Vươn ra thế giới để khẳng định mình

Theo sggp.org.vn

(Tài chính) Hai doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin lớn nhất nhì Việt Nam là Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và Tập đoàn FPT đang đẩy mạnh chiến lược “toàn cầu hóa” của mình.

Vươn ra thế giới để khẳng định mình
Sản xuất thiết bị viễn thông tại nhà máy của Viettel. Nguồn: internet

Sẽ là 1 trong 20 công ty viễn thông lớn nhất thế giới

Những năm qua, trong khi VNPT vẫn loay hoay với bài toán tái cơ cấu và tìm đường ra nước ngoài, thì Viettel đã thành công trong việc đầu tư ra nước ngoài. Điều mà không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng làm được, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế trên toàn thế giới kéo dài suốt những năm qua.

Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của Bộ Thông tin - Truyền thông, Phó Tổng giám đốc Viettel - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng (nay là Tổng giám đốc) cho biết, doanh thu từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Viettel trong năm 2013 đã đạt 1 tỷ USD, tăng trưởng 30% so với năm 2012. Lợi nhuận từ việc đầu tư ra nước ngoài của Viettel đạt 150 triệu USD trong năm 2013. Như vậy, tính từ năm 2011 đến nay, Viettel đã chuyển khoảng 270 triệu USD lợi nhuận từ đầu tư nước ngoài về nước. Ở thị trường nước ngoài, trong năm 2013, Viettel có thuê bao điện thoại lũy kế toàn mạng 14,75 triệu thuê bao.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, chiến lược của Viettel đang chuyển dịch từ công ty viễn thông trong nước sang công ty đa quốc gia. Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020, doanh thu từ thị trường nước ngoài sẽ lớn hơn trong nước và Viettel sẽ là một trong 10 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về đầu tư ra nước ngoài và là một trong 20 công ty viễn thông lớn nhất thế giới.

Thật ra, từ khá lâu và rất nhiều lần, lãnh đạo Viettel khẳng định: thị trường trong nước to, nhưng cũng giống như cái áo đã chật, “bắt buộc” doanh nghiệp phải ra nước ngoài nếu muốn tiếp tục phát triển.

Hướng tới một tập đoàn công nghệ quy mô toàn cầu

Với FPT, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình đã khẳng định, thị trường công nghệ thông tin Việt Nam bắt đầu trở nên nhỏ bé với FPT. Đã đến lúc FPT cần có những thách thức, sân chơi lớn hơn nữa để tiếp tục phát triển và tăng trưởng mạnh như trong quá khứ. Toàn cầu hóa là con đường duy nhất để FPT tiếp tục phát triển, trở thành một tập đoàn công nghệ quy mô toàn cầu. Lãnh đạo FPT cũng cho biết, Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Myanmar và khối các nước đang phát triển sẽ là thị trường trọng tâm của FPT trong chiến lược toàn cầu hóa. Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ ủy thác phát triển phần mềm tại các thị trường truyền thống, FPT cũng sẽ tiên phong cung cấp giải pháp ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ mới Social, Mobility, Bigdata/Analytics, Cloud (SMAC) cho thị trường Mỹ, Nhật Bản, Singapore.

Sau 25 năm phát triển, hiện nay FPT đã có văn phòng đại diện ở 16 quốc gia: Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Myanmar, Lào, Campuchia, Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Australia, Kuwait, Bangladesh và Indonesia. Trong số các lĩnh vực hoạt động ở nước ngoài, lĩnh vực phát triển dịch vụ phần mềm của FPT đã được khẳng định ở tầm thế giới. Mới đây, FPT Software là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được vinh danh trong tốp 100 nhà cung cấp dịch vụ gia công phần mềm (outsourcing) toàn cầu. Năm 2014, FPT Software dự kiến tuyển dụng 2.500 nhân viên mới và tăng trưởng doanh thu khoảng 30% so với năm 2013, hướng tới mục tiêu doanh thu 200 triệu USD và 10.000 nhân viên vào năm 2016. Năm 2013, doanh thu toàn cầu hóa của FPT đạt 2.607 tỷ đồng (khoảng 130 triệu USD, chiếm gần 10% tổng doanh thu của FPT), tăng trưởng 30% so với năm 2012. FPT đang hướng tới mục tiêu đạt 350 - 400 triệu USD doanh thu từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài vào năm 2016 và trở thành nhà tích hợp hệ thống hàng đầu khu vực ASEAN trong lĩnh vực dịch vụ tin học và ứng dụng chuyên ngành.

Mới đây, Tổng Giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc cho biết FPT đã chuẩn bị khoảng 50 triệu USD để tiến hành các thương vụ mua bán - sát nhập (M&A) với những công ty về công nghệ, thị trường hoặc dịch vụ để tăng trưởng nhanh trong hành trình toàn cầu hóa của mình ngay trong năm 2014 này. Theo đó, chiến lược M&A của FPT sẽ hướng tới những công ty nước ngoài hoặc trong nước đang có thế mạnh về công nghệ, thị trường mà FPT chưa có hoặc có nhưng chưa đủ mạnh. “Mỗi thị trường có một nét văn hóa kinh doanh riêng. Nếu có được người bản địa thì cũng là lợi thế cạnh tranh cho FPT trên hành trình toàn cầu hóa.