kinh doanh được đánh giá hiệu quả, với lãi suất thấp nhất có thể là 6,5%; các chương trình cho vay thu mua tạm trữ thóc gạo vụ Đông Xuân và Hè Thu, cho vay thu mua cá tra/cá ba sa... Vietcombank đã chủ động triển khai các chương trình cho vay ưu đãi dành cho các đối tượng được ưu tiên với lãi suất ngắn hạn VND thấp nhất có thể là 5,0%/năm.

Một số chương trình cho vay ưu đãi lãi suất hiện đang được Vietcombank triển khai trong năm 2013 như: (i) Chương trình cho vay ưu đãi lãi suất VND với quy mô 50.000 tỷ đồng, đã giải ngân 64.171 tỷ VND, dư nợ đạt 32.786 tỷ VND; (ii) Chương trình cho vay ưu đãi lãi suất USD với quy mô 1 tỷ USD, đã giải ngân 1.737 triệu USD, đạt dư nợ 834 triệu USD; (iii) Chương trình VND lãi suất USD với quy mô 10.000 tỷ đồng; (iv) Chương trình cho vay ưu đãi lãi suất ngắn hạn đối với khách hàng định danh, đã giải ngân 3.279 tỷ đồng, đạt dư nợ 3.212 tỷ đồng. Các chương trình ưu đãi lãi suất này đều được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như thông qua các hoạt động tiếp xúc trực tiếp, cụ thể đến khách hàng.

Bên cạnh đó, mọi thủ tục, hồ sơ vay vốn cũng đã được Vietcombank tiết giảm tối đa và đăng tải công khai. Mục tiêu cuối cùng của Vietcombank là tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN, các chương trình mà Vietcombank triển khai từ đầu năm 2013 đến nay đã nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp, khách hàng và mang lại nhiều hiệu quả.

Từ nay đến hết năm 2013 và tạo tiền đề cho năm 2014, định hướng của Vietcombank sẽ là tập trung mọi nguồn lực, mọi giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2013 trên cơ sở đảm bảo an toàn, hiệu quả, không hạ chuẩn tín dụng. Cụ thể:

Thứ nhất, triển khai các chương trình/sản phẩm cho vay ngắn – trung – dài hạn và chương trình lãi suất ưu đãi hiệu quả, đúng đối tượng theo quy định;

Thứ hai, rà soát và đánh giá thị phần của Vietcombank để áp dụng chính sách khách hàng linh hoạt, cạnh tranh theo từng nhóm đối tượng nhằm mục tiêu gia tăng thị phần;

Thứ ba, thực hiện phát triển khách hàng tốt, mang lại nhiều lợi ích cho Vietcombank;

Thứ tư, ưu tiên tăng trưởng tín dụng vào ngành/đối tượng ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN trên cơ sở phù hợp với thế mạnh kinh tế của địa bàn;

Thứ năm, rà soát, đẩy nhanh giải ngân vốn cho vay đối với các dự án sản xuất – kinh doanh hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn cao thuộc các lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế.

Với những đóng góp của mình cho lĩnh vực thanh toán xuất nhập khẩu chung của cả nước và riêng trong lĩnh vực tín dụng cho xuất khẩu, Vietcombank đã thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh của mình. Đồng thời, qua đó góp phần tạo điều kiện, hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhất là trong bối cảnh hiện nay giúp cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua khỏi thời điểm khó khăn, hướng tới phát triển đi lên trong tương lai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.